Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Hà Lan nguy cơ ngồi ngoài tại Euro 2016: Cần lắm một cuộc "đại phẫu"

Thứ Hai 07/09/2015 17:29(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Với thất bại ở trận Thổ Nhĩ Kỳ 3-0 Hà Lan vào đêm qua, Euro 2016 đang trở nên vô cùng xa vời với “Cơn lốc màu da cam”. Có lẽ phải có điều thần kỳ, hay phép màu thì mới có thể giúp những người Hà Lan “bay” tới nước Pháp vào hè năm sau.

Vòng loại Euro 2016 đã đi vào chặng nước rút và thất bại Thổ Nhĩ Kỳ 3-0 Hà Lan vào đêm qua chẳng khác gì đòn kết liễu tham vọng dự giải vô địch châu Âu của “Cơn lốc màu da cam”. Hy vọng của Persie và các đồng đội là vẫn còn nhưng chỉ là trên lý thuyết, thật khó để họ có thể lật đổ vị trí thứ 3 của Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 lượt trận còn lại. Vào lúc này Hà Lan đang kém hơn đối thủ 2 điểm lẫn chỉ số đối đầu, họ phải thắng 2 trận còn lại trước Kazakhstan và CH Séc, đồng thời cầu nguyện thầy trò HLV Terim phải thua 1 trong 2 trận gặp Iceland và CH Séc. Trên lý thuyết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp 2 đội bóng mạnh nhất tại bảng A nhưng thật không may cho Hà Lan là cả Iceland và CH Séc đều đã chính thức giành vé tham dự Euro 2016. Vì thế sẽ chẳng ngạc nhiên nếu các đội bóng này thi đấu dưới sức giúp Thổ Nhĩ Kỳ giành được vị trí thứ 3 chung cuộc để đá Play-off.

Nếu kịch bản trên trở thành sự thật thì những người Hà Lan “bay” chẳng thể trách ai ngoài chính mình. Thầy trò HLV Danny Blind đã có màn trình diễn không thể tệ hơn ở vòng loại Euro 2016 và nếu họ có làm khán giả vào mùa hè năm sau cũng là điều hoàn toàn xứng đáng. Thất bại Thổ Nhĩ Kỳ 3-0 Hà Lan vào đêm qua chỉ là 1 trong vô số những trận đấu kém cỏi của “Cơn lốc màu da cam” kể từ đầu vòng loại. Trong số các trận đấu thất vọng của Oranje, có tới 2 trận thua trước “tí hon” Iceland, đội bóng mà trước kia Hà Lan chỉ coi là kẻ lót đường. Từ một ông lớn của bóng đá thế giới, liên tiếp giành á quân và giải 3 tại World Cup 2010, 2014 nhưng giờ đây đội bóng xứ cối xay gió có thể gục ngã trước bất kể đối thủ nào. Vấn đề của Hà Lan không phải là HLV khi Danny Blind và trước đó là cả “phù thủy” Hiddink cũng bất lực trước đội hình quá đỗi cũ kỹ của Hà Lan.

Ha Lan can mot cuoc chuyen giao the he
Hà Lan cần một cuộc chuyển giao thế hệ

Thế hệ cầu thủ tài năng giúp Hà Lan bay cao hơn 10 năm qua như Robben, Persie, Sneijder, Van Der Vaart, De Jong giờ đã ở tuổi băm. Sự sa sút phong độ thảm hại của Persie và Sneijder trong thời gian qua cũng là hình ảnh đại diện cho Oranje tại vòng loại Euro 2016. Không còn lối đá tấn công vũ bão như những “cơn lốc” nữa, thay vào đó là những cơn gió thoảng chẳng quật ngã được đối thủ nào. Mọi đường bóng vẫn phải qua chân Robben, Sneijder, Persie nhưng giờ thì sự nhanh nhẹn của 2 ngôi sao này không còn. Vì thế Hà Lan cứ thi đấu rệu rã từ trận này qua trận khác, ban đầu ai cũng nghĩ những trận thua chỉ là tai nạn nhưng điều đó cứ liên tục xảy ra cho tới thời điểm này. Để rồi đây Hà Lan đang đứng trước nguy cơ lớn phải làm khán giả tại Euro 2016. Vì thế điều cần làm với HLV Danny Blind cùng những người làm bóng đá Hà Lan là cần phải có một cuộc cải tổ mạnh mẽ. Nên mạnh dạn gạt những công thần đã quá “date” như Robben, Persie, Sneijder, Van Der Vaart, De Jong, Hunterlaar sang 1 bên để nhường chỗ cho thế hệ cầu thủ trẻ.

Ở tuyển Hà Lan hiện nay, không khó để nhìn ra một thế hệ cầu thủ tài năng mới như Depay, Narsingh, Luuk De Jong, de Vrij, van der Wiel, Klaassen, Promes, Wijnaldum, van Dijk. Thật ra những cầu thủ này đã được khoác áo Oranje, thế nhưng khi mà trong đội hình của “Cơn lốc màu da cam” vẫn còn những cái bóng quá lớn như Robben, Persie, Sneijder thì cơ hội để những cầu thủ trẻ thể hiện là gần như không có. Vì thế đã đến lúc, HLV Danny Blind cần phải dũng cảm phải thay mới toàn bộ đội hình của Hà Lan để tìm lại sức sống mới. Có thể đội hình trẻ trung vừa kể trên chưa thể thành công ngay nhưng ít nhất đội bóng xứ cối xay gió sẽ có thêm nhiều niềm tin, thêm sức sống ở các giải đấu sắp tới.

Thật ra bóng đá Hà Lan đã rất nhiều lần rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” như thế này khi đột nhiên thi đấu bết bát sau nhiều năm thành công. Việc vắt kiệt sức một thế hệ tài năng đến cuối sự nghiệp mà không chịu thay đổi đã khiến Oranje trả giá. Có thể kể đến thất bại tại vòng loại World Cup 2002 dù họ đã vào đến bán kết World Cup 1998 bởi đã sử dụng lứa Overmars, Davids, Jaap Stam, Cocu, Bergkamp hay Seedorf quá lâu. Tương tự là với thế hệ vàng của Johan Cruyff, Johan Neeskens, Johnny Rep hay Ruud Krol những năm 70 khuấy đảo thế giới nhưng đến đầu những năm 80 thì Hà Lan chẳng thể tham dự Euro hay World Cup cho tới năm 1987. Phải sau đó thế hệ Van Basten, Gullit hay Rijkaard mới giúp “Cơn lốc màu da cam” trở lại và giành ngôi vô địch tại Euro 1988. Vì thế ngay lúc này, cần có một cuộc “đại phẫu” ở đội tuyển Hà Lan bởi dù phải hy sinh vài năm, thậm chí 1, 2 kỳ Euro, World Cup nhưng đó là cách duy nhất để bóng đá Hà Lan tìm lại vị thế của mình trên bản đồ bóng đá thế giới.

Video Thổ Nhĩ Kỳ 3-0 Hà Lan


Doãn Công

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X