Thứ Sáu, 26/04/2024Mới nhất
Zalo

Dortmund và Atletico: Sự tương đồng kỳ lạ?

Thứ Tư 17/09/2014 15:33(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Với việc HLV Juergen Klopp quyết định chuyển từ sơ đồ 4-2-3-1 sang sử dụng hệ thống 4-4-2 ở cuộc đối đầu gặp Arsenal đêm qua, đội bóng vùng Ruhr đang dần dần tái hiện lại hình ảnh quen thuộc của Á quân Champions League mùa trước, Atletico Madrid.

Sơ đồ 4-4-2

Một năm trước, Diego Simeone đã đưa Atletico tìm đến một mùa giải “thăng hoa” kỳ tích với chức vô địch La Liga đầy ngọt ngào. Thậm chí, suýt chút nữa đội bóng chủ sân Vicente Calderon đã có thể giành luôn ngôi vương Champions League nếu như không có cú đánh đầu “thần thánh” của Sergio Ramos trong những giây cuối cùng ở trận chung kết trên sân Da Luz. Hệ thống làm nên thành công của Los Rojiblancos, đơn giản chính là sơ đồ 4-4-2 hết sức chắc chắn, cân bằng và ổn định.

Atletico mừng danh hiệu vô địch đầu tiên của mùa giải.
Atletico đã có một năm thi đấu thăng hoa trong mùa giải trước

Dortmund đương nhiên không phải là Atletico. Trong phần lớn quãng thời gian HLV Klopp dẫn dắt đội bóng vùng Ruhr, CLB chủ sân SignalIduna

Park thường chơi với sơ đồ 4-2-3-1, theo xu hướng hiện đại. Tuy nhiên, ở mùa giải năm nay, với sự ra đi của chân sút chủ lực Robert Lewandowski, vị chiến lược gia người Đức đã phải tính đến những phương án thay đổi. Cụ thể, so với tiền đạo người Ba Lan, tân binh Ciro Immobile chắc chắn chưa thể sánh được về khả năng săn bàn cũng như đẳng cấp. Do đó, việc bố trí một mình ngôi sao người Italia chơi trên hàng công là tương đối mạo hiểm. Trước tình hình này, HLV Klopp buộc phải đưa ra những giải pháp sử dụng hệ thống 2 tiền đạo nhằm gia tăng sức mạnh cho hàng công.

Trong vài trận đấu đầu tiên tại Bundesliga mùa này, Dortmund đã sử dụng sơ đồ 4-3-1-2, vừa duy trì cặp trung phong phía trên nhưng vẫn sử dụng một “số 10” hỗ trợ. Thế nhưng, phương án này có vẻ không mang lại nhiều hiệu quả cho lắm. Thậm chí, ngay ở trận khai màn, đội bóng vùng Ruhr đã bị

Leverkusen đánh bại 2-0… Mặc dù vậy, cho đến cuộc đối đầu gặp Arsenal tại vòng bảng Champions League đêm qua, có vẻ như Klopp đã tìm ra lời giải cuối cùng cho đội bóng của mình. Bất chấp việc đang sở hữu một Kagawa có phong độ cao nhưng nhà cầm quân 47 tuổi vẫn quyết định để ngôi sao người Nhật Bản lên ghế dự bị. Thay vào đó, Klopp tung ra sân một đội hình khá lạ lẫm với sơ đồ 4-4-2.

Dortmund vừa thu được những thành công đầu tiên từ sơ đồ 4-4-2

Bên cạnh Immobile, cầu thủ người Gabon, Aubameyang cũng được đẩy lên chơi như một tiền đạo thứ hai. Với tuyến giữa dù chỉ gồm 4 người nhưng Dortmund vẫn tỏ ra hoàn toàn “áp đảo” Arsenal (5 tiền vệ). Chủ động tranh chấp quyết liệt từ giữa sân đồng thời đẩy cao tốc độ cũng như tính trực diện trong các tình huống phản công, đội bóng vùng Ruhr đã có một ngày thi đấu hoàn toàn lấn lượt các vị khách đến từ Premier League. Chung cuộc, chiến thắng 2-0 vẫn chưa nói lên sự vượt trội của thầy trò HLV Klopp nhưng 3 điểm có lẽ cũng là quá đủ với đại diện nước Đức.  

Lối chơi “gegenpressing”

Đầu tiên, hãy phân tích “gegenpressing” là gì? Trên thực tế, đây là một phong cách biến thể từ lối chơi counter-pressing (phản công tổng lực). Tuy nhiên, “gegenpressing” nghĩa là đội bóng có xu hướng áp sát nhanh và chủ động giành bóng ngay trên phần sân đối phương. Ngoài ra, trong phản công, đội chơi “gegenpressing” cũng thường triển khai bóng nhanh hơn.

Đối với Dortmund, ngay từ những năm đầu tiên dưới triều đại Klopp, phong cách này đã trở thành “kim chỉ nam” của đội bóng vùng Ruhr. Bằng một lối chơi giàu năng lượng, tốc độ và nhiệt huyết, CLB chủ sân SignalIdunaPark luôn tạo nên những cảm hứng vô cùng tuyệt vời cho người hâm mộ. Tương tự, Atletico, dưới sự dẫn dắt của HLV Simeone cũng là một lối chơi rực lửa với tinh thần chiến đấu không quan nhượng.

Immobile
Các cầu thủ Dortmund luôn ra sân với tinh thần thi đấu cống hiến nhất

Trong phong cách thi đấu của cả hai đội bóng này, sự chủ động pressing luôn là tiêu chí được ưu tiên hàng đầu. Khi không có bóng, các cầu thủ thường chủ động áp sát rất nhanh để giành lại bóng. Đến khi có bóng rồi, họ lại đẩy nhanh tốc độ triển khai tấn công một cách trực diện về phía khung thành đối phương. Chính nhờ lối đá “vừa thực dụng vừa hoa mỹ” này, cả Dortmund lẫn Atletico đều được xếp vào trường phái “anti” các đội bóng có lối chơi tấn công theo kiểu kiểm soát bóng như Arsenal hay Barca…  

Nhìn chung, cho đến thời điểm này, Dortmund và Atletico chính là những đại diện tiêu biểu của trường phái phản công tổng lực. Tuy nhiên, thay vì chỉ sử dụng lối chơi có phần thiếu tích cực, cả hai CLB này đều đang thi đấu vô cùng cống hiến và sẵn sàng làm nên bất ngờ trước những đối thủ được đánh giá cao hơn.

NAM ANH

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X