Công bằng bị vứt xó
Bắt đầu từ ngày 1/6/2014, Luật công bằng tài chính được Chủ tịch UEFA Michel Platini khởi xướng sẽ bắt đầu có hiệu lực. Quyết định này được xem là bước ngoặt của nền bóng đá lục địa già, bởi nó không cho phép những CLB mắc kẹt trong những khoản nợ hay khó khăn về tài chính được phép tham dự các cúp châu Âu.
Tổng thư ký UEFA Gianni Infantino nêu rõ, một CLB chỉ được phép lỗ tối đa 45 triệu euro/mùa. Bắt đầu từ năm nay 2014 đến năm 2017, con số này sẽ giảm xuống còn 30 triệu euro, rồi tiến tới hạn định bằng không, nghĩa là các CLB phải đạt được cân bằng về thu chi trong mỗi năm tài khóa.
Bom tấn chuyển nhượng hè 2014 mang tên Luis Suarez |
Luật cứng rắn như vậy nhưng hơn ai hết, UEFA mà đi đầu mà Chủ tịch Michel Platini thừa hiểu nếu những giải đấu như Champions League thiếu đi những tên tuổi lớn như Man Utd, Chelsea, Barca hay Man City, chắc chắn nó sẽ kém sức hút đi rất nhiều. Chính vì thế mà Luật công bằng tài chính đã “cố tình” tạo ra những kẽ hở để các CLB có thể “né đòn”.
Thứ nhất, các khoản chi dành cho việc đào tạo cầu thủ trẻ, sửa chữa nâng cấp SVĐ, phát triển cộng đồng hay khấu hao tài sản cố định sẽ không bị tính đến. Như vậy, khoản lỗ hàng chục thậm chí hàng trăm triệu bảng mỗi năm của những CLB như Chelsea, Man City sẽ được giảm đáng kể.
Thứ hai, những quả bom tấn chuyển nhượng sẽ không được tính dồn vào 1 mùa, và chia đều cho số năm hợp đồng. Ví dụ, Real Madrid bỏ ra 80 triệu euro mua James Rodriguez nhưng số tiền này sẽ được chia đều cho 6 năm hợp đồng của ngôi sao người Colombia. Tính trung bình mỗi năm, Kền kền trắng chỉ bị tính 13,3 triệu euro cộng thêm tiền lương của vua phá lưới World Cup 2014.
Ngay cả khi các CLB không thỏa mãn điều kiện lỗ 45 triệu euro/mùa thì họ vẫn có thể trông chờ vào điều kiện khoan hồng của UEFA. Đó là xu hướng nợ giảm dần theo năm hoặc các khoản nợ quá mức phát sinh do việc trả lương cho cầu thủ có hợp đồng trước tháng 6/2010. Một điều luật tưởng như sẽ đem lại công bằng cho những CLB ở lục địa già, cuối cùng lại bị “bóp méo” một cách đáng sợ. Để rồi kết quả là những quả bom tấn và tình trạng loạn giá chuyển nhượng tiếp tục xảy ra.
Muôn vàn chiêu lách luật
PSG và Man City là 2 đội bóng đầu tiên phải chịu lệnh trừng phạt của UEFA vì tội không thể đáp ứng được Luật công bằng tài chính. Tuy nhiên hình phạt dành cho những đại gia này bị cho là quá nhẹ. Họ vẫn được dự Champions League, với điều kiện đăng ký tham dự 21 cầu thủ (thay vì 25 như bình thường).
Màn giơ cao đánh khẽ của UEFA đã tạo tiền đề cho những CLB giàu có tiếp tục vung tiền mua sắm. Đa số, họ đều dựa vào “kẽ hở thứ hai” – cách tính dòng tiền lỗ/lãi trong mỗi năm – để lách luật. Mùa hè năm ngoái, Real Madrid phá két tới 91 triệu euro để mua Gareth Bale. Tuy nhiên, Kền kền trắng không trả “một cục” cho Tottenham mà họ lại trả làm nhiều đợt. Cụ thể, họ chỉ trả ngay 16 triệu euro cho Tottenham. 75 triệu còn lại được chia làm 3 đợt, mỗi đợt 25 triệu. Tính chi li, Kền kền trắng “được” trả tiền trong vòng 3 năm, và ngay năm đầu tiên họ chỉ bị tính 2,7 triệu euro vào chi phí mua Bale. Đó quả là một con số không tưởng.
Hay như việc, PSG đang nhăm nhe đưa Angel di Maria về sân Công viên các hoàng tử. Đó là một vở kịch chẳng thể hoàn hảo hơn của các đạo diễn người Ả Rập. Đội bóng thành Paris sẽ mượn tiền vệ người Argentina trong năm đầu tiên với giá 10 triệu euro để đảm bảo không phá vỡ Luật công bằng tài chính. Năm tiếp theo 2015, họ mới chính thức mua ngôi sao của Real Madrid với giá 70 triệu euro.
Tệ hơn, West Ham từng phải nhờ đến Công ty MSI để có được Carlos Tevez và Javier Mascherano. Hay Atletico, trước khi xưng hùng xưng bá như hiện tại, cũng từng cậy nhờ nhiều Công ty thứ ba để mang về Falcao hồi năm 2011. Rất nhiều những thủ thuật và chiêu trò đã được các CLB bày ra để nổ những quả bom tấn. Và Luật công bằng tài chính mà UEFA đang ấp ủ có lẽ sẽ khó lòng ngăn cản được tình trạng bão giá như hiện nay.
Theo VTC