Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Góc nhìn: Khi thước đo của các chân chuyền bị sai lệch

Thứ Hai 17/11/2014 16:36(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong bóng đá hiện đại, những cầu thủ có khả năng chuyền bóng tốt đang trở nên ngày càng quan trọng với các đội bóng, và khả năng của những chân chuyền đó thường được đánh giá qua đường kiến tạo. Thế nhưng có vẻ như yếu tố này đang bị đề cao quá mức?

Bóng đá luôn vận động không ngừng và thay đổi với tốc độ chóng mặt trong những năm trở lại đây. Sự ra đời của triết lý bóng đá thực dụng cùng với việc kết quả cuối cùng ngày càng được đề cao khiến các tiền đạo dần trở nên khó khăn hơn trong việc tiếp cận khung thành của đối phương. Những pha solo qua hàng loạt cầu thủ đối phương của Maradona hay những pha đi bóng tốc độ của Thierry Henry giờ đây đã trở nên ngày một hiếm hoi mà thay vào đó vai trò của các tiền vệ lại được đề cao, đặc biệt là những cầu thủ có khả năng chuyền bóng tốt. Nhắc tới chuyền bóng, chắc chắn kiến tạo sẽ là yếu tố được quan tâm đến nhiều nhất bởi mục đích cuối cùng của các cầu thủ là đưa được bóng vào lưới đối phương, và đường chuyền gần nhất với bàn thắng không gì khác ngoài những đường kiến tạo.

di maria
 

Cũng chính bởi thế mà các cầu thủ có khả năng kiến tạo hàng đầu như Alexis Sanchez, Angel Di Maria hay Eden Hazard được rất nhiều các CLB ở châu Âu săn đón trong mùa hè vừa rồi. Cesc Fabregas hay James Rodrriguez cũng đang dần trở thành những mắt xích cực kỳ quan trọng đóng góp vào thành công của Chelsea hay Real Madrid. Tuy nhiên các đường chuyền kiến tạo đang dần trở thành thước đo duy nhất để đánh giá sự thành công của các chân chuyền, tới nỗi một tiền vệ không kiến tạo trong vài trận cũng nhận sức ép tương tự như một tiền đạo khô hạn bàn thắng lâu ngày. Vậy liệu những đường kiến tạo có thật sự có ý nghĩa quá lớn đến như thế?

Câu trả lời có lẽ là không và có hai lý do để kết luận như vậy. Thứ nhất, vị trí của các tiền vệ thi đấu trên sân là khác nhau rất nhiều và vì thế khả  năng tạo ra những đường kiến tạo cũng là không hề giống nhau. Một tiền vệ tấn công trong sơ đồ 4-2-3-1 đang thịnh hành thường là người chỉ huy những đợt tấn công của đội bóng và đương nhiên là người thuận lợi nhất để tạo ra những đường kiến tạo cho tiền đạo đang sẵn sàng đón bóng. Tuy nhiên câu chuyện lại khác với những đường tạt bổng của các tiền vệ biên hoặc những đường phát bóng dài của các tiền vệ trung tâm, xác suất trúng đích là nhỏ hơn và nhiệm vụ của các tiền đạo để chuyển hoá những đường chuyền đó thành bàn thắng cũng là khó hơn nhiều.

Thứ hai, đường chuyền của đồng đội có thể vừa tầm nhưng khả năng xử lý và dứt điểm của các tiền đạo mới là nhân tố quyết định xem tình huống đó có trở thành bàn thắng hay không. Chẳng thế mà những cầu thủ như Ozil, Oscar gặp khá nhiều thiệt thòi với những Di Maria hay Alexis Sanchez khi thi đấu trên họ ở mùa năm ngoái không phải là những tiền đạo thật sự đẳng cấp.

Để cụ thể hơn, có thể xem xét trường hợp của 28 cầu thủ có trên 40 đường chuyền mỗi trận tại Premier League và tổng số đường kiến tạo mà những cầu thủ này sở hữu là 133 trong mùa giải 2012/2013. Nếu như chia đều số đường chuyền của các cầu thủ này thành 2 nhóm, tức là mỗi nhóm có ít nhất 20 đường chuyền thì người ta thấy rằng tỷ lệ kiến tạo (số kiến tạo/số đường chuyền) của những cầu thủ này chẳng có sự liên quan gì trong những trận đấu cả, tức là họ chỉ đơn giản là cố gắng chuyền bóng tốt nhất có thể, còn những yếu tố còn lại dẫn đến trận đấu thì họ không thể can thiệp vào.

Ví dụ này cho thấy cần nhiều yếu tố để dẫn tới một đường kiến tạo thành công chứ không chỉ tài năng của một cầu thủ, vì thế việc dùng chỉ số này để đánh giá tài năng của các chân chuyền xem ra cũng hơi khiên cưỡng. Ngược lại, người ta có thể xem xét hiệu quả thi đấu của họ thông qua một thông số mới: tỷ lệ đường chuyền nguy hiểm hay còn được gọi là key pass. Đây là chỉ số xem xét tỉ lệ các đường chuyền mà các cầu thủ tạo ra cơ hội cho đồng đội của mình, bất luận cơ hội đó có được chuyển hoá thành bàn thắng hay không. Chỉ số này có thể được tính bằng cách lấy số key pass của một cầu thủ trừ đi key pass trung bình của 28 cầu thủ nói trên và chia cho tổng số cú sút của một chân sút được chọn làm mẫu.

Nếu tính theo cách này, có thể thấy tỷ lệ tương quan giữa 2 nhóm đã chia với 20 đường chuyền mỗi nhóm ở trên là cao hơn hẳn, có nghĩa là phản án đúng hơn màn trình diễn của các tiền vệ và đáng tin hơn là chỉ số đường kiến tạo. Trong số những kết quả thu được, có 17 trong tổng số 28 cầu thủ được xem xét có màn trình diễn cao hơn mức trung bình của cả nhóm, những cầu thủ còn lại có điểm số thấp hơn.

gareth bale
 

Mùa giải 2012/2013 Juan Mata là chân kiến tạo hàng đầu giải Ngoại hạng với 12 đường kiến tạo còn Hazard đứng thứ 2 với 1 đường chuyền thành bàn ít hơn. Tuy nhiên nếu xét theo cách mới thì Bale, Van Persie và Nasri mới là những người dẫn đầu về độ hiệu quả trong các đường chuyền ở giải Ngoại hạng mùa đó. Rõ ràng các tiền vệ đã không được đánh giá đúng mức nếu như tất cả chỉ chăm chăm nhìn vào số đường kiến tạo mà họ tạo ra. Suy rộng hơn nữa, có thể thấy rằng có rất nhiều những yếu tố khác để xem xét mức độ quan trọng của một tiền vệ thay vì những đường kiến tạo, giả dụ như khả năng điều tiết nhịp độ hay sự ổn định trong những đường chuyền.

Bóng đá hiện đại đang ngày càng cho thấy sự quan trọng của các tiền vệ, đặc biệt là vị trí của những tiền vệ kiến thiết, những người có khả năng tung ra những đường chuyền mở toang ra cánh cửa vào khung thành đối phương. Tuy nhiên bóng đá là môn thể thao tập thể và có rất nhiều yếu tố của nhiều cá nhân đóng góp vào một bàn thắng. Những đường kiến tạo chỉ là một phần trong số đó và có lẽ không nên quá thổi phồng chỉ số ấy để đánh giá một cách phiến diện về tài năng của một cầu thủ.

Thế Hưng

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X