Vi phạm luật công bằng tài chính nghiêm trọng, Manchester City đã chính thức bị UEFA cấm tham dự các giải đấu cúp Châu Âu trong hai năm tới (mùa giải 2020/21 và 2021/22), đồng thời phải chịu án phạt hành chính lên đến 30 triệu Euro.
Manchester City bị cấm tham dự Champions League trong hai năm |
Theo các bản cáo trạng điều tra, Man City được công ty mẹ Abu Dhabi United Group (ADUG), định chế tài chính khổng lồ trực thuộc Hoàng gia UAE, bơm tiền trái phép để chi tiêu vượt quá nguồn thu thương mại và giải thưởng.
Cụ thể, ít nhất 60-70 triệu bảng được ADUG "phù phép" và chuyển cho Man City dưới vỏ bọc giấy tờ là các hợp đồng tài trợ (áo đấu, tên sân vận động, cơ sở tập luyện…) với hãng hàng không quốc gia của UAE là Etihad. Tuy nhiên, con số thực tế Etitad chi trả được cho chỉ vỏn vẹn 8 triệu bảng.
Tìm hiểu sơ lược về luật công bằng tài chính FFP:
FFP ra đời khi nào?
Cựu chủ tịch UEFA Michel Platini đề xuất khởi xướng ra Luật công bằng tài chính FFP |
Đầu mùa giải 2011/12, UEFA công bố luật công bằng tài chính hay còn viết tắt là FFP. Đây là kết quả của những thảo luận từ năm 2009 của Ủy ban quản lý tài chính do UEFA lập nên. FFP được giới thiệu như một biện pháp ngăn cản các CLB sử dụng thứ mà chủ tịch Michel Platini gọi là 'Doping tài chính' trong bóng đá.
Huyền thoại người Pháp cho biết: "50% các CLB đang chi bộn tiền và đây trở thành một trào lưu. Chúng ta cần phải ngăn điều này lại. Họ chi nhiều hơn những gì họ kiếm được trong quá khứ, và lại còn nợ xấu. Chúng ta không muốn triệt hạ các đội bóng, mà ngược lại, chúng ta giúp họ phát triển."
FFP có tác dụng gì?
Luật công bằng tài chính FFP của UEFA |
Năm 2009, có một sự thật là các CLB thất thoát tiền của khá nhiều vì chi cho các khoản như trả lương cầu thủ hoặc phí chuyển nhượng. Tuy nhiên bằng cách nào đó, sự giàu có của các ông chủ vẫn giúp cho đội bóng của họ sống sót. Các đội bóng có vẻ như đã lợi dụng ưu thế tiền của do giới chủ giàu sụ như Trung Đông hay Mỹ để đảm bảo việc vận hành trơn tru.
Dưới hiệu lực của FFP, các đội bóng phải tuân thủ những quy định trong giới hạn về việc chi tiêu trong chuyển nhượng cầu thủ, trả lương cầu thủ, nhân viên... Một đội bóng không thể lạm dụng sự giàu có của các ông chủ để vung tiền gây ra sự lạm phát trong chuyển nhượng hoặc chi trả lương quá cao để chiêu dụ các ngôi sao, gây mất công bằng cho các đội bóng nhỏ hơn.
Trong FFP còn có cả sự kiểm soát và cân bằng giữa tiền ra (phí chuyển nhượng, lương bổng…) với doanh thu từ bản quyền truyền hình và tiền bán vé, thêm vào đó là doanh thu từ các hợp đồng quảng cáo. FFP không tính đến các chi phí như xây dựng sân vận động hay đầu tư cho phát triển công tác đào tạo trẻ, trang bị cơ sở vật chất tập luyện…
FFP có những hình phạt ra sao cho các CLB vi phạm?
Hai lần vi phạm luật công bằng tài chính, Man City đã phải trả giá đắt |
1. Cảnh cáo
2. Xử phạt hành chính
3. Trừ điểm
4. Phạt rút vốn của UEFA trong các giải đấu
5. Giới hạn đăng ký số lượng cầu thủ cho các giải đấu của UEFA
6. Loại khỏi các giải đấu đang tham gia
7. Loại khỏi các giải đấu trong tương lai
Năm 2014, chính Manchester City và cả Paris Saint-Germain đã bị UEFA “tuýt còi” do vi phạm luật công bằng tài chính. Thời điểm bấy giờ, hai đại gia Anh và Pháp ít nhiều vẫn được “giơ cao đánh khẽ” khi chỉ bị phạt hành chính 40-60 triệu Euro, đồng thời bị giới hạn số lượng cầu thủ đăng ký cho các giải đấu cúp Châu Âu từ 21 xuống 18.
Với án phạt cấm Man City tham dự Champions League do vi phạm luật công bằng tài chính của UEFA, bóng đá Anh đang đứng trước viễn cảnh lịch sử không tưởng...