Thứ Ba, 05/11/2024Mới nhất
Zalo

Chủ nhà toàn thua ở loạt đầu vòng 1/8 Champions League: Kỳ lạ mà không ... kỳ lạ

Thứ Năm 20/02/2014 17:18(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Chắc chắn 4 trận đầu tiên của vòng 1/8 giải đấu cấp CLB danh giá nhất hành tinh mùa bóng 2013-2014 đã khiến không ít người hâm mộ phải ngỡ ngàng, "thảng thốt", thậm chí có phần không tin nổi vào mắt mình bởi cả 4 đội chủ nhà cùng bại trận, thậm chí còn không chọc thủng lưới 4 vị khách một lần nào. Tuy nhiên, nếu đánh giá tổng thể (tương quan lực lượng, diễn biến trận đấu,...) thì dường như kết cục họ phải nhận là hoàn toàn xứng đáng và chẳng có gì bất ngờ cho lắm.

Trong môn thể thao Vua, tất nhiên sân nhà luôn được coi là thánh địa với bất cứ đội bóng nào và ai chẳng muốn khai thác tối đa lợi thế này, đặc biệt lúc các giải đấu tiến hành theo thể thức loại trực tiếp song ở sân chơi trình độ cao như Champions League, thì đôi lúc yếu tố sân nhà - sân khách chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Song cần phải thừa nhận, kể từ ngày Champions League được khai sinh vào năm 1992 (trước đó mang tên cúp C1 châu Âu và có nhiều nét khác biệt về thể thức thi đấu) thì chưa bao giờ, các đội chủ nhà lại liên tiếp ngã ngựa dày đặc đến thế.

arsenal
arsenal

Đầu tiên, là trường hợp của hai đại gia Premier League. Thật trùng hợp khi Arsenal và Man City phải chịu chung một kịch bản gần như giống nhau: đều thua cùng tỷ số 0-2, đều kết thúc trận đấu trong tình cảnh chỉ còn 10 người trên sân, đều phải nhận bàn thua thứ hai mang tính chất quyết định cho cả tham vọng vào tứ kết vào những phút cuối và quan trọng nhất, cục diện trận đấu đều xoay chuyển hoàn toàn sau khi họ bị mất người. Thực ra, lúc kết quả bốc thăm vòng 1/8 Champions League được xác định thì cả Arsenal lẫn Man City đều thừa hiểu họ rất khó đi tiếp bởi đơn giản, hai đối thủ họ phải gặp quá mạnh, cùng là những ứng cử viên sáng giá nhất cho danh hiệu vô địch. Có thể Barca bây giờ không còn "bách chiến bách thắng" như trước song vẫn thừa sức vượt qua một Man City chưa thể chạm tới đẳng cấp một tên tuổi lớn ở đấu trường châu Âu dù sở hữu trong tay đội hình mạnh, đồng đều cùng phong độ khá ổn mùa này, nhất là trên thánh địa Etihad. Thứ lớn nhất mà Man City còn thiếu chính là kinh nghiệm, bản lĩnh tại Champions League mà những yếu tố này luôn được đề cao ở giải đấu cấp CLB danh giá nhất hành tinh. Vài năm trở lại đây, càng vào sâu Champions League thì càng "mất dạng" những gương mặt mới, được xem là "chú ngựa ô" có thể làm nên chuyện và quanh đi quẩn lại, chỉ còn là cuộc chơi của những đại gia giàu truyền thống hoặc ít ra phải nhiều năm lăn lộn ở đấu trường này còn Man City mới đôi lần được góp mặt ở Champions League (cũng phải đến mùa này, họ mới lần đầu vượt qua vòng bảng). Rõ ràng, Man City vẫn chỉ là một chú lùn khi phải đứng cạnh "gã khổng lồ" Barca.

Trong khi đó, Bayern đang là ĐKVĐ giải đấu và sự hiện diện của Guardiola tài ba trên băng ghế huấn luyện khiến Bayern dần đạt đến độ hoàn hảo tuyệt đối. Lực lượng vốn đã mạnh, hùng hậu thì lại càng trở nên khủng khiếp nhờ những tân binh chất lượng cao như Mario Gotze hay Thiago Alcantara. Từ đầu mùa, "Hùm xám" xứ Bavaria cũng trình diễn thứ bóng đá siêu đẳng. Thầy trò nhà Pepe hoàn toàn vượt trội ở Bundesliga và gần như đã chạm tay vào Chiếc đĩa bạc dành cho nhà vô địch khi hơn đối thủ xếp sau tới 16 điểm. Tại vòng bảng, họ đã thắng như chẻ tre ở 5 lượt đầu tiên (gồm cả việc đánh bại Man City 3-1 ngay tại Etihad) và sớm giành quyền đi tiếp nên việc ngã ngựa ở lượt cuối (thua lại Man City 2-3 ở Allianz Arena) hoàn toàn có thể chấp nhận được. Đúng là so với mùa trước, Arsenal đã tiến bộ đáng kể nhưng Bayern cũng đâu có dậm chân tại chỗ, thậm chí họ còn thăng tiến và phát triển mạnh hơn nhiều (đừng quên rằng, thời gian gần đây, Arsenal có dấu hiệu suy giảm phong độ). Bởi thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi trước trận đấu, Man City và Arsenal bị giới chuyên môn cũng như ... cá cược xếp cửa dưới. Qua 90 phút thi đấu thì cách nhìn nhận đó xem ra không sai chút nào

Kể ra, lúc còn đủ 11 người trên sân thì Arsenal cùng Man City đã chơi không tồi, phần nào kiểm soát được các vị khách hùng mạnh. Nếu như Arsenal tiếc nuối về quả phạt 11m hỏng của Ozil thì Man City cũng tự trách mình khi bỏ lỡ vài cơ hội thuận lợi trong hiệp 1, thời điểm mà Barca bị "kiềm toả". Dẫu vậy việc bị mất người chỉ khiến thất bại đến nhanh hơn mà thôi chứ về cơ bản, kết cục đó là khó tránh khỏi nếu chiếu theo những gì diễn ra trên sân. Chưa bàn đến sự đúng - sai trong các quyết định của trọng tài mà bản thân hai đội bóng hàng đầu Premier League đã "tự thua". Với Man City, Pellegrini đã mắc quá nhiều sai sót từ cách bố trí nhân sự (dùng một Demichelis chậm chạp và nặng nề, chẳng hiểu có phải vì cậu học trò thân cận có kiến thức về Barca qua thời gian khoác áo Malaga để rồi Demichelis trở thành tội đồ), lựa chọn đấu pháp (chủ trương dùng giải pháp đánh biên để tấn công đối thủ, dẫn đến không tập trung đông nhân sự ở trung lộ, khiến đối thủ mặc sức tiqui-taka) cho đến cách tiếp cận có phần nhút nhát, rụt rè như thể quá run sợ trước Barcelona. Quá khó hiểu cho thái độ "nửa nạc nửa mỡ" của chiến lược gia người Chile. Nếu đã chủ định chơi một trận sòng phẳng với đối thủ khi lộ ý đồ "tạt cánh đánh đầu" thì tại sao không để các học trò hết mình, đằng này ông vẫn bắt các cầu thủ phải triển khai thế trận chặt chẽ nhưng khổ một nỗi, các miếng đánh của Barca đa phần thực hiện ở trung lộ chứ đâu phải xuất phát từ hai biên nên cặp Toure - Fernandinho trở nên "cô độc" giữa một rừng đối phương có mặt ở khu trung tâm. Với Arsenal, Wenger cũng thiếu sáng suốt và điều chỉnh kịp thời. Cần nhớ rằng, không giống Man City (bị thủng lưới ngay sau khi mất người), Arsenal nhận bàn thua đầu tiên lúc đã gần quen với tình trạng chỉ còn 10 người trên sân tức là vị "Giáo sư" người Pháp đã không đề ra được phương án hữu hiệu để đối phó dù đã tận mắt chứng kiến Bayern thi đấu ra sao trong hiệp 1 (kiểm soát bóng hơn 70%, tỷ lệ chuyền chính xác rất cao). Thêm vào đó, ông lại rút Santi Cazorla ra khỏi sân để lấy suất thủ môn cho Fabianski nhưng tiền vệ người TBN mới là nhân vật thích hợp cho phòng ngự - phản công chứ không phải "mèo lười" Ozil hay tiền đạo non choẹt Sanogo. Ngoài ra, chính sự tin tưởng mù quáng vào bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử CLB dù thời gian qua Ozil không còn là chính mình đã làm Arsenal càng bị lép vế so với đối thủ. Thời điểm Arsenal còn "đôi công" khá sôi nổi với Bayern thì Ozil cũng chơi cực kỳ mờ nhạt.

Kế đến, cần phải đề cập tới chiến thắng ấn tượng 4-0 của gã nhà giàu PSG trên sân của Leverkusen. Tỷ số này xét cho cùng không đến mức độ quá sốc. Thứ nhất, Leverkusen chưa bao giờ là một gương mặt đại diện tiêu biểu cho Bundesliga ở Champions League. Đừng quên, tại vòng bảng, một Man Utd quá đỗi "tầm thường" dưới triều đại David Moyes đã từng rời khỏi Bay Arena với thắng lợi hoành tráng 5-0. Thứ hai, PSG sở hữu một đội hình đáng mơ ước với nhiều cầu thủ thượng hạng, lại đang đạt phong độ cao nên chuyện thắng to Leverkusen âu cũng là điều dễ hiểu. Có thể mấy năm trở lại đây, chính xác từ thời điểm rơi vào tay những tỷ phú siêu giàu người Qatar vào năm 2011, PSG mới thường xuyên được có mặt ở Champions League nhưng họ không thiếu những cầu thủ đã lăn lộn mòn chân ở dấu trường này (như Thiago Silva, Alex, Ibrahimovic, Maxwell, Motta) trong khi phần lớn cầu thủ của Leverkusen mới lần đầu được nếm trải cảm giác Champions League. Do đó, Leverkusen làm sao đủ tuổi ngăn chặn PSG.

Cuối cùng là thất bại được xem khá tiếc nuối của AC Milan trước Atletico Madrid. Về mặt truyền thống và kinh nghiệm thi đấu ở Champions League, hiển nhiên Rossoneri ăn đứt đội bóng thành Madrid song vấn đề nằm ở chỗ: mùa này, AC Milan thi đấu rất tệ, thể hiện bộ mặt quá nghèo nàn (chỉ đứng thứ 10 Serie A) trong khi Atletico lại đang bay cao và xen ngang vào cuộc đua "song mã" Barcelona - Real Madrid tại La Liga. Seedorf làm sao đã có thể "vực dậy" đội bóng khi mới lên làm HLV trưởng được hơn 1 tháng, nhất là cựu danh thủ người Hà Lan chưa từng dẫn dắt một CLB nào trước đó còn Diego Simeone thì đã xác lập vương triều của mình ở Atletico Madrid từ lâu. Ở vòng bảng, Atletico cùng Real là hai đội giành điểm số cao nhất (16/18 điểm tuyệt đối) còn AC Milan trầy trật lắm mới có được tấm vé tham dự vòng 1/8. Vì vậy, việc Rossoneri được cho là chơi tốt mà vẫn thua thực ra chính là tấm gương phản chiếu chân thực nhất về hình ảnh, phong độ của họ từ đầu mùa bởi nếu ở vào thời kỳ đỉnh cao thì điều đó khó có thể xảy ra. Atletico cũng có được chiến thắng nhờ công của Diego Costa, cầu thủ xuất sắc nhất đội ở mùa giải năm nay khi đóng góp hàng loạt bàn thắng.

Có một chi tiết nhỏ mà không phải ai cũng lưu ý: Theo thể thức thi đấu của vòng 1/8 Champions League thì đội nào đá trên sân nhà tại lượt đi chắc chắn phải là đội từng xếp thứ hai tại vòng bảng trước đó. Như vậy, từ đây, có thể đưa ra một kết luận rất logic: Việc họ gục ngã trước đội khách (tức là đội đứng nhất bảng) hoá ra cũng quá hợp lý bởi "nhất" hiển nhiên giỏi hơn "nhì". Nhiều khả năng, phương trình này sẽ tiếp tục đúng trong 4 trận còn lại của vòng 1/8 khi mà các đội khách hoàn toàn "trên cơ" các ông chủ nhà chứ đâu có được "cân bằng tương đối" như 4 trận vừa qua.

  • Bảo Phương - Bongda24h.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Nhận định Ludogorets vs Athletic Bilbao (00h45 ngày 8/11): Vượt khó ở Bulgaria

Nhận định Ludogorets vs Athletic Bilbao (00h45 ngày 8/11): Vượt khó ở Bulgaria

Nhận định Ludogorets vs Athletic Bilbao (00h45 ngày 8/11): Vượt khó ở Bulgaria

Một Athletic Bilbao có phong độ tốt trong thời gian gần đây sẽ đến làm khách trên sân của Ludogorets ở lượt trận thứ tư vòng bảng Europa League. Đội chủ nhà Ludogorets mới kiếm được 1 điểm ở Europa League mùa này và có nguy cơ phải nhận thêm kết quả không tốt trước Bilbao.

Xem thêm
top-arrow
X