Thứ Ba, 19/03/2024Mới nhất
Zalo

Cuộc đấu Goetze - Oezil: Những thủ lĩnh "dễ thương"

Thứ Tư 19/02/2014 14:10(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Họ có thể là những thủ lĩnh lối chơi của Arsenal và Bayern Munich, nhưng chưa bao giờ là thủ lĩnh tinh thần.  Mesut Oezil và Mario Goetze là những mẫu số 10 hiện đại, hai thành viên ưu tú của thế hệ tiền vệ thứ ba của người Đức, sau cuộc cách mạng đào tạo trẻ nước này.

Những sản phẩm hình mẫu

Hậu EURO 2000, các nhà chuyên môn bóng đá Đức mổ xẻ nguyên nhân thất bại và nhận ra rằng, trình độ kỹ thuật của cả đội tuyển quá thấp. Ngay lập tức, họ đến học hỏi tại các trung tâm đào tạo trẻ có tiếng ở châu Âu rồi đề ra chương trình đào tạo mới, chú trọng phát triển kỹ thuật cá nhân cầu thủ một cách đặc biệt. Chương trình bắt đầu từ mùa 2002-03, tại 366 trung tâm DFB toàn nước Đức, với sự tham gia của hơn 1000 HLV và điều phối bởi 29 Giám đốc. Đấy là khởi đầu, trước khi bước chuyển dịch đến ở World Cup 2006 trên sân nhà, khi HLV Kinsmann trình làng một đội Đức tấn công khoáng đạt, thay vì phòng ngự kỷ luật như truyền thống.

 

Mesut Oezil và Mario Goetze là những sản phẩm chất lượng cao của dự án đào tạo ấy, và đúng như tôn chỉ, hai anh đều rất khéo, nhãn quan chiến thuật cực tốt và tốc độ tuyệt vời. Họ mang tinh thần của những số 10 hiện đại, không phải gồng mình gánh cả tập thể nhưng rất linh hoạt. Goetze có thể chơi được tiền tiền vệ tấn công và tiền đạo ảo, trong khi Oezil biết đá cánh, đá tiền đạo ảo như Goetze, và cả hộ công. Hết sức lý tưởng!

So với Oezil thì Mario Goetze ghi bàn giỏi hơn. Cầu thủ của Bayern Munich, dù thi đấu ít hơn Oezil, vẫn ghi được 9 bàn cả thảy so với 5 của đàn anh. Nguyên nhân được chỉ ra là Oezil bị ám ảnh chuyện kiến tạo hơn Goetze, như HLV Wenger nhận xét: Khi đứng trước khung thành, anh không đủ ích kỷ, muốn thực hiện một đường chuyền hoàn hảo hơn là một cú sút búa bổ. Tỉ lệ dứt điểm chính xác của Goetze chỉ là 75%, so với 84% của Oezil, cũng vì Goetze phóng khoáng hơn đàn anh. Mặt trái của chuyện này là dường như, bản năng dẫn dắt của Goetze nhạt hơn đôi chút.

Bắt mắt, nhưng không thể quyết định trận này?

Các thủ lĩnh lối chơi của bóng đá Đức trước kia cũng là thủ lĩnh tinh thần. Họ lỳ lợm, giàu ý chí, đôi khi cả bặm trợn để dọa nạt đối phương. Stefan Effenberg, đội trưởng Bayern cuối những năm 90, từng giơ ngón tay thối về phía CĐV để bị HLV Berti Vogts loại khỏi World Cup 1994; Oliver Kahn từng cắn cổ đối phương và giơ chân đạp tiền đạo Chapuisat của Dortmund mùa 1998-99.  Cá tính của họ lớn đến nỗi, dù chưa từng công khai công kích trên sân, nhưng Effenberg và Lothar Matthaus đã thề không nhìn mặt nhau. Trong cuốn tự truyện xuất bản năm 2003 tựa đề “Tôi sẽ nói tất cả”, Effenberg dành cả một chương có tên “Matthaus biết gì về bóng đá” và để nguyên… trang giấy trắng.

Trước kia, nước Đức cần các libero rắn rỏi để phục vụ cho lối chơi phòng ngự kỷ luật. Bây giờ, người Đức cần các số 10 có thể hơi “ẻo lả”, nhưng đầy sáng tạo, để đá tấn công. . Tinh thần Đức vì thế đã chuyển từ những cú xoạc chí mạng, những tiếng hét trên sân và cái trán nhăn của Effenberg thành một dạng “dễ thương” hơn, như Philipp Lahm, thủ lĩnh mẫu mực của Bayern, hay Bastian Schweinsteinger, thủ lĩnh hàng tiền vệ đội Đức hậu Michael Ballack…

Cuộc đấu của Mesut Oezil và Mario Goetze rạng sáng mai, vì thế, là dịp người Đức thưởng ngoạn công sức làm bóng đá của họ gần 10 năm qua. Đấy cũng là dịp để chúng ta nhìn rõ hơn sự tương phản của những số 10 ngày nay với quá khứ. Effenberg và Kahn đã đưa Bayern giành cú đúp năm 2001, còn Oezil và Goetze, thì thậm chí, chưa từng có một trận đấu để đời.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X