Tại London, bức tượng sáp Messi của nhà điêu khắc Jim Kempton đã bắt đầu ra mắt tại Wembley trước khi được đưa vào Viện bảo tàng Madame Tussauds danh tiếng. Còn tại Camp Nou mới đây, có một Messi bằng xương bằng thịt vào vai một “người thợ sửa máy”, giúp một Barca chưa thật sự vào guồng nhọc nhằn đánh bại Spartak Moskva.
Bốn ngày trước trận mở màn hành trình chinh phục Champions League 2012-2013, HLV Tito Vilanova của Barca đã có lý và đủ dũng khí khi cất Messi trên băng ghế dự bị trong hơn phân nửa trận đấu quan trọng trước Getafe. “Hội chứng phụ thuộc Messi” của Barca bấy lâu nay không khiến Tito mắc phải chứng ám ảnh về việc Barca sẽ vận hành thế nào một khi thiếu đi mảnh ghép quan trọng Leo. Rõ là ông đã thành công với quyết định táo bạo ấy của mình.Lionel Messi đã cứu thua cho Barca
Champions League mùa bóng mới bắt đầu với Barca bằng cuộc tiếp đón Spartak Moskva của Unai Emery – cựu HLV tài ba của Valencia. Emery đã áp dụng một lối chơi không hề sợ hãi cho đội bóng Nga ngay tại Camp Nou, và Tito đủ tỉnh táo để biết Spartak không quá ngông cuồng. Khi mà cỗ máy Barca vẫn chưa thực sự vào guồng, và cán cân sức mạnh giữa các đội bóng góp mặt tại Champions League không chỉ được định hình dựa trên độ phổ quát của tên tuổi thì dù đối thủ của Barca ở bảng G chỉ là Spartak, Benfica hoặc Celtic, cũng không có nghĩa đấy là nơi để họ thư giãn.
Trước một Spartak chơi kỷ luật và triển khai một thế trận quyết liệt, phòng ngự nhiều lớp chặt chẽ, trong khi hàng thủ bị bủa vây trong khó khăn bởi rủi ro (Pique chấn thương ngay phút thứ 6) và cả sai lầm cá nhân (Alves đốt lưới, Adriano và Alex Song phòng ngự non), nếu xem Barca là một cỗ máy thì rõ ràng cỗ máy ấy chưa thật sự vào guồng. Ở vào một trạng thái nửa vời như thế, thứ duy nhất mà Barca bảo tồn được nguyên vẹn chính là Messi.
Không lấp lánh, không mỹ miều, Messi trước Spartak phần nào đại diện cho hình ảnh của Barca. Nhưng sự trầm lắng trong lối chơi không ngăn cản anh tỏa sáng. Bị phong toả không ngơi nghỉ trong phần lớn thời gian trận đấu, đến khi thế trận bị dẫn bàn buộc Tito phải mạo hiểm điều chỉnh sang chiến thuật 3-4-3, lúc này Messi được điều về vị trí “số 10” cổ điển và cũng là lúc ngòi nổ bắt lửa. Sự chờ đợi được tưởng thưởng: Cỗ máy đang gặp trục trặc và Messi xuất hiện đúng lúc, như thể anh nói với tất cả rằng “Được rồi, hãy để đấy!” Vì Messi sẽ sửa chữa những lỗi lầm vốn không thuộc về anh, mà là đội bóng của anh.
Ghi bàn và ghi bàn, đó chính là “đồ nghề” của “người thợ sửa máy” Messi. Một đệm bóng cận thành, một đánh đầu chuẩn xác, hai bàn thắng của Messi có thể là thô nếu xét trên tiêu chuẩn hoa mỹ của chính anh, nhưng lại đủ khoa học và hiệu quả với trọng trách của một tay thợ máy. Khi lao động là vinh quang và ghi bàn là điều hạnh phúc, Messi của Barcelona hiện tại là một chàng trai của cảm hứng bóng đá và nụ cười chiến thắng. Bàn thắng đến và Messi mỉm cười, bàn thắng đến và Messi ăn mừng cùng đồng đội, có gì phải che giấu và kìm nén nếu niềm vui luôn cần được chia sẻ. Cách Messi làm mọi việc và cách anh bộc bạch cảm xúc của mình khiến cho những chiến binh già ước nhớ về quá khứ, còn những tài năng trẻ thì khát khao về tương lai, cùng một cách, như chính anh.
Ở Barcelona, họ bảo tháng 10 là tháng của Messi, tháng của con số anh khoác lên mình, tháng của một Messi lần đầu lên chức bố, nhưng có lẽ, đâu chỉ tháng 10 là tháng của anh. Dù Messi có là một gã “thợ sửa máy” hay một “người nghệ sĩ”. Con số 14: Trận đấu trước Spartak là lần thứ 14 Messi ghi ít nhất 2 bàn trong một trận thuộc Champions League, cân bằng thành tích mọi thời đại của Raul. 11: Messi đã ghi được 11 bàn thắng bằng đầu cho Barca, trong đó có 3 bàn tại Champions League. 10: Trong 7 trận của mùa giải hiện tại, Messi đã 10 lần nổ súng. Với con số này của Messi, huyền thoại Gary Lineker theo viết trên trang Twitter của mình rằng: “Lại nữa! Messi ghi 10 bàn trong 7 trận. Lời thanh minh duy nhất: Messi là người ngoài hành tinh.” Messi “săn” Shevchenko Với hai bàn ghi được trước Spartak Moskva, Lionel Messi đã nâng tổng số bàn thắng của anh tại Champions League lên con số 53, qua đó trở thành chân sút thứ tư trong lịch sử giải đấu danh giá nhất châu Âu, vượt qua con số 51 bàn của Thierry Henry. Giờ đây, mục tiêu tiếp theo của La Pulga là Shevchenko, với 59 bàn. Hai vị trí dẫn đầu là Van Nistelrooy với 60 bàn trong 80 trận và Raul với 71 bàn qua 144 trận.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)