Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Đã đến thời của phản công tổng lực

Thứ Năm 01/05/2014 15:08(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Barcelona của Messi, Iniesta, Xavi rồi đến Bayern Munich của Pep Guardiola bị hạ bệ với những tỷ số đậm đà. Những thất bại đó nói lên rằng lúc này, tiqui-taca không còn là hình mẫu, thay vào đó là phong cách phản công tổng lực với đỉnh cao là Real Madrid, kế đó là Chelsea, Atletico, Dortmund...

PHẢN CÔNG LÀ LẼ SỐNG

Phản công tổng lực không phải khái niệm mới, và cũng có nhiều cách thể hiện khác nhau qua từng thời kỳ lịch sử của bóng đá. Khác biệt lớn nhất có lẽ là tính tốc độ. Bóng đá thời trước tốc độ chậm hơn, vì thế mỗi cầu thủ chạy ít hơn hiện nay khoảng 1,2 - 2 km/trận. Thời đó, tốc độ tấn công đa phần cũng chậm hơn, trừ trường hợp Ajax Amsterdam và tuyển Hà Lan với bóng đá tổng lực nổi tiếng từng giành được nhiều thành công rực rỡ trong thập kỷ 70.

 

Tiqui-taca gần giống bóng đá tổng lực, chỉ khác là không đòi hỏi các cầu thủ phải đá tốt ở nhiều vị trí khác nhau, và tính tốc độ cũng chậm hơn. Tuy nhiên, khả năng gây sức ép giành lại bóng lại cao hơn. Từng thành công rực rỡ với Barcelona của Pep Guardiola, và tuyển TBN tại EURO 2008, World Cup 2010, EURO 2012, nhưng hiện nay tiqui-taca đã gặp khắc tinh. Đó là phong cách phòng ngự phản công của Real, Chelsea, Atletico, Dortmund.

Phản công hiện nay đòi hỏi sự chính xác và nhuẫn nhuyễn gần như tuyệt đối trong khâu phối hợp (càng ít chạm càng tốt). Hơn nữa thời gian xử lý bóng càng ngắn, tốc độ chuyền bóng càng nhanh càng tốt. Nhanh tức khó chính xác, nhưng Real vẫn thành công rực rỡ trước Bayern, từ số bàn thắng ghi được cho đến số cơ hội tạo ra. Bayern của tiqui-taca rất hiếm khi không ghi được bàn, nhưng trước Real thì họ đã không có nổi 1 bàn. Thậm chí còn bị thủng lưới tổng cộng 5 lần! Mùa trước, Bayern-phản-công đã đánh bại Barca-tiqui-taca với tổng tỷ số 7-0 ở bán kết Champions League.

GÂY SỨC ÉP TỔNG LỰC

Một trong những bí quyết thành công của tiqui-taca là chơi pressing, nghĩa là gây sức ép toàn sân. Hãy nhìn lại các trận đấu của Barca trước Arsenal trong rất nhiều lần chạm trán qua nhiều mùa gần đây ở Champions League sẽ thấy rõ: Arsenal (được xem là một trong những đội tấn công hay nhất châu Âu) lúng túng đến mức không thể triển khai bóng, cứ như là đá ở sân bóng mini. Đó là vì các tiền vệ, tiền đạo, hậu vệ Barca áp sát nhanh, dàn người hợp lý sớm đoạt lại bóng.

Các đội chơi phản công hiện nay cũng có khả năng pressing tốt. Lối chơi này khác với trước đây, phản công chủ yếu là dồn đội hình thấp về phần sân nhà kiểu chịu trận, chỉ chờ đội tấn công tự mất bóng trong tình huống không bị sức ép. Các tiền đạo như Karim Benzema (Real) hay Diego Costa (Atletico) hoặc Samuel Eto’o, Fernando Torres (Chelsea) chính là những hậu vệ đầu tiên khi đội nhà mất bóng trên phần sân đối phương.

Real hay Chelsea, Atletico rất biết kiên nhẫn chờ cơ hội giành bóng, không bị kéo theo ý đồ kéo dãn đội hình đối phương của các đội chơi tiqui-taca mùa này như Barca hay Bayern. Cạm bẫy đối với những đội giữ bóng nhiều là khi mất bóng, chưa kịp bố trí đội hình phòng ngự thì đã bị đối phương xuyên phá (bằng tốc độ, phối hợp và tất nhiên là cả tài nghệ cá nhân). Dồn đội hình lên cao, bắt buộc dễ hở sườn khi đối thủ sau khi pressing lập tức phản công quá tốt (như Bayern nếm đòn trước Real). Còn nữa, hàng thủ của Bayern hay Barca không thể nói là mạnh, nên khi tiqui-taca không thành thì cái giá phải trả là những bàn thua vì chất lượng phòng ngự không tương xứng với đẳng cấp tấn công.

QUAN TRỌNG NHẤT LÀ HIỆU QUẢ

Tiqui-taca hay phản công tổng lực thật ra đều không phải khái niệm mới, chỉ là chúng đang được mùa rõ rệt với nhiều điển hình tiêu biểu gần đây. Vì thế các phong cách này được xem là trào lưu mới. Bayern Munich vô địch Champions League 2001 chính là nhờ khả năng chơi phản công tổng lực, với Giovane Elber được xem là người khai sinh khái niệm “tiền đạo... phòng ngự”. Cả Dortmund lẫn Bayern vào chung kết Champions League mùa vừa rồi cũng chơi phản công tổng lực. Đội “học hỏi” Bayern, như thừa nhận của HLV Juup Heynckes, lại là đội chiến thắng vì khác biệt rõ rệt là họ có nhân lực tốt hơn.

Dù là tiqui-taca hay phản công tổng lực thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là hiệu quả. Phản công tổng lực đang thịnh hành vì nhiều đội sử dụng lối chơi này đang có phong độ cao, hiệu quả tối đa. Trong khi đó, tiqui-taca tạm lép vế nhưng vẫn có thể trở lại đầy sức sống ở mùa tới với hai lá cờ đầu là Barca của Messi và Bayern của Guardiola.

Theo Bongdaplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X