Một cầu thủ lớn cần phải biết cách tỏa sáng trong những trận cầu lớn. Messi đã nợ người hâm mộ những khoảnh khắc lóe sáng trong trận lượt đi ở San Siro và cả trong hai thất bại liên tiếp trước Real. Giờ là lúc trả món nợ ấy. Khi Messi sút tung lưới Valladolid vào ngày 22/12 để đánh dấu cột mốc 91 bàn thắng trong năm 2012, thế giới bóng đá náo loạn. Tiền đạo người Argentina đã phá tan kỷ lục tưởng như sẽ tồn tại vĩnh viễn mà Gerd Mueller thiết lập 40 năm trước để tạo nên một kỷ lục mới ghi tên mình. Trong con mắt của những người yêu bóng đá thời điểm ấy, Messi giống như một siêu sao đến từ hành tinh khác, một người không có bất kỳ giới hạn nào và chẳng có hàng thủ nào có thể ngăn được bước chân anh.
Messi hoàn toàn im lặng ở San Siro.
Messi bị bắt bài
Không ai có thể hình dung được rằng chỉ sau hai tháng, một Messi trên mây đã trở lại mặt đất. Ngay cả một hàng thủ không quá chắc chắn như AC Milan với những cái tên chưa tới tầm ngôi sao như Mexes, Ambrosini… nhờ đấu pháp hợp lý cũng ngăn chặn thành công “La Pulga” và biến anh thành “trẻ lạc”. Ngay sau ấy, tới lượt hàng phòng ngự Real với những cái tên Varane, Ramos… tiếp tục hóa giải sự nguy hiểm của chân sút người Argentina.
Sự bùng nổ của Messi trong giai đoạn cuối năm 2012, khi khao khát lập kỷ lục của anh bùng lên mạnh mẽ, đã biến mất. Giờ người ta lại thấy hình ảnh ấy ở Ronaldo, người đã ghi 19 bàn thắng sau 16 trận đấu năm 2013 và theo rất nhiều chuyên gia, CR7 mới là cầu thủ xuất sắc nhất lúc này. Câu chuyện về Messi rất giống với một vấn đề được giới toán học đặt ra: Số lượng bài toán được đặt ra hàng năm luôn nhiều hơn so với số bài toán được giải trong năm ấy, vậy phải chăng sẽ có những bài toán không có lời giải. Một nhà toán học lớn khẳng định: Nếu loài người sống mãi thì mọi bài toán đều sẽ đến lúc giải được. Và nếu xem Messi là một bài toán khó nhằn thì nó đã được giải bởi các “nhà toán học” Mexes, Varane, Ramos… theo những cách khác nhau.
Ông Adriano Galliani đã dành những lời khen ngợi cho Messi trước trận tái đấu này. Trên tờ Gazzetta dello Sport, vị phó chủ tịch Milan xem Messi là “một con quỷ” và Barca là “đội bóng mạnh nhất thế giới”. Nhưng nên xem nó là những lời xã giao hơn là sự e sợ từ phía “Rossoneri”, những người đang căng tràn tự tin sau thắng lợi 2-0 ở San Siro.
Không thắng Milan, mất QBV
Hình ảnh thực sự về Messi được phác họa qua lời đồng đội Dani Alves. “Anh ấy cúi đầu nhìn xuống nhiều hơn thường lệ”, hậu vệ người Brazil thừa nhận. Messi vẫn tỏa sáng và đều đặn ghi bàn (thậm chí còn thiết lập kỷ lục ghi bàn trong 17 trận liên tiếp tại La Liga) nhưng chỉ là trong những trận đấu nhỏ. Ở những cuộc đối đầu có vai trò quyết định thành - bại của mùa giải gặp Milan và Real, “La Pulga” đều gây thất vọng. Và dù Messi đã ghi bàn trong trận “Kinh điển” ở Bernabeu thì bàn thắng ấy cũng kém ý nghĩa rất nhiều bởi Real đã chủ động buông Liga và chỉ sử dụng đội hình dự bị để tiếp đón Barca.
Các con số thống kê đều cho thấy Messi đang hoàn thiện hơn bao giờ hết. Mùa giải trước anh cần 73,5 phút cho một bàn thắng, mùa giải này anh chỉ cần trung bình 57,8 phút để đổi lấy một bàn. Anh là cầu thủ có tỷ lệ sút bóng ăn bàn cao nhất trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, 40 bàn thắng của anh được ghi sau 114 lần dứt điểm, độ chính xác là 35%. Ronaldo sút nhiều hơn nhưng kém anh 14 bàn và độ chính xác dưới 20%. Nhưng sự ấn tượng từ những con số không thể che lấp một sự thực: Messi ngày càng kém duyên trong những trận đấu lớn. “La Pulga” trong quá khứ từng ghi bàn trong hai trận chung kết Champions League mà so với chúng, trận bán kết Cúp Nhà Vua hay trận knock-out đầu tiên Champions League thì kém xa về mức độ quan trọng.
Messi như thường lệ vẫn sẽ là niềm hi vọng lớn nhất của Barca. Một màn trình diễn ấn tượng cùng những bàn thắng của Messi không chỉ giải thoát Barca mà còn giải thoát cho chính anh trong cuộc đua tranh những danh hiệu cá nhân với Ronaldo. Quả bóng Vàng đang nằm trong tay “La Pulga” nhưng nó có thể sẽ được chuyển giao cho CR7 vào năm sau nếu anh lại gây thất vọng. Đêm nay Messi sẽ hóa “quỷ”, hay lại phải cúi đầu rời cuộc chơi?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)