“Tôi có niềm tin rất lớn vào Serge, vì tôi đôn cậu ấy lên đội hình chính cuối mùa trước, nhưng xin đừng biến cậu ấy thành ngôi sao chỉ sau một trận đấu” . Đó là lời phát biểu của HLV Arsene Wenger về Serge Gnabry sau màn trình diễn ấn tượng của cầu thủ trẻ trong trận đấu với Tottenham. Phát biểu ấy đã gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về việc tung hô tài năng trẻ lên quá sớm ở báo chí và truyền thông Anh.
Chỉ một vài câu nói ngắn gọn thế nhưng chiến lược gia người Pháp đã cho thấy sự từng trải của mình sau gần 20 năm dẫn dắt Arsenal. Ông mừng vì cậu học trò của ông đã có một trận thi đấu tốt, mừng vì niềm tin đã được trao đúng chỗ… thế nhưng ông cũng bình thản chỉ ra rằng Gnabry vẫn sẽ phải cố gắng rất nhiều và xin báo chí đừng tung hô cầu thủ người Đức quá sớm.Gnabry: Tài năng trẻ sáng giá của Arsenal
Đó không phải là sự khiêm tốn mà đó là cách HLV Wenger đang bảo vệ học trò của mình để tránh những áp lực không cần thiết đến với Gnabry. Là người có kinh nghiệm rất nhiều trong việc biến những tài năng trẻ trở thành ngôi sao, HLV Wenger thừa hiểu được những khó khăn gặp phải khi các cầu thủ khoác lên mình cái mác “Wonderkid”. Trong quá khứ, ngay cả ngôi sao hiện tại của Arsenal, Theo Walcott cũng phải mất 7 năm để thoát ra khỏi hình ảnh một thần đồng không bao giờ lớn kể từ khi nổi lên như một hiện tượng khi tham dự World Cup 2006 khi mới 17 tuổi.
Thứ 1, báo chí và giới truyền thông Anh thường ca ngợi rất nhiều mỗi khi xuất hiện một tài năng trẻ từ màn trình diễn ấn tượng của họ trong một vài trận đấu. Điều này vô hình trung sẽ thu hút được sự quan tâm đông đảo của nhiều NHM, khiến họ chú ý nhiều hơn đến tài năng đó. Kinh nghiệm và sự thật đều nói lên rằng thành công quá sớm thì áp lực cũng tăng lên. Người được tung hô sẽ chịu áp lực tỏa sáng rất nhiều và đó chắc chắn không phải là điều tốt đối với những cầu thủ chỉ mới 19,20 tuổi. Họ cần thời gian để hoàn thiện kỹ năng bản thân và một tâm lý vững vàng khi xung trận chứ không cần những lời ồn ào cũng như “nổi tiếng hờ” đến từ nhiều phía.
Báo chí Anh từng đưa Andy Carroll lên “đỉnh” sau thương vụ kỷ lục chuyển từ Newcastle sang Liverpool với mức giá 35 triệu bảng, đưa tài năng của những cầu thủ bản địa như Jenkinson, Smalling, Cleverley, Rodwell, Sinclair, Johnson,…lên mây xanh chỉ sau một mùa giải thành công, đặt cho họ những biệt danh như “Scholes mới”, “Gerrard mới”, “Beckham mới”..v..v.. Hãy nên nhớ rằng chặng đường trở thành cầu thủ xuất sắc của các ngôi sao như Gerrard hay Beckham cần rất nhiều thời gian và sự đánh đổi chứ không dễ dàng chỉ là sự tỏa sáng trong một mùa mà có được. Nói như vậy không có ý gì chê trách gì tài năng của các cầu thủ trẻ kể trên. Họ không hề có tội với phong độ ở thời điểm hiện tại. Họ chỉ là nạn nhân của của sự tung hô của báo chí.
Thứ 2, việc nổi tiếng quá sớm khiến nhiều cầu thủ đánh mất đi động lực để phấn đấu, bị ảnh hưởng của căn bệnh ngôi sao quá nhanh. Vấn đề này thì không riêng gì bóng đá Anh bởi trên thế giới những tấm gương như Freddy Adu, Cherno Samba, Kerlon… thật sự có rất nhiều. Người ta sẽ chỉ nhớ đến họ như những tài năng sớm nở chóng tàn của bóng đá thế giới bởi chặng đường vươn tới ngôi sao không bao giờ có dấu chân của những kẻ chẳng biết phấn đấu. Một khoảnh khắc xuất thần không thể làm bước đo cho mười năm sự nghiệp. Lý thuyết và vậy, thế nhưng có thực hiện được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào sự nhận thức của từng người.
Vậy nên chỉ một lời nói của HLV Wenger cũng đủ cho chúng ta hiểu rõ được sự bảo vệ và quan tâm của ông với học trò của mình. Gnabry có tài nhưng tài năng ấy có thể phát triển theo một hướng bền vững trong tương lai được hay không thì vẫn còn là một ẩn số. Và câu trả lời trong họp báo vừa là lời động viên cũng là lời nhắc nhở sâu sắc dành cho Gnabry.
Theo Bongda