Thứ Tư, 24/04/2024Mới nhất
Zalo

"Ciro" Blazevic và những ký ức về ĐT Croatia mang chất lính

Thứ Năm 09/11/2017 19:27(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Các cầu thủ Croatia giờ không còn ra sân với tinh thần chiến đấu của một người lính nữa, mà của một cầu thủ bóng đá đơn thuần.

 
Hồi lên 16, Miroslav "Ciro" Blazevic theo học để trở thành thầy tu nhờ sự định hướng của mẹ. Thế mà trong quãng thời gian tìm hiểu về sự khổ hạnh, "Ciro" trót đem lòng yêu một nữ tu để rồi nhận ra thứ tôn giáo khác đang chảy rần rật trong mạch máu, bám vào tâm tưởng: Bóng đá!
 
Ciro Blazevic va nhung ky uc ve DT Croatia mang chat linh hinh anh
HLV Blazevic là người kiến trúc sư cho thành công của ĐT Croatia tại World Cup 1998.

Cho đến sau này, Blazevic vẫn ảnh hưởng lớn từ mẹ trong sự nghiệp huấn luyện khi được bà dạy cho bí quyết ngăn những cá nhân xung đột với nhau. Công thức rất đơn giản: Nếu A nói xấu B, hãy đến với B và nói rằng A lúc nào cũng ca ngợi anh ta. Đó là chìa khóa giúp Blazevic được gọi là "huấn luyện viên của những huấn luyện viên" tại Croatia.
 
Nhớ tới chiến tích lừng lẫy nhất trong sự nghiệp với đội tuyển Croatia năm 199, Blazevic chia sẻ ngay: "Tôi huấn luyện Croatia trong hơn sáu năm và chẳng có vấn đề gì giữa các cầu thủ với nhau, dù phòng thay đồ lúc nào cũng dễ dàng bị thổi tung lên".
 
Khi biết Alen Boksic trong trạng thái tinh thần tiêu cực vì Davor Suker hút hết ánh hào quang nhờ sự quan tâm của giới truyền thông, Blazevic nhớ tới lời khuyên của mẹ. Ông tiết lộ rằng để Boksic "vô tình" nghe được cuộc hội thoại rằng Suker cảm thấy buồn bực vì không thể ghi bàn khi thiếu đi sự trợ giúp của các tiền đạo khác. Thực tế thì Suker chẳng bao giờ nói bất cứ điều gì thuộc loại này nhưng Blazevic không quan tâm. Ông cho rằng nói dối mà làm mọi chuyện tốt đẹp còn hơn là nói thật để mọi thứ rối tung lên, cũng nhờ thế mà ngăn chặn được sự ghen tị giữa Suker và Boksic. 
 
Năm 1998 khi Croatia đặt chân đến Pháp, người xứ lục lăng dành những cái bĩu môi cho Blazevic. Hồi năm 1995 khi còn dẫn dắt Nantes, "Ciro" từng bị tống giam vì liên quan đến những bê bối với Marseilles. Dù được thả mà không bị truy tố, danh tiếng của Blazevic bị hủy hoại hoàn toàn trên đất Pháp để rồi cũng chính nơi đây đưa tên tuổi của ông bay cao. 
 
Miroslav Blazevic hứng thú với thuốc lá, socola, dưa hấu và đặc biệt là chiêm tinh. Chỉ 5 giờ trước trận bán kết với người Đức tại World Cup 1998, Blazevic nhận bản fax dài 2 trang từ nhà chiêm tinh riêng của ông tại Zagreb. Mân mê ly rượu tại thủ phủ của dòng vang Beaujolais,  "Ciro" nghe trợ lý truyền thông Darko Tironi thuật lại bản fax.
 
"Tôi chỉ đọc cho ông ta những điểm tích cực nhất. Đại loại là Berti Vogts và 11 gã người Đức sẽ gặp vấn đề lớn" - Tironi hồi tưởng.

40 phút sau tiếng còi khai cuộc, Christian Worns nhận thẻ đỏ, người Đức chỉ còn chơi với 10 người. Vogts như hóa đá trên băng ghế chỉ đạo chứng kiến Croatia xé nát đội bóng của ông bằng những đường phản công. Blazevich cùng các học trò giờ sánh vai với Pháp, Hà Lan và Brazil - những thế lực truyền thống của bóng đá thế giới. Từ câu chuyện kỳ tích của Bồ Đào Nha năm 1966, người ta giờ lại được chứng kiến một đội tuyển lần đầu tiên bước lên vũ đài tiến xa đến thế. 

Ciro Blazevic va nhung ky uc ve DT Croatia mang chat linh hinh anh 2
ĐT Croatia gây tiếng vang lớn tại World Cup 1998.
Kỳ tích! 
 
Đó là từ được giới truyền thông điểm mặt nhiều nhất khi nhắc đến cuộc hành trình của Croatia - quốc gia non trẻ chỉ mới tách khỏi Nam Tư bảy năm về trước, dân số 4,7 triệu người. "Bốn triệu chắc chỉ bằng một thị trấn nhỏ của Hoa Kỳ thôi nhỉ" - Cựu tiền vệ Aljosa Asanovic cường điệu: "Thế mà đội tuyển của chúng tôi giành được kết quả rất lớn. Quốc gia nhỏ sở hữu những cầu thủ lớn, rất lớn".
 
Nguyên Chủ tịch Croatia, Franjo Tudjman gọi các chàng trai của Blazevic là "hiệp sĩ" theo lời thuật lại của cựu hậu vệ Slaven Bilic. Trước cuộc đối đầu với người Đức vào thứ Bảy, Tudjman không ngần ngại đến trại tập huấn của đội để dùng bữa, không quên giao chỉ tiêu cho trận đấu diễn ra cách Lyons khoảng 30 dặm về phía Nam.  
 
Croatia của thập niên 90 được xây dựng dựa trên máu và lửa của chiến tranh, của kiêu hãnh cùng lòng tự tôn dân tộc. Cựu tiền đạo Petar Krpan đã cầm súng trong cuộc chiến với Serbia trong giai đoạn 1991-95, chứng kiến hai người bạn ra đi mãi mãi trong số 20.000 Croatia ngã xuống vì độc lập. Hậu vệ Igor Stimac tự hào nhắc đến người anh trai phục vụ trong đơn vị đặc biệt của quân đội. Bất chấp chiến tranh, các cầu thủ tiếp tục chơi bóng để nuôi dưỡng niềm đam mê cùng sứ mạng dân tộc, để chứng tỏ cho người Serbia rằng "bóng đá vẫn sống, chúng tôi vẫn sống" như lời của Igor Stimac.
 
"Chúng tôi nghĩ mình mạnh mẽ hơn khi đứng trên sân sau những gì đã trải qua" - Stimac khẳng định: "Giờ thì chẳng có nỗi sợ nào khi chúng tôi dẫm lên mặt cỏ xanh".
 
Trải qua những năm sống trong lửa đạn, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, mỗi chàng trai Croatia khi ấy đều phảng phất trong mình cái chất của người lính. Những con người sẵn sàng đứng lên và ngã xuống vì nền độc lập giờ đặt chân lên thảm cỏ với tính kỷ luật của người lính, sự lạnh lùng được hun đúc trên chiến trường và cả niềm kiêu hãnh của một quốc gia non trẻ vừa giành độc lập. 
 
Ciro Blazevic va nhung ky uc ve DT Croatia mang chat linh hinh anh 3
ĐT Croatia cần chất lính để vượt qua Hy Lạp tại loạt play-off World Cup 2018.

Cựu hậu vệ Slaven Bilic từng mơ ước trở thành luật sư nhưng vứt bỏ để theo tiếng gọi dân tộc: "Trước kia, chúng tôi bước ra khỏi cuộc chiến và gã nào cũng giống như một người lính khi đứng trên sân, thực hiện sứ mệnh cho đất nước được thừa nhận. Chúng tôi vẫn làm điều đó nhưng ơn Chúa, giờ thì Croatia không còn là quốc gia thời chiến nữa. Những áp lực được cởi bỏ nên bóng đá cũng trở về thuần túy hơn".
 
Kể từ sau cột mốc 1998, đội tuyển Croatia còn tham dự ba kỳ World Cup cùng bốn kỳ Euro khác nữa nhưng chưa một lần gây tiếng vang lớn đến thế. Như Slaven Bilic chia sẻ, các cầu thủ Croatia giờ không còn ra sân với tinh thần chiến đấu của một người lính nữa, mà của một cầu thủ bóng đá đơn thuần. Giờ thì "Vatreni" phải giành suất dự World Cup 2018 bằng suất play-off khi chạm trán Hy Lạp với hy vọng tìm lại ánh hào quang của thế hệ đi trước trên đất Nga mùa hè sang năm.
Như Đạt (TTVN)
 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X