Nền tảng lối chơi của Bayern Munich khá giống với phong cách tiki-taka của Barcelona, nhưng với tư duy tiến lên phía trước và sự kiểm soát bóng sáng tạo.
“Mục đích của việc tập luyện”, HLV vĩ đại Cesar Luis Menotti từng nói, “là để tăng tốc độ xử lý chính xác của một cầu thủ”. Đó cũng là tuyên ngôn chung của sự phát triển các chiến thuật bóng đá. Một hệ thống thi đấu mới ra đời, được thay đổi và thêm thắt nhằm khiến nó ngày càng nhanh hơn, cho tới khi nó đạt tốc độ cực đại, và một hệ thống khác sẽ xuất hiện để thay thế.
Với những gì Bayern Munich đã làm mùa này, có thể nói rằng họ đã đẩy lối đá tiki-taka của Barcelona lên tốc độ cao nhất, bằng cả những cầu thủ hết sức khéo léo, nhưng thể lực cũng rất dồi dào.Bayern đá trực diện hơn, và tốc độ hơn so với Barca.
Bayern "to lớn" hơn Barca
Barcelona là đội đầu tiên thực sự tập trung vào việc khai thác luật việt vị mới. Họ tìm cách mở rộng không gian chơi bóng, để các cầu thủ của mình có nhiều khoảng trống nhất có thể, giảm thiểu các tiếp xúc và va chạm, qua đó tạo ra sân khấu lớn cho những cầu thủ nhỏ con, nhưng khéo léo về mặt kỹ thuật.
Do đối thủ của họ luôn đứng trước nguy cơ nhận thẻ, những Xavi, Andres Iniesta và Lionel Messi có thể thoải mái trình diễn thứ bóng đá kiểm soát bóng của họ và vẫn ép đối phương dù có thể không trội hơn về thể hình và thể lực.
Nhưng việc các cầu thủ nhỏ con có thể chơi bóng như thế không có nghĩa là những người to lớn vạm vớ không làm được. Bayern đã chứng minh điều đó với một đội hình có thể hình lý tưởng, đồng thời kiểm soát bóng lý tưởng và kỹ thuật lý tưởng.
Công bằng mà nói, đội đương kim vô địch Champions League có lẽ chưa đạt tới trình độ chuyền bóng như Barca ở thời đỉnh cao (nhưng cũng công bằng mà nói, Bayern có lẽ không hướng tới điều đó). Đội bóng Đức cũng chuyền ban tốc độ cao và chơi thứ bóng đá kiểm soát, nhưng thể lực dồi dào của họ mới chính là sự khác biệt trong 2 trận bán kết Champions League, khi Bayern đè bẹp Barca với tổng tỉ số 7-0.
Tất nhiên, không hoàn toàn sòng phẳng khi so sánh một đội bóng đang vươn lên đỉnh cao với một đội bóng sắp kết thúc một chu kỳ, một đội đầy khát khao, đòi hỏi chiến thắng tới tuyệt vọng, còn đội kia đã có mọi danh hiệu, mất cầu thủ giỏi nhất của mình và đã cạn kiệt sức lực sau một mùa giải kéo dài. Nhưng điều đó không thể phủ nhận rằng so khắp mặt sân, Bayern có những cầu thủ lớn hơn Barca, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhất là ở các vị trí tiền vệ trung tâm và ở hai cánh.
Câu hỏi về việc liệu Barca đã qua thời hoàng kim chưa là một câu hỏi mẹo: lịch sử cho thấy những đội bóng vĩ đại một khi bị lật đổ sẽ cần nhiều thời gian để hồi phục. Nhưng Barca bây giờ vẫn rất hùng mạnh và còn sức mạnh tài chính đáng kể. Họ cũng vừa mua Neymar.
Vấn đề tốc độ
Thêm một ví dụ nữa về ưu thế thể lực áp đảo của Bundesliga chính là trận bán kết lượt đi của Borussia Dortmund trước Real Madrid, khi đội bóng Đức bằng tốc độ và sức ép liên tục đã khiến hàng thủ đối phương rối loạn và thúc thủ.
Điều đó không có nghĩa là tốc độ quan trọng hơn kỹ thuật, nhưng trong một tương quan đầy đủ giữa hai yếu tố quan trọng nhất đó của bóng đá hiện đại, chênh lệch nhỏ nhất cũng có thể dẫn tới những thất bại tồi tệ nhất. Barca ở thời đỉnh cao có thể vẫn đánh bại được Bayern ở thời đỉnh cao. Mọi đội bóng đều có cái gọi là “nhịp điệu tối ưu” của họ. Tiki-taka kiểu Pep Guardiola có lẽ đòi hỏi nhịp điệu chậm hơn so với phong cách trực diện của Bayern.
Ngoài ra, những đội thành công hơn về kết quả cũng thường là những đội có xu hướng chơi thận trọng hơn, mà điển hình là Tây Ban Nha của HLV Vicente del Bosque, đội bóng từng bị chỉ trích là đá nhàm chán, nhưng luôn thắng trận. Trong cả hai góc nhìn đó, triển vọng Bayern, sẽ có Guardiola trên băng ghế huấn luyện trong vài ngày tới, biến thành một đội bóng với lối chơi tiki-taka tốc độ kinh hoàng, đang làm cả châu Âu khiếp sợ.
Trước Barca ở lượt đi, đội bóng của HLV Jupp Heynckes chấp nhận lùi lại và tung ra những đòn phản công tốc độ chết người, qua những đôi chân có thể chuyền bóng dài thượng thặng của Bastian Schweinsteiger, Dante và nhất là Javi Martinez (một lần nữa, đừng quá khắt khe với Barca: trong 4 năm trời, họ đã có một kế hoạch A tốt tới mức chẳng ai thèm nghĩ tới một kế hoạch B, dù là Guardiola hay Tito Vilanova). Ngoài ra, sự khác biệt của Bayern là Mario Mandzukic, một người mà cựu HLV tuyển Anh và Wolfsburg, nơi anh từng chơi bóng, Steve McClaren ca ngợi là ông chưa thấy cầu thủ nào “có thể chạy nhanh thế ở một khoảng cách xa thế”.
Trước Dortmund trong trận chung kết, giống như một tấm gỗ sồi chặn ngang dòng thác, Bayern đứng vững trong 20 phút đầu khi đối thủ của họ thi triển lối chơi theo chiều dọc với sức ép khủng khiếp. Có vẻ như chính Klopp hiểu rằng nếu để trận đấu kéo dài, Bayern sẽ càng mạnh hơn, nhưng kế hoạch tung ra đòn phủ đầu của ông đã thất bại. Từ đó về sau, trận đấu đã được định đoạt.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)