Hiện tại, vị chủ tịch FIFA 79 tuổi vẫn chưa bị gán bất kỳ cáo buộc nào từ phía FBI về việc có dính líu vào vụ tham nhũng lịch sử đang bị phanh phui của tổ chức quyền lực nhất thế giới trong làng túc cầu giáo. Trước đó, có tới 14 quan chứng đã bị bắt giữ trong cuộc điều tra tổng thể các hành vi sai phạm trong lòng FIFA từ những năm 1991 cho đến nay. Chủ tịch Sepp Blatter dù vẫn đang vô can nhưng cách đây không lâu đã tuyên bố từ chức chủ tịch FIFA vào cuối năm nay chỉ ít ngày sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp
Tuy nhiên, nhằm tránh khỏi những rủi ro, bất trắc, ông Blatter vẫn không muốn bước chân ra khỏi đất nước Thụy Sỹ vốn là quê hương của ông và đặt tổng hành dinh của FIFA. Đó là lý do mà người ta không thấy sự xuất hiện của vị chủ tịch FIFA ở trận chung kết World Cup bóng đá nữ năm 2015 giữa Nhật Bản và Mỹ vừa kết thúc Canada (Mỹ thắng 5-2). Giải thích về sự vắng mặt này, ông cho biết: “Không phải bởi vì người Mỹ có những bằng chứng cáo buộc tôi mà là bởi điều đó [nếu Sepp Blatter bị bắt] xảy ra thì tạo một cú sốc lớn ảnh hưởng đến FIFA. Cho đến khi mọi thứ được rõ ràng, tôi sẽ không mạo hiểm để rời khỏi Thụy Sỹ. Sau cuộc khủng hoảng này, tôi cần thời gian để hồi phục. Nhưng tự nghi ngờ bản thân là một trong những kẻ thù lớn nhất của một nhà lãnh đạo. Tôi tin vào những gì tôi đã làm.”
Những người tác động đến cuộc bỏ phiếu cho Nga và Qatar đăng cai World Cup
Bên cạnh đó, ông Sepp Blatter cũng tiết lộ rằng đã có những can thiệp vào việc bỏ phiếu cho Nga và Qatar tổ chức World Cup 2018 và 2022: “Trước khi Nga và Qatar được chọn, đã có 2 can thiệp về mặt chính trị. Các ông Sarkozy (tổng thống Pháp giai đoạn 2007-2012) và Wulff (tổng thống Đức giai đoạn 2010-2012) đã cố gắng gây tác động lên những người bỏ phiếu. Đó là lý do tại sao hai quốc gia này được tổ chức World Cup. Những người đưa ra quyết định cũng nên chịu trách nhiệm.” Vị chủ tịch người Thụy Sỹ cũng tiết lộ rằng LĐBĐ Đức (DFB) buộc phải bỏ phiếu cho Qatar vì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp giữa hay nước này.
Hàn Phi