(Bongda24h) - Mới đây, tờ tạp chí của Tây Ban Nha, Don Balon đã công bố danh sách 101 "mầm non" (sinh từ năm 1991 trở lại đây) hứa hẹn nhất làng túc cầu giáo từ khắp nơi trên thế giới. Trong số này, sẽ xuất hiện không ít cái tên lạ hoắc, thậm chí mới 14, 15 tuổi và mới phần nào khẳng định ở cấp độ trẻ chứ chưa "chuyên nghiệp" hoàn toàn nhưng thật sự đã bao hàm đầy đủ những gương mặt trẻ nổi bật và đầy triển vọng của hành tinh. Bắt đầu từ hôm nay, chuyên trang Bongda24h xin được trân trọng giới thiệu đến quý độc giả chân dung phác qua của 101 "sao mai" này, được sắp xếp lần lượt theo ký tự chữ cái.
11. Joel Campbell (Arsenal, 26/06/1992)
HLV Arsene Wenger luôn ưa thích công việc đưa măng non về sân Emirates rồi đào tạo, bồi dưỡng họ trở thành ngôi sao bóng đá tầm thế giới. Thành công nhiều và thất bại cũng lắm nhưng tin chắc "Giáo sư" người Pháp sẽ không bao giờ từ bỏ triết lý của mình. Mùa hè năm ngoái, sau khi quá ấn tượng với màn trình diễn của chân sút sinh năm 1992 Joel Campbell tại đội trẻ U-17, U-20 của Costa Rica (trung bình 1 trận, Campbell ghi được 1 bàn), Wenger đã bỏ ít tiền rước tài năng này đến thành London. Tuy nhiên, do nhân sự của "Pháo thủ" khá dồi dào và cũng muốn giúp cậu học trò trẻ được đúc rút kinh nghiệm thi đấu thực tế, Wenger liên tiếp cho FC Lorient (Pháp) và hiện tại là Real Betis (TBN) mượn Campbell. Dù không toả sáng rực rỡ nhưng sự nghiệp của tiền đạo này vẫn đang thăng tiến từng ngày. Bằng chứng, Campbell đang là chủ lực trên hàng công ĐTQG Costa Rica với thành tích 7 bàn/16 trận ra sân. Không nghi ngờ gì, vài năm nữa, Wenger sẽ sở hữu trong tay một sát thủ thực sự.Joel Campbell
12. Steven Caulker (Tottenham, 29/12/1991)
Trước mùa giải năm nay, chưa nhiều người biết đến cái tên Caulker nhưng nay, anh đã được thừa nhận như là một trong những hậu vệ trẻ sáng giá nhất tại đảo quốc sương mù. Trưởng thành từ lò Spurs, Caulker bắt đầu được trao cơ hội đội 1 sau quãng thời gian cho mượn đầy thành công ở Swansea mùa trước cộng thêm vấn nạn chấn thương tàn phá hàng thủ Tottenham. Rất nhanh chóng, trung vệ 21 tuổi này đã lấy được cảm tình của người thầy Andre Villas-Boas. Caulker khá toàn diện, vừa dũng mãnh vừa đầu óc, không chiến tốt, lại có tốc độ và lên tham gia tấn công hiệu quả. Cho đến nay, Caulker đã đóng góp được 2 bàn cho đội bóng thành London và mới đây, ngay ở lần ra mắt ĐTQG Anh, Caulker đã lập công, chỉ có điều chung cuộc Tam sư thua chủ nhà Thuỵ Điển 2-4. Nhìn chung, Caulker sẽ là trung vệ trụ cột trong tương lai của ĐT Anh.
Steven Caulker
13. Sergio Canales (Valencia, 18/02/1991)
Vài năm trước, Canales từng được xem là thần đồng bóng đá số 1 xứ sở bò tót tuy nhiên, nhạc trưởng giàu triển vọng với mái tóc vàng óng ả đã có một quyết định sai lầm khi chấp nhận đầu quân cho Real Madrid. Không phủ nhận, thương hiệu của đội bóng Hoàng gia TBN tạo ra sức hút không gì cưỡng lại song Los Blancos chưa bao giờ là bến đỗ thích hợp cho những "viên ngọc thô". Quả thực, Canales hoàn toàn bị chững lại ở thành Madrid bởi toàn bị giam hãm trên băng ghế dự bị và số lần được ra sân đếm không hết hai bàn tay. Không muốn sự nghiệp mới chớm nở tiếp tục bị huỷ hoại, Canales đã gia nhập Valencia vào mùa hè vừa rồi sau một năm chơi bóng tại đây theo diện cho mượn từ Real. Dù vậy, tính đến thời điểm này, anh chưa được thi đấu bất cứ một phút nào (một phần do dính chấn thương) nhưng với những gì từng thể hiện ở đội bóng xuất thân Racing Santander, tương lai phía trước Canales vẫn rất rộng mở.
Sergio Canales
14. Luc Castaignos (FC Twente, 27/09/1992).
Tiền đạo này từng gây sốt ở mùa giải 2010-2011 khi nổ súng đều đặn trong màu áo Feyenoord, chính vì thế, Inter đã quyết định bỏ ra hơn 3 triệu Euro đưa Castaignos tới Italia. Thế nhưng, Nửa Xanh - đen thành Milano chưa bao giờ là "mảnh đất lành" cho những sao trẻ. Quả thực, Castaignos được ra sân rất ít nên cũng chỉ có thể đóng góp duy nhất 1 bàn cho Inter. Không thể chấp nhận cảnh bị đày đoạ trên băng ghế dự bị, Castaignos đã dứt khoát chia tay Inter để trở về quê nhà đầu quân cho FC Twente, một đội bóng nhỏ nhưng ở đây, chắc chắn Castaignos sẽ được thi đấu nhiều, một điều mà cầu thủ trẻ nào cũng ao ước. Đúng như vậy, Castaignos rất được Steve McClaren (trợ lý cũ của Sir Alex tại Man Utd và từng dẫn dắt ĐTQG Anh) ưa thích và anh cũng đền đáp lại sự tin tưởng đó bằng những bàn thắng đầu tiên cho đội bóng. Castaignos được xem hội tụ gần như đầy đủ phẩm chất của một tiền đạo Hà Lan truyền thống (khôn ngoan, tinh quái, kỹ thuật và biết làm chủ vòng cấm).
Luc Castaignos
15. Thibaut Courtois (Chelsea, 11/05/1992)
Mang tiếng thuộc biên chế The Blues nhưng đến giờ, thủ thành người Bỉ mới chỉ hiểu sơ qua đội bóng thành London bởi ngay sau khi hoàn tất bản hợp đồng chuyển nhượng từ Genk vào mùa hè năm 2011, Courtois đã được gửi gắm sang Atletico Madrid trong vòng 2 mùa. Thực ra, ban lãnh đạo Chelsea đã có sự tính toán đúng đắn vì cái bóng quá lớn của Petr Cech là thách thức cho bất cứ thủ môn nào, đặc biệt lại trẻ trung như Courtois nên tốt nhất hãy để thủ môn này đi "tu nghiệp", nhất là khi Courtois còn được thi thố ở môi trường bóng đá đỉnh cao chẳng kém gì Premier League. Vài năm nữa thôi, một khi Courtois chín muồi thì anh chính là nhân vật sẽ kế nhiệm Cech ở khung gỗ và có vẻ kế hoạch đó của Chelsea đang tiến triển tốt đẹp. Tại Atletico, không mất nhiều thời gian, Courtois đã chứng tỏ được năng lực và sớm chiếm lấy vị trí thủ thành số 1 cho đến tận thời điểm này. Thậm chí, giới chuyên môn còn đánh giá Courtois là thủ môn trẻ xuất sắc nhất thế giới hiện nay. Được biết, không ít đội bóng lớn như Real Madrid đang lăm le "chiếm đoạt" Courtois song Chelsea đời nào chịu mất tài năng này lúc đã sắp đến ngày "hái quả".
Thibaut Courtois
16. Philippe Coutinho (Inter Milan, 12/06/1992)
Khi mới 16 tuổi và vẫn còn rèn luyện ở đội trẻ Vasco da Gama, Coutinho đã được Inter chiêu mộ với mức phí 4 triệu Euro tuy nhiên đội bóng Italia cho Vasco mượn lại Coutinho và phải đến năm 2010, tiền vệ tấn công đầy hứa hẹn này mới chính thức khoác lên người màu áo Nerazzurri. Song cuộc sống tại Inter "không như là mơ". Sau hơn một mùa chật vật tìm chỗ đứng trong đội hình Inter (thực ra, chẳng phải Coutinho kém tài mà bởi không thể cạnh tranh nổi với các đàn anh), Coutinho đã đồng ý gia nhập Espanyol trong nửa cuối mùa bóng 2011-2012. Tại xứ Catalan, chàng vũ công Samba trẻ thoải mái tha hồ bay nhảy và tạo được nhiều ấn tượng để rồi trở lại Inter trong tư thế khác. Dưới thời HLV trẻ tuổi Andrea Stramaccioni, những "sao tiềm năng" như Coutinho có nhiều đất diễn hơn. Dẫu chưa bùng nổ nhưng Coutinho khá hợp với triết lý tấn công mà Strama đang áp dụng ở Inter và nếu "Mourinho đệ nhị" tiếp tục gắn bó với đội bóng thành Milano thì tin chắc, Coutinho sẽ sớm là quân bài chủ chốt tại Inter.
Philippe Coutinho
17. Isaac Cuenca (Barcelona, 27/04/1991)
Mùa trước, Cuenca được xem là phát hiện lớn nhất của Barca và thường xuyên xuất hiện trên hàng công 3 người của Blaugrana. Thế nhưng, sau khi trải qua cuộc phẫu thuật chấn thương hồi tháng 5 năm nay, Cuenca đã gần như bị lãng quên và không hề được HLV Tito Vilanova ngó ngàng tới. Song có lẽ tất cả chỉ là tạm thời. Cần nhớ rằng, Cuenca chính là sản phẩm của lò La Masia (Barcelona luôn mong muốn xây dựng một đội bóng toàn La Masia), tài năng đã được kiểm chứng thì không dễ gì Barca lai chấp nhận bán anh, trừ phi nhận định rằng Cuenca đã hết tiềm năng phát triển. Ngoài ra, hãy lưu ý, kể cả có chia tay Cuenca thì kiểu gì Barca cũng thòng thêm điều khoản "được phép mua lại trong tương lai" như thoả thuận bán Bojan Krkic (AC Milan) hay Oriol Romeu (Chelsea) trước kia. Blaugrana thừa tỉnh táo và khôn ngoan để làm những thứ có lợi cho mình vì vài năm nữa, ai dám chắc những người như Cuenca không thể vươn lên tầm sao lớn (hoặc gần lớn), nên "cẩn thận" vẫn hơn.
Isaac Cuenca
18. Kevin De Bruyne (Chelsea, 28/06/1991)
Vài năm trở lại đây, đất nước Bỉ ngày càng "lên hạng" về trình độ đào tạo trẻ và được cho đang sở hữu khối lượng "nhân tài" dồi dào. Riêng với CLB Chelsea thì Bỉ thậm chí còn phải đứng thứ 1 trong lĩnh vực này. Chẳng thế mà, từ năm 2011, nhà ĐKVĐ Champions League đã bỏ tiền mua đến 5-6 cầu thủ trẻ người Bỉ. Ngoài Courtois hay cái tên lừng danh đã bắt đầu xác lập được chỗ đứng ở Stamford Bridge, Eden Hazard thì cần phải nhắc đến Romelu Lukaku (đang thi đấu ở West Brom theo diện cho mượn) và De Bruyne. Không "hẩm hiu" như Courtois, tiền vệ cánh này đã được ra sân trong màu áo Chelsea ở mấy trận giao hữu mùa hè vừa rồi song đến đầu tháng 8, De Bruyne phải di chuyển đến Werder Bremen tới hết mùa. Bundesliga vốn là giải đấu khá thoáng, phù hợp với những "sao mai" như De Bruyne và anh cũng sớm thể hiện được mình. Đến nay, De Bruyne đã trở thành chủ lực nơi tuyến giữa Bremen và đóng góp không ít cho đội bóng (4 bàn thắng, 3 đường kiến tạo). Xem ra, mùa tới, De Bruyne hứa hẹn sẽ là "nhân tố mới" của The Blues.
Kevin De Bruyne
19. Gerard Deulofeu (Barcelona, 13/03/1994)
Deulofeu hiện được nhìn nhận là ngôi sao số 1 đội trẻ Barca (Barcelona B). Không những vậy, nhiều chuyên gia còn cho rằng Deulofeu là tài năng lớn nhất mà Barca sản sinh ra kể từ thời Lionel Messi. Tất nhiên, nhận định đó có phần hơi quá (những thiên tài như Messi mà lại dễ dàng xuất hiện đến thế thì thế giới này chắc nhan nhản M10) song không thể phủ nhận Deulofeu đầy triển vọng và nhiều hứa hẹn. Deulofeu thi đấu cực ổn ở Barcelona, đặc biệt mùa này, mới qua 11 vòng, chàng tiền đạo 18 tuổi đã ghi được đến 7 bàn. Bên cạnh đó, Deulofeu còn là trụ cột quan trọng bậc nhất của đội U-19 rồi U-21 TBN dù tuổi đời thua kém nhiều thành viên trong đội.
Gerard Deulofeu
20. Lucas Digne (Lille, 20/07/1993)
Mùa giải 2011/2012, Digne được Lille đôn lên đội 1 sau khi toả sáng ở mọi cấp độ trẻ của ĐT Pháp (từ U15 đến U19) và không mất nhiều thời gian, Digne khiến giới chuyên môn phải ngỡ ngàng vì sự chững chạc cũng như tự tin của mình. Dần dần, Digne chiếm lấy một vị trí nơi hàng thủ Lille và nằm trong số những hậu vệ trẻ hàng đầu nước Pháp. Digne có lối chơi khá hiện đại (tốc độ, đơn giản mà hiệu quả). Hiện Chelsea đang rất quan tâm đến hậu vệ trái này nhằm tìm người xứng đáng thay thế lâu dài Ashley Cole.
Lucas Digne
Bảo Phương