(Bongda24h) - Giang hồ - một thế giới mênh mông của các loại võ công, những âm mưu, vô số trận đấu và trải dài qua nhiều thời đại. Luật giang hồ xét đến cùng là võ lực, mạnh được yếu thua. Trong một chừng mực nào đó, trận chung kết toàn Anh ở Mạc Tư Khoa đáng được “giới giang hồ” bóng đá (vừa mê kiếm hiệp, vừa khoái bóng đá) coi là một trận đấu “tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả” (trước chưa có ai, sau chẳng có ai làm được).
“Trường giang sóng sau xô sóng trước”
Chưa có mùa giải nào, “minh chủ võ lâm” MU lại đứng tim đến thế. Họ bị “hậu bối” Chelsea cân bằng điểm số đến vòng cuối cùng và chỉ hơn đối phương ở hiệu số bàn thắng - bại. Họ bị đối phương dồn ép đến tận phút cuối hai hiệp phụ trận đấu và thậm chí là ngay cả đến trước cú đá luân lưu cuối cùng của Terry. Cứ tưởng tượng một ông lão trung niên võ công thâm hậu đang tranh hùng cùng một chàng trai trẻ măng (đem so danh hiệu giữa MU với Chelsea thì đội bóng áo xanh rõ ràng chỉ là một “tiểu tử” không hơn không kém) mới thấy câu “trường giang sóng sau xô sóng trước” đúng thế nào.
Chelsea xứng đáng thắng dù họ...thua
M.U là một tay đấu lão luyện, lịch duyệt giang hồ nên đã chọn cách “tiên hạ thủ vi cường” với đòn sát thủ sấm sét (Ronaldo ghi bàn). Ngài Alex thừa hiểu sức bền của Chelsea nên không muốn cù cưa. Nhưng rõ ràng các học trò của “tay mơ” Grant thật khó đối phó. Họ cứ như một cao thủ được hấp thu công lực hàng chục năm (tiền của Abramovic chẳng phải còn ghê gớm hơn thế sao?) mà còn có nhiều đòn thế lạ mắt và nguy hiểm khó lường. Ai cũng tưởng Chelsea mới là đội lo thủ thế nào ngờ sự “háu đá” cũng mang lại một kết quả không ngờ: bàn thắng san bằng tỉ số.
Cứ nhìn bước chạy của những cầu thủ áo xanh. Nó nhanh như “thần hành bách biến”, ảo diệu như “lăng ba vi bộ” và các đòn thế trên cơ sở của nhanh, mạnh, chuẩn không khác gì võ công Thiếu Lâm được tung ra ào ạt. Nhìn “minh chủ” M.U lo thoái bộ chống đòn nghĩ thấy mà thương. Nếu không có may mắn, nếu không có sự nỗ lực của một kẻ muốn thiết lập lại địa vị giang hồ sau gần một thập kỷ im hơi (từ 1999 đến nay, M.U chưa vô địch Champions League lần nào) thì có lẽ Chelsea chưa không ai khác, xứng đáng là ông vua của châu Âu với bản lĩnh khó tin của mình.
Và cuối trận đấu, HLV A.Grant thực sự đáng kiêu hãnh để cho rằng đội bóng của mình đã có một mùa giải tuyệt hay và xứng đáng với chức vô địch nhất, dù họ… thua.
“Gừng càng già càng cay”
65 phút đầu tiên là quãng thời gian mà Sir Alex ngồi khoanh tay nhai kẹo cao su, cằm hơi nhướng lên và mắt nhìn toàn cục “trường quyết đấu”- tư thế của cường giả, của kẻ mạnh. Ông già 67 tuổi này rất tự tin. Nhưng rồi nụ cười ngạo mạn tắt ngấm. “Độc cô cầu bại” M.U buộc phải đánh giá lại đối thủ của mình. Một đối thủ đầy sung mãn và khát khao báo thù sau khi trở thành bại tướng của họ ở giải đấu trong nước.
Sir Alex Ferguson- gừng càng già càng cay
Dù sao, sân Luzhniki cũng là mặt sân quen thuộc của M.U so với Chelsea dù lượng fan của đội bóng áo xanh vượt trội hơn. Họ từng thi đấu ở đây. Cú “thiết đầu công” của M.U do Ronaldo thực hiện quả là miễn chê và phần nào đó của việc thiệt hơn về “địa lợi” đã khiến hai đòn sát thủ của Drogba và Lampard cắm thẳng vào cột dọc, xà ngang và… dội ra. Một yếu tố khác, trọng tài Lubos Michel rõ ràng không mang lại chút “nhân hòa” nào cho Chelski khi đã cho M.U hưởng lợi ít nhất 7 lần cực kỳ vô lý. Còn nhớ chính vị trọng tài “quáng gà” này đã công nhận “bàn thắng ma” của Luis Garcia của Liverpool khiến Chelsea bị loại tức tưởi cách đây 3 năm. “Thiên thời” như nhau, “địa lợi” với “nhân hòa” M.U chiếm ưu thế, thử hỏi sao họ lại không thắng. Vâng, nhưng rất khó!
Hãy nói về người đội trưởng của Chelsea, John Terry. Anh là một hậu vệ lạnh lùng, chơi bóng bằng chân lẫn đầu đều tốt và đặc biệt đá penalty khá chuẩn. Và trong loạt sút định mệnh như là cuộc đấu nội lực sinh tử giữa hai cao thủ, bước chân trượt của Terry đã khiến trường ác đấu chuyển sang một giai đoạn khác. Chelsea xuống tinh thần khi chẳng kết kiễu được đối phương và ngậm ngùi nhìn cú sút của Anelka bị Van De Sar từ chối.
Ngài Alex nhảy cẫng lên như các cầu thủ M.U, các cầu thủ M.U nhảy cẫng lên như một đứa trẻ. Niềm vui ấy trông qua hơi… nhí nhố so với tuổi đời song nó ẩn chứa một thông điệp sâu sắc: “gừng càng già càng cay”.
Tái chiến thư!
Hẹn gặp nhé
Chưa biết số phận của Grant thế nào chứ cú sốc này làm Lampard và các cầu thủ Chelsea phẫn nộ. “Nợ máu phải trả bằng máu” (thẻ đỏ của Drogba và quả thực đã có máu đổ trên sân giữa cầu thủ hai đội), đấy là còn chưa kể biết bao ân oán của hai đội bóng trước các đối thủ họ từng “giẫm qua xác” để đến được với Moscow. Một mùa bóng tới đầy hứa hẹn và trong tương lại gần, cuộc “tầm thù” vẫn sẽ còn chưa dừng lại.
Người thắng và kẻ thua, bây giờ, hãy cứ tột đỉnh hạnh phúc và tột cùng đớn đau đi. Đời mà! (À quên, “luật giang hồ” mà!)
- Như Nga