Ở Moskva 4 năm về trước, ông từng gục đầu trong nỗi thất vọng vô bờ. 4 năm sau, hy vọng lại sống lại đối với Roman Abramovich, trong một mùa giải mà ngay cả bản thân ông cũng không dám hy vọng, chờ đợi.
Hôm qua, Chủ tịch Uli Hoeness của Bayern Munich bất ngờ tấn công ông chủ của Chelsea, chỉ trích Abramovich là "mafia dầu lửa". Abramovich đương nhiên không đáp trả. Người Anh chưa bao giờ có "diễm phúc" được nghe ông nói, với tư cách là ông chủ của Chelsea. Lần duy nhất họ được nghe là khi ông ở... tòa, liên quan đến vụ kiện với tài phiệt đồng hương Boris A. Berezovsky. Còn lại, gần 9 năm kể từ khi ông mua lại Chelsea vào mùa Hè 2003, Abramovich không hé một lời. Thực ra vào tháng 3/2005, khi Chelsea kỷ niệm 100 thành lập CLB, lời mở đầu cuốn biên niên sử CLB là do ông đứng tên; nhưng tất cả đều thừa hiểu những trợ lý của ông đứng ra chấp bút.
Hy vọng lại sống lại đối với Roman Abramovich
Giới chủ các CLB Premier League rất kỳ lạ. Ông chủ nào nói nhiều, đội bóng đó... càng ít thành công. Ông chủ của M.U, Malcolm Glazer, thậm chí chưa bao giờ đặt chân đến Old Trafford. Sau khi chi ra cả tỷ bảng vào Man City, Sheikh Mansour chỉ mới 1 lần xuất hiện ở Etihad. Ông còn không xuất hiện trong trận đấu lịch sử của Man City tuần trước cũng như lễ ăn mừng chức VĐQG đầu tiên trong vòng 44 năm. Abramovich không đến mức như thế, thường xuyên đến Stamford Bridge để theo dõi đội bóng. Nhưng 9 năm qua, không một lời phát hiểu, không một cuộc phỏng vấn, không một lời chúc mừng hay bày tỏ sự thất vọng. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông thờ ơ. Hình ảnh, phản ứng, nụ cười, thái độ, khuôn mặt, cách ăn mừng bàn thắng hay nỗi buồn của ông ở khu VIP trên khán đài luôn rất sinh động và chân thực.
Người hâm mộ Chelsea không thể nào quên được hình ảnh Abramovich, bên cạnh cô bạn gái, gục đầu trong thất vọng khi Terry trượt ngã ở loạt đá luân lưu trong trận chung kết Champions League với M.U tại Moskva. Chưa bao giờ người ta thấy ông háo hức, chờ đợi một trận đấu của Chelsea đến thế. Một phần, vì trận đấu diễn ra ở Moskva, trên chính quê hương của ông. Phần khác, vì đây là trận chung kết Champions League, và chức vô địch châu Âu là mục tiêu, là khát khao lớn nhất của Abramovich sau khi đầu tư cả núi tiền vào Chelsea.
Từ sau thất bại ở Moskva, Abramovich không còn thường xuyên xuất hiện ở Stamford Bridge. Chelsea cũng không còn vung tiền như trước. Đã có những nghi ngờ rằng Abramovich cảm thấy chán Chelsea rồi, nhất là khi đội bóng liên tục thất bại ở đấu trường châu Âu. Nửa đầu mùa này, ông hiếm khi đến sân, một phần vì vướng vào vụ kiện tụng chấn động, nhưng nguyên nhân chính có lẽ là quá thất vọng với phong độ, thành tích của đội bóng dưới thời Andre Villas-Boas. Khi bổ nhiệm Roberto Di Matteo vào vị trí HLV tạm quyền, có lẽ Abramovich không chờ đợi quá nhiều. Nhưng rồi Di Matteo bất ngờ gặt hái hết thành công này đến thành công khác, và Abramovich xuất hiện ở Stamford Bridge nhiều hơn. Trong trận lượt đi với Barca tại bán kết, Abramovich đã cười rất sung sướng khi Drogba ghi bàn duy nhất để mang lại chiến thắng cho Chelsea.
Khát vọng chinh phục đỉnh cao Champions League hiện rõ ở Abramovich. Ông sẵn lòng phá những kỷ lục chuyển nhượng để mua những các ngôi sao hàng đầu thế giới vì khát vọng này, trong đó có Shevchenko và Torres. Ông không tiếc tiền chiêu mộ và sau đó sa thải những HLV lừng danh, từng gặt hái nhiều thành công ở đấu trường châu Âu, từ Mourinho đến Hiddink, từ Ancelotti đến Villas-Boas. Nhưng nằm ngoài tính toán của ông, hai người giúp Chelsea đạt được thành công lớn nhất ở đấu trường châu Âu lại là 2 HLV ít danh tiếng nhất. Trước là Avram Grant, giờ là Roberto Di Matteo.
Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề. Quan trọng nhất là Chelsea giờ lại lọt vào chung kết, lại mang đến hy vọng cho Abramovich, người đã chờ đợi trong im lặng suốt 9 năm qua.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)