Chủ Nhật, 03/11/2024Mới nhất
Zalo

ĐT Bồ Đào Nha: Ăn mày dĩ vãng

Thứ Hai 08/09/2014 14:25(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Được mệnh danh là “Brazil châu Âu”, với dàn cầu thủ chất lượng chưa thời nào thiếu, song Bồ Đào Nha vẫn đang chỉ là cái bóng của chính mình.

Những tưởng sau kỳ World Cup 2014 siêu tệ hại, người Bồ Đào Nha phải ngay lập tức có những cái nhìn lại và chỉnh đốn, song trận thua đầy bạc nhược trước Albania mới đây cho thấy mọi thứ dường như đang vượt ngoài tầm kiểm soát của HLV Paulo Bento và các học trò. Mới chỉ là lượt trận đầu tiên vòng loại EURO 2016, người ta có thể biện minh cho một sự mất tập trung nhẹ, một sự chủ quan phớt qua của Seleccao, song thất bại này nói lên thực trạng đáng báo động của bóng đá Bồ Đào Nha, nếu xét từ quá khứ “vang danh thiên hạ” của họ.

BĐN đang có quá nhiều vấn đề
BĐN đang có quá nhiều vấn đề

Chỉ khoảng hơn 1 thập kỷ trước, Bồ Đào Nha là một đội bóng đáng sợ tại châu Âu. Họ trình làng một loạt những hảo thủ có lối chơi đậm chất latin: Luis Figo, Rui Costa, Vitor Baia, Joao Pinto, Simao hay Nuno Gomes... Kết hợp với họ là những “sao mai” sau thời kỳ Jose Mourinho tại Porto: Ricardo Carvalho, Paulo Ferreira, Paulo Costinha, Maniche, Deco... Tất cả được nuôi dưỡng bởi nhà quản lý nhân sự đại tài Felipe Scolari trong vòng 5 năm (2003-08), bên cạnh đó còn phải kể đến Carlos Queiroz, người từng là phụ tá đắc lực của Sir Alex Ferguson tại M.U, và là cái tên có tầm ảnh hưởng rất lớn đến những năm đầu sự nghiệp của Cristiano Ronaldo.

Thành tích nổi bật nhất của Bồ Đào Nha trong những năm đã qua là về nhì tại EURO 2004, giải đấu được tổ chức trên sân nhà của họ. Thế nhưng, cái cách mà Seleccao gục ngã trước Hy Lạp cho thấy họ chưa thể vươn tầm lên một đội bóng thực sự lớn và có bản lĩnh. Ở họ, sự chặt chẽ trong phong cách của bóng đá châu Âu không hề tồn tại. Thay vào đó, người Bồ cống hiến cho người xem một thứ bóng đá mang đầy tính ngẫu hứng. Việc Ronaldo ngày càng đặt nặng tầm ảnh hưởng, khiến Bồ Đào Nha biến thành “đội bóng một người”.

Thành công của Đức, Tây Ban Nha và Italia trong những năm đã qua trên đấu trường châu lục cũng như thế giới đều mang một nét rất chung: trụ cột của họ đều là những cầu thủ thi đấu trong nước. Nhìn sang Bồ Đào Nha, điều này rõ ràng là một thiếu sót rất lớn. “Xương sống” của đội đều là những người đang thi đấu bên ngoài lãnh thổ Bồ Đào Nha: Pepe, Ronaldo, Coentrao (Real Madrid), Joao Moutinho (Monaco). Trước đó, những Figo, Rui Costa hay Gomes đều ở độ chín của sự nghiệp tại lần lượt Real, AC Milan và Fiorentina. Việc các cầu thủ không có được tiếng nói chung mỗi lần lên tuyển, khiến BĐN trở nên thiếu đoàn kết.

Bên cạnh đó, người Bồ đang có vấn đề từ tiềm lực từ cầu thủ nội và đào tạo tài năng. Porto và Benfica là 2 lò đào tạo cầu thủ xuất sắc nhất tại Bồ Đào Nha, nhưng họ không phải là những đội bóng lớn, có khả năng về tài chính để giữ chân những ngôi sao, mà buộc phải để họ đến những đội bóng lớn sau khi đã thành danh. Porto và Benfica là những nhà đầu tư “siêu lợi nhuận” với chính sách “mua rẻ bán đắt”, nhưng vô tình điều đó lại gây ra một nền bóng đá thiếu tính cạnh tranh, thiếu ngôi sao và chỉ là bước đệm cho những tài năng trẻ.

Nếu so sánh với những CLB “hạng 2” tại châu Âu, tại giải đấu “hạng 2” Europa League, Porto và Benfica là những ông hoàng. Ở 4 mùa Europa League gần nhất, Porto đã vô địch 1 lần (2011), còn Benfica vào chung kết tới 2 lần (2013, 2014). Nhưng nếu là tại Champions League, họ vẫn chỉ là những cái tên thuộc mức trung bình. Vị trí thứ 4 của BĐN trên BXH UEFA (tính cả thành tích mùa này) là một sự ảo tưởng, khi nó chỉ dựa trên thành tích của các CLB đất nước này tại Europa League, chứ không phải Champions League. Thậm chí vị thế của họ sẽ còn tệ hơn nhiều trong tương lai, nếu LĐBĐ nước này không gút lại toàn bộ những chính sách phát triển cầu thủ cũng như cơ cấu nhân sự tại đội tuyển.

Theo Bongdaplus.vn

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X