Lược sử chiến thuật bóng đá (Kỳ 5): Vittorio Pozzo - phù thủy chiến thuật của Italia
Chủ Nhật 24/04/2016 13:14(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Trong những năm từ 1920 đến 1930, sơ đồ 2-3-5 được sử dụng phổ biến tại châu Âu và bắt đầu có những biến thể ra đời. Tiêu biểu như việc tiền đạo cắm sẽ được thi đấu hoàn toàn tự do trong những năm 1920. Áo, Séc và Hungary là tiêu biểu cho trường phái này và đến năm 1930, Áo đã đưa trường phái tiền đạo cắm được phép chơi tự do lên đến đỉnh cao. Sơ đồ này cho phép các cầu thủ thi đấu linh hoạt hơn bằng việc sử dụng kết hợp những đường chuyền ngắn và kỹ thuật cá nhân trong tấn công.
Nhưng từ đó, quy luật tự nhiên khiến chiến thuật
bóng đá cũng biến đổi theo. Một sự việc lên cao trào cũng là lúc bắt đầu của sự thoái trào. Sơ đồ 2-3-5 sau này bị "khai tử" bởi một biến thể khác đến từ Italia còn được gọi là Metodo hay sơ đồ 2-3-2-3.
Ai còn nhớ Vittorio Pozzo?
|
Vittorio Pozzo - Người đặt nền móng cho phong cách thi đấu phòng ngự của đội tuyển Italia. |
Là người duy nhất dẫn dắt đội tuyển quốc gia nước mình vô địch hai kỳ World Cup trên cương vị huấn luyện viên, Pozzo được coi là "cha đẻ" của lối chơi phòng ngự đặc trưng cho Italia. Thời đó, Pozzo chịu ảnh hưởng khá nhiều từ chiến lược gia người Áo, Hogo Meisl - người đặt nền móng cho biến thể 2-3-5 kiểu mới với các tiền đạo được phép thi đấu tự do hơn. Nhưng Pozzo mang đặc trưng điển hình của người Italia khi không muốn quá mạo hiểm. Vì vậy, ông bắt đầu nghĩ ra một chiến thuật mới phù hợp hơn cho mình.
Pozzo được đánh giá là một trong những người đặt nền móng cho phong cách thi đấu của đội tuyển Italia với chủ nghĩa thực dụng. Thập niên 30 của thế kỷ trước, người ta vẫn rất coi trọng vai trò của bóng đá tấn công còn phòng ngự vẫn chỉ được coi là thứ yếu. Pozzo ảnh hưởng khá nhiều từ xã hội Italia lúc bấy giờ khi luôn đề cao tính hiệu quả. Vì vậy, Pozzo truyền thụ cho các cầu thủ Italia tư tưởng của mình khi yêu cầu họ làm mọi cách để giành chiến thắng.
Nhờ tư duy chiến thuật khác người ấy của Pozo, đội tuyển Italia đã làm nên lịch sử khi vô địch hai lần liên tiếp vào những năm 1934 và 1938. Nhờ đó, Azzurri đi vào lịch sử với tư cách đội tuyển đầu tiên bảo vệ thành công ngôi vô địch World Cup, cũng như đội tuyển đầu tiên vô địch World Cup khi phải thi đấu trên "đất khách".
Mặc dù có một sự nghiệp huy hoàng trên cương vị huấn luyện viên nhưng Pozzo lại không thực sự được ưa thích tại Italia ở thời điểm đó. Nguyên nhân là bởi Pozzo bị cáo buộc là không chống lại chủ nghĩa độc tài phát xít Mussolini khi có sự thỏa hiệp với chế độ quân sự này. Tuy nhiên, Pozo vẫn được vinh danh khi ông là một trong những nhân vật quan trọng bậc nhất trong sự phát triển của chiến thuật bóng đá.
Metodo (2-3-2-3)
|
ĐT Italia lên ngôi vô địch World Cup hai năm 1934 và 1938 nhờ chiến thuật Metodo (2-3-2-3). |
Phát kiến của Pozzo thực chất là một biến thể từ sơ đồ chiến thuật 2-3-5. Các trung vệ dưới thời Pozzo bắt đầu được chuyên môn hóa với nhiệm vụ chỉ phòng ngự ở tuyến dưới. Còn tuyến giữa vẫn là nơi vừa tấn công, vừa hỗ trợ phòng ngự nhưng có một khác biệt lớn so với sơ đồ 2-3-5 là Pozzo kéo hai tiền đạo xuống đứng ngay trên bộ ba tiền vệ để đảm bảo sự chắc chắn trong khâu phòng ngự. Dưới thời Pozzo, ông kéo Giuseppe Meazza và Giovanni Ferrari đá thấp hơn những tiền đạo khác.
Nhờ thế, sơ đồ chiến thuật của Pozzo trở thành 2-3-2-3. Sơ đồ này có ưu điểm là phòng ngự chắc chắn hơn so với chiến thuật 2-3-5 đang thịnh hành trước đó, cũng như tạo nhiều không gian cho các tiền đạo hơn nhờ việc đá theo kiểu phòng ngự phản công. Hơn nữa dưới tư tưởng thực dụng của Pozzo, ĐT Italia càng trở nên nguy hiểm khi thi đấu cực kỳ hiệu quả với những pha phản công bắt nguồn từ tuyến tiền vệ.
Sơ đồ này còn được gọi với cái tên khác là "WW". Đến những năm 1940, hai hậu vệ trong sơ đồ này được chuyển hoàn toàn từ việc đá hậu vệ cánh sang trung vệ thực thụ. Chiến thuật bóng đá được gọi tên là "Sistema" (hệ thống). Có thể nói Metodo chính là chiến thuật đầu tiên coi trọng việc phòng ngự và hiệu quả trong những tình huống phản công, là bước chuyển tiếp giữa tư duy tấn công sang tư duy cân bằng giữa phòng ngự và tấn công.
Như Đạt