Chủ Nhật, 03/11/2024Mới nhất
Zalo

Đức, Hà Lan, Argentina và sự sa sút không phanh sau World Cup: Vì đâu nên nỗi?

Thứ Ba 14/10/2014 16:18(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 
Những thất bại ê chề trước các đội chiếu dưới đang làm đau cả 3 ông lớn vừa chia sẻ nhau 3 vị trí cao nhất World Cup 2014…

Hà Lan đá như đánh vật mới thắng được Kazakhstan, rồi sau đó thua Iceland thảm hại. Một Brazil bế tắc hoàn toàn dưới thời Scolari nay hồi sinh mạnh mẽ cùng Dunga, quật ngã đương kim Á quân thế giới Argentina với tỉ số 2-0 như chẻ tre. Đức thua nhục Ba Lan dù không gặp quá nhiều sự thiếu hụt lực lượng. Nói xa hơn, nhà vô địch World Cup 2010 và EURO 2012 Tây Ban Nha cũng vừa bị Slovakia chấm dứt 8 năm bất bại trong khuôn khổ các vòng loại. Điều gì đang xảy ra? 

 
Những vấn đề hậu World Cup

ba lan đức
ĐT Đức đối mặt với cuộc khủng hoảng lực lượng

ĐT Đức đã thua tới 2 trong 3 trận gần nhất trước Argentina và Ba Lan. Lúc này, Joachim Low đang thấm thía hơn ai hết cái quy luật nghiệt ngã: khi cực thịnh cũng là lúc khởi suy. Die Mannschaft không thể nào ngủ mãi trên chiến thắng được nữa, mà họ cần nhìn vào sự thật rằng trong nội tại đội tuyển có 2 vấn đề cần phải giải quyết ngay lập tức: sự thiếu hụt lực lượng sau khi một loạt trụ cột từ Lahm, Klose đến Mertesacker nói lời chia tay; cũng như cơn bão chấn thương lấy đi của họ nhiều hảo thủ. Trong những cầu thủ đang phải nghỉ thi đấu ở ĐT Đức, có những cầu thủ thuộc lớp tiền vệ phòng ngự từ xa như Khedira, Schweinsteiger; kết hợp với các cái tên vừa nghỉ thi đấu nêu trên có thể thấy ĐT Đức đang gặp một lỗ hổng lớn nơi hàng thủ. Bệnh đã được bắt, nhưng còn sửa chữa thì cần nhiều thời gian.

ĐKVĐ EURO Tây Ban Nha tiếp tục cho thấy những điểm yếu rõ ràng, vốn là tàn dư từ cấp độ CLB lên tới tuyển từ năm 2013. Đương nhiên khi tiqui-taka lên tới thời cực thịnh sau EURO 2012, lối đá này buộc phải đi xuống, phần vì các đối thủ đã biết cách khắc chế, phần vì lúc này xứ sở bò tót không còn sản sinh ra các cầu thủ có thể phục vụ hết mình cho lối chơi này, mà Diego Costa là một ví dụ điển hình. Mãi cho tới gần đây khi được xếp đã cặp cùng Paco Alcacer, anh mới có thể toả sáng trong sơ đồ… 4-1-2-1-2 chứ không phải 4-3-3 của tiqui-taka. Lối chơi của TBN giờ không còn ban bật quá nhiều (bởi thất bại sấp mặt ở World Cup 2014 cho thấy sự kém hiệu quả của cách đá đó), mà trực diện hơn, chuyền dài nhiều hơn. Đương nhiên khi đổi sang một lối đá mới lạ lẫm, La Roja cần thời gian thích nghi và thất bại là điều khó tránh khỏi.

Diego Costa đã có bàn thắng đầu tiên cho ĐT Tây Ban Nha
Để dùng được Diego Costa, Del Bosque phải hi sinh tiqui-taka

Với Argentina thì thất bại của họ là hậu quả của việc nhân sự trên băng ghế chỉ đạo bị thay đổi. Gerardo Martino suy cho cùng chỉ là một HLV tầm trung và việc dẫn dắt Argentina đối với ông như thể một… giấc mơ chứ không phải nhiệm vụ cần phải hoàn thành. Ông tạm thời chưa tìm được cách sử dụng Messi hay Di Maria cho hiệu quả cao nhất. Thực ra Martino có thể dùng Di Maria cực hay (như trong trận giao hữu với Đức cách đây không lâu), nhưng yêu cầu Messi chơi thấp như một tiền vệ công của ông có vẻ hơi bất hợp lý. Ngoài ra còn cách bố trí hàng thủ, cách luân chuyển và biến thiên đội hình trong mỗi hoàn cảnh cố định. Đây cũng là vấn đề của Hà Lan, khi Guus Hiddink không thể kế thừa lại di sản của Louis Van Gaal để lại. Van Gaal đã thực hiện một cuộc cách mạng khi thẳng tay loại một loạt cầu thủ hết thời, nhưng chính vì thế các cầu thủ của ông chỉ có thể chơi như một khối thống nhất mang bản sắc của Van Gaal. Ghép vào lối chơi của Hiddink, bỗng nhiên các cá nhân này rời rạc và kém hiệu quả đi hẳn. Trong bối cảnh Van Persie, Robben hay Sneijder đều đã qua thời xế chiều, khả năng Oranje lọt qua vòng loại EURO 2016 còn là khó khăn và gian nan.

 Tâm lý “bề trên” và sự tiến bộ của các đội tuyển nhỏ

Với thể thức mới (24 đội tranh tài tại EURO 2016 thay vì 16 như trước), vòng loại EURO trở nên dễ thở hơn hẳn khi có tới hơn 1/3 số đội được quyền đi tiếp. 8 bảng 6 đội và 1 bảng 5 đội làm giảm hẳn tính cạnh tranh của các bảng đấu, và bỗng dưng chiếc vé tới Pháp như thể đã được trao tận tay cho Hà Lan, Đức hay TBN. Họ hiểu rằng kể cả khi họ có khủng hoảng và xếp thứ 3 bảng đấu, họ vẫn còn cơ hội để đi tiếp thông qua cửa play-off. Bảng 6 đội, lấy tới 2 đội rưỡi thì có gì là khó khăn cho các đại gia?

HLV Hiddink bị chê là hết thời sau thất bại tại Iceland
HLV Hiddink bị chê là hết thời sau thất bại tại Iceland

Từ đó có thể thấy sức ép chiến thắng và giành ngôi nhất bảng không còn quá đè nặng lên các đội tuyển. Tâm lý tự mãn dẫn đến màn trình diễn không hết sức. Tây Ban Nha nằm trong bảng đấu có những Belarus, Macedonia và Luxembourg (lần lượt xếp hạng 89, 112 và 127 FIFA), họ muốn không chủ quan cũng không được. Đến đây thì cần xem lại tuyên bố của Platini: ông cho rằng thể thức mới làm các đội nhỏ có nhiều cơ hội hơn; nhưng thực ra cách tổ chức này lại là một cách để mang vé tới cho nhiều ông lớn nhất có thể. Thế nên mới có chuyện TBN đang trên đà băng băng 37 trận không biết mùi thua ở các vòng loại World Cup/ EURO mới phơi áo nhục nhã trước Slovakia, Ba Lan thắng Đức lần đầu tiên sau 19 lần đối đầu.

Thêm vào đó, các đội tuyển nhỏ cũng đang trên đà tiến bộ không ngừng. Xứ Wales với Gareth Bale và Aaron Ramsey đang hi vọng quay trở lại một giải đấu quốc tế lần đầu tiên kể từ năm 1958. Gylfi Sigurdsson (Iceland), Omer Damari (Israel) và Robert Lewandowski (Ba Lan) đang dẫn đầu danh sách dội bom tại vòng loại EURO lần này, và không ai trong số họ đến từ một ông lớn của bóng đá châu Âu. Khi khoảng cách giữa các đội tuyển được rút ngắn lại, kết hợp với tâm lý “3 điểm là không bắt buộc” như đã nói ở trên, đương nhiên sẽ có những trận thua sốc.

Thế nên, sẽ còn nhiều đại gia phải phơi áo…
  
Thành Nguyễn 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X