ose Mourinho gặp Diego Simeone, đó là một trận đấu giữa hai nhà chiến thuật có phong cách hao hao nhau, đều lấy phòng ngự làm đầu và cố gắng hạn chế tối đa sức công phá của đối phương. Nói một cách hình ảnh thì Chelsea và Atletico Madrid là hai “xe bus” to nhất châu Âu.
1. Đây sẽ là trận đấu mà việc Thibaut Courtois có thi đấu hay không trở thành đề tài nóng bỏng. Fernando Torres cũng là cái tên đáng chú ý bởi anh từng là thủ lĩnh ở Calderon… Nhưng tâm điểm vẫn là cuộc đấu trí giữa hai nhà cầm quân Mourinho - Simeone.
Mới một năm về trước họ còn là đối thủ quen thuộc của nhau. Mourinho toàn thắng 3 trận đầu tiên nhưng lại thua ở lần đấu cuối cùng. Đó là trận Chung kết Cúp Nhà Vua 2013 khi Mourinho đã bước một chân tới Chelsea. Ronaldo mở tỷ số nhưng lại bị đuổi và Real thua trong hiệp phụ.
Đó đều là những nhà cầm quân trẻ tuổi tài cao và giàu cái tính. Mourinho tự xưng là “Người đặc biệt”, Simeone không bao giờ tự xưng nhưng ông còn hơn cả đặc biệt sau những gì đã làm cho Atletico trong hai năm vừa qua.
Diego Simeone không thể sánh bằng Jose Mourinho về tiền bạc, sự nổi tiếng và quyền lực. Simeone không nằm trong số những HLV hưởng lương cao nhất thế giới, không xuất hiện trên báo mỗi ngày và cũng chẳng có cơ hội thể hiện uy quyền bằng cách ném một ngôi sao bự như Casillas lên ghế dự bị. Nhưng “El Cholo” lại trội hơn ở sự tín nhiệm của tất cả mọi người.
2. Nếu Mourinho có uy quyền của một nhà độc tài thì Simeone lại có uy quyền của một “đại ca”. Triết lý của Simeone là “hãy huấn luyện bằng tâm hồn”. Ông ở chung nhà với các cộng sự để dễ dàng trao đổi chuyên môn. Ông luôn hiểu cầu thủ muốn gì. Mario Suarez và Adrian được phép thả lỏng trên sân tập, Tiago và Diego Costa được tự chọn vị trí đá. Dễ tính nhưng không dễ dãi, không có một cầu thủ nào của Atletico dám trốn đi chơi hộp đêm. Họ từng háo hức muốn theo dõi Fernando Alonso và Sebastian Vettel so tài trên đường đua F1 ngay trước một trận đấu nhưng chẳng ai dám bật iPad bởi Simeone đã có lệnh.
Trong khi ấy, Mourinho ở Madrid không phải là một người bạn của các cầu thủ, ông truyền đạt ý muốn của mình thông qua mệnh lệnh thay vì những lời khuyên. Bầu không khí ở Chelsea lúc này vẫn còn bí ẩn nhưng việc Mourinho không ít lần chỉ trích cầu thủ thể hiện rằng nó chẳng còn ấm cúng như trong lần cộng tác đầu tiên nữa.
Từ Anh, Italy, TBN rồi trở lại Anh, Mourinho gây hấn với tất cả mọi người và chẳng được ai ưa. Mới đây ông còn bị FA phạt tiền. Simeone lại chinh phục được tất cả. Ông từng lệnh cho CLB sơn lên tường sân Vicente Calderon bức ảnh khổng lồ của các cầu thủ và những slogan đầy sức chiến đấu: “Luôn đoàn kết vì mục tiêu chung”, “45.000 lý do để thắng”, “Chỉ những kẻ đớn hèn mới từ bỏ”.
Simeone là bậc thầy về kích thích tinh thần cầu thủ, ông luôn chỏ lên bức tường để nói về hào khí Calderon, về niềm tự hào khi khoác tấm áo đỏ trắng, và về ân tình của CĐV... Sân Calderon thời Simeone trở thành “Jardin de Alegria” (khu vườn hạnh phúc) bởi rất ít đội lấy được điểm ở đó mà nạn nhân mới đây là Barcelona.
3. Atletico nghèo nhất và bị đánh giá thấp nhất vòng Bán kết, ngân sách hoạt động của họ chỉ có 120 triệu euro/năm, những đội còn lại gấp 3-4 lần. Bản hợp đồng kỷ lục, hậu vệ Filipe Luis chỉ có giá 12 triệu euro. Atletico lấy Joao Miranda miễn phí; mua David Villa với 2 triệu euro; đón Gabi, Adrian và Diego Costa sau khi CLB của họ rớt hạng… Bây giờ, tất thảy đã là sao nhờ tay Simeone.
Giống như Juergen Klopp ở Dortmund, Simeone ưu tiên phát triển đội bóng dài lâu, bền vững và ít tốn tài nguyên, đối nghịch với Jose Mourinho.
Theo Thể Thao Văn Hoá