Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Đội tuyển Kosovo: Viết sử sau tấn bi kịch chiến tranh

Thứ Hai 12/09/2016 19:54(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Albania đã làm nên lịch sử khi góp mặt tại Euro 2016. Giờ là thời điểm Kosovo cố gắng làm điều tương tự tại vòng loại World Cup 2018 sau trận hòa lịch sử với Phần Lan.

 
Khi thua cũng là lịch sử
 
Cộng hòa Kosovo chính thức được công nhận là một thành viên của Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) vào ngày 3/5/2016. Chỉ mười ngày sau, Kosovo được công nhận là một thành viên của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA). World Cup 2018 là giải đấu lớn đầu tiên người Kosovo tham dự vòng loại với tư cách một đội tuyển độc lập và những trận đấu được công nhận với dòng chữ: Chính thức.
 
Doi tuyen Kosovo: Viet su sau tan bi kich chien tranh.
Đội tuyển Kosovo là thành viên non trẻ của FIFA.

Với lịch sử non trẻ, Kosovo mở hàng bằng chiến thắng lịch sử 2-0 trong trận giao hữu với Quần đảo Faroe tại Frankfurt, Đức. Tại sao lại là trên đất Đức? Cho đến thời điểm hiện tại, Kosovo vẫn chưa có bất kỳ sân vận động nào đạt đủ tiêu chuẩn quốc tế. 
 
Theo dự kiến trong trận đấu với Croatia trên "sân nhà" vào ngày 6/10, ĐT Kosovo sẽ thi đấu "nhờ" tại thành phố Shkodra của "hàng xóm" Albania. Ít nhất phải đến tháng 6/2017, ĐT Kosovo mới có cơ hội được thi đấu trên sân nhà một cách thực sự khi sân vận động tại thủ đô Pristina sẵn sàng mở cửa để chào đón những khoảnh khắc lịch sử.
 
Trận đấu với Faroe là chiến thắng đầu tiên trong các trận đấu chính thức của ĐT Kosovo. Ba tháng sau, Kosovo lại tiếp tục có được một trận đấu khác đi vào lịch sử khi cầm hòa Phần Lan với tỉ số 1-1 trên sân khách tại vòng loại World Cup 2018. Người dân Kosovo đổ ra đường sau trận hòa đáng nhớ đó bởi lưu ý rằng Phần Lan mạnh hơn Đảo Faroe rất nhiều.
 
Với những con người từng trải qua cơn ác mộng của chiến tranh và bi kịch, một trận thua cũng được ghi vào lịch sử. Điều quan trọng là thông qua bóng đá, người Kosovo hy vọng sẽ được nhiều quốc gia công nhận nền độc lập của họ hơn nữa. 
 
Chẳng biết ai sẽ đá cho đội tuyển
 
Chưa đầy một tuần trước trận đấu với Phần Lan tại Turku, các quan chức của Liên đoàn Bóng đá Kosovo (FFK) vẫn còn chưa biết điền tên những ai vào danh sách thi đấu chính thức. Rất nhiều cái tên "dự kiến" được gọi lên tuyển trên thực tế đều đang khoác áo những đội tuyển quốc gia khác.
 
Theo thống kê, 24 cầu thủ mang gốc Kosovo hiện đang khoác áo 6 ĐTQG khác nhau, đáng chú ý là 14 trong số đó khoác áo ĐT Albania tham dự Euro 2016. Việc UEFA cũng như FIFA chính thức công nhận giúp Kosovo được phép gọi những cầu thủ có gốc gác từ nước Cộng hòa nhỏ bé vùng Balkan từng khoác áo đội tuyển khác mà không phạm luật.
 
Vấn đề là không nhiều cầu thủ mặn mà với việc khoác lên mình chiếc áo tuyển Kosovo. Mergim Mavraj (Cologne), Lorik Cana (Nantes), Ertrit Berisha (Lazio), Taulant Xhaka (Basel), Amir Abrashi (Freiburg), Valon Behrami (Watford), Xherdan Shaqiri (Stoke City), Granit Xhaka (Arsenal), Shani Tarashaj (Everton)... trên lý thuyết đều được quyền khoác áo đội tuyển Kosovo. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy.
 
Van con rat nhieu thach thuc cho don DT Kosovo o phia truoc.
Vẫn còn rất nhiều thách thức chờ đón ĐT Kosovo ở phía trước.

Rất nhiều cầu thủ chịu ràng buộc về các bản hợp đồng tài trợ áo đấu, giày,... tại đội tuyển mà họ đang gắn bó. Vì vậy, việc phá vỡ hợp đồng để quay về Kosovo là chuyện không đơn giản. Đó là chưa kể đến những áp lực khi quyết định thay đổi màu áo đội tuyển.
 
Milot Rashica, tài năng trẻ mới 20 tuổi được đánh giá "đầy triển vọng" quyết định từ bỏ chiếc áo của Albania để trở lại Kosovo. Giới truyền thông Albania nhanh chóng gọi Rashica là "kẻ phản quốc". Nhà báo thể thao Milaim Krasniqi của Kosovo cảnh báo: "Nếu bầu không khí tiếp tục căng thẳng hơn, những trận đấu giữa Kosovo và Albania trong tương lai sẽ bị gắn mác nguy cơ bạo lực cao".
 
Ngay trước thềm trận đấu với Phần Lan, LĐBĐ Kosovo chỉ có thể đăng ký 6 trường hợp chắc chắn quyết định cống hiến cho Kosovo từ ĐTQG khác bao gòm Amir Rrahmani (22 tuổi - 1 trận), Alban Meha (30 tuổi - 7 trận), Herolind Shala (24 tuổi - 5 trận), Milot Rashica (20 tuổi - 2 trận), Samir Ujkani (28 tuổi - 20 trận) cho ĐT Albania và Valon Berisha (23 tuổi-  19 trận) cho ĐT Na Uy.
 
Trước sự chèo kéo của Kosovo, Granit Xhaka tuyên bố sẽ tiếp tục sự nghiệp quốc tế tại ĐT Thụy Sĩ. Những cái tên tiếng tăm khác như Xherdan Shaqiri (Thụy Sĩ), Lorik Cana (Albania) và Adnan Januzaj (Bỉ) cũng đưa ra câu trả lời tương tự.
 
Dù sao đi nữa, ĐT Kosovo vẫn có quyền lạc quan về tương lai khi những cầu thủ được đăng ký đã có một ngày thi đấu thành công khi cầm hòa Phần Lan. Rơi vào một bảng đấu khó với Croatia, Iceland, Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan, HLV Albert Bunjaku vẫn thở phào khi không phải chạm mặt hai nước láng giềng Serbia hay Bosnia, những quốc gia bất đồng sâu sắc với họ về chính trị cũng như từng nổ ra các cuộc chiến loạn đau thương trong quá khứ. Đến giờ, hai quốc gia này không chịu công nhận nền độc lập của Kosovo.
 
UEFA cũng như FIFA lo ngại những vấn đề chính trị sẽ khiến trận đấu giữa Kosovo với Serbia hay Bosnia trong tương lai sẽ dấy lên vấn đề bạo lực. Nhưng đó là chuyện của tương lai, giờ là lúc người Kosovo hy vọng họ có thể làm được điều kỳ diệu như bóng đá Albania khi giành quyền tham dự một giải đấu lớn tầm cỡ World Cup hoặc Euro.
 
Tương lai vẫn đầy u ám nhưng với những con người bước ra từ khói lửa, còn gì đáng sợ hơn tấn bi kịch chiến tranh đã bỏ lại sau lưng?
Như Đạt

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X