Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Chelsea - Barcelona: Màn thư hùng của ... tranh cãi, thẻ phạt, trọng tài và hơn thế nữa

Thứ Tư 18/04/2012 16:23(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Giống như mọi trận đấu đỉnh cao khác, cặp đấu Chelsea - Barcelona luôn căng thẳng, quyết liệt, kịch tính và hấp dẫn. Tuy nhiên, cặp đấu này lại có nhiều điểm khác biệt bởi hầu như lần chạm trán nào giữa họ trong vòng hơn 10 năm qua đều có chuyện, khiến sự đối đầu giữa họ trở thành một cuốn phim dài kỳ mà kết thúc luôn mở (cho những lần gặp nhau sắp tới). Nào hãy cùng điểm lại những chi tiết nổi bật nhất của "bộ phim nhiều tập" phiên bản thế kỷ 21 này

Điểm khởi đầu (2000)

Kết quả bốc thăm đã đưa đẩy họ vào cùng một cặp tại tứ kết Champions League 1999-2000. Khi ấy, hai HLV Josep Guardiola và Roberto Di Matteo vẫn còn nằm trong thành phần cầu thủ hai đội, thậm chí họ còn được trực tiếp đụng đầu với nhau bởi đều thi đấu ở vị trí tiền vê trung tâm. Lượt đi, tại Stamford Brige, Chelsea dẫn trước 3-0, trong đó có cú sút phạt để đời của huyền thoại người Italia,  Gianfranco Zola. Tuy nhiên, Luis Figo, tiền vệ vĩ đại người Bồ Đào Nha đã vớt vát lại chút ít hy vọng cho Barca bằng pha lập công ấn định kết quả 1-3. Đến trận lượt về, sau 45 phút đầu, Barca đã thắng 2-0, một kết quả vừa đủ để giành quyền đi tiếp nhưng Tore Andre Flo (lập cú đúp ở lượt đi) đã làm sống dậy cơ hội của Chelsea bằng bàn rút ngắn tỷ số ở phút 60. Cuối cùng, phải nhờ đến khoảnh khắc loé sáng của Daniel Garcia, Barca mới đưa được trận đấu vào thời gian của hai hiệp phụ và bi kịch bắt đầu xảy đến với Chelsea. Hậu vệ người Nigeria, Celestine Babayaro (đá phản lưới nhà trong hiệp 1) đã đốn ngã Figo trong vòng cấm và nhận ngay tấm thẻ đỏ trực tiếp. Trên chấm 11m, siêu sao Rivaldo thực hiện thành công và cánh cửa vào bán kết đã rộng mở. 5-1 mới là tỷ số chung cuộc với màn chọc thủng lưới Chelsea của Patrick Kluivert.

Celestine Babayaro nhận thẻ đỏ: Bước ngoặt của trận đấu
Celestine Babayaro nhận thẻ đỏ: Bước ngoặt của trận đấu

Sự giải nghệ của một trọng tài (2005)

5 năm sau, họ tái ngộ ở vòng 1/8 Champions League và Chelsea đã rửa hận thành công với tổng tỷ số 5-4 sau 2 lượt trận. Nhưng điểm cần phải đề cập nhiều nhất ở lần gặp nhau này không phải là màn trình diễn chói sáng của Ronaldinho ở lượt về (dù đã ghi 2 bàn thắng cực đẹp đều theo phong cách Samba, Ro "vẩu" vẫn không thể giúp Barca tránh khỏi thất bại 2-4) mà là sự kiện "trọng tài Anders Frisk phạt thẻ đỏ đuổi Drogba sau pha va chạm nhạy cảm với Victor Valdes" ở lượt đi (Chelsea thua 1-2). Sau trận đấu, "ông vua sân cỏ" người Thuỵ Điển từng được điều khiển trận chung kết Euro 20000 đã phải hứng chịu hàng loạt lời đe doạ tính mạng từ đám fan cuồng của The Blues. Do phải chịu áp lực quá lớn, Frisk đã tuyên bố treo còi dù ông còn đủ tuổi để tiếp tục làm trọng tài. Bên cạnh đó, cũng vì sự vụ này mà Jose Mourinho đã phải chịu án cấm chỉ đạo bởi tố cáo sai sự thật (Frisk đã mời HLV trưởng Barca khi đó, Frank Rijkaard vào phòng riêng để "tâm sự" trong giờ nghỉ giải lao). Kể từ đó, mối thâm thù giữa Chelsea và Barca tăng lên gấp bội.

Trọng tài Anders Frisk đã phải giải nghệ do đuổi Drogba
Trọng tài Anders Frisk đã phải giải nghệ do đuổi Drogba

Lionel Messi và hai bàn đá phản (2006)

Một năm sau, mối duyên nợ lại đưa đẩy họ vào cùng một cặp, vẫn ở vòng 1/8/. Lượt đi trên Stamford Bridge, The Blues sớm phải chịu tốt nhất khi Asier del Horno, một trong những bản hợp đồng "siêu thất bại" của Chelsea dưới triều đại Roman Abramovich, mất kiềm chế trước trình độ kỹ thuật thượng thừa của một anh chàng non choẹt, nhỏ bé và đầy ngây thơ mang cái tên Lionel Messi nên đã vào bóng quá thô bạo để rồi phải nhận lấy tấm thẻ đỏ trực tiếp. Mặc cho chơi thiếu người, Chelsea vẫn mở được tỷ số nhờ công của Thiago Motta bên phía ... Barcelona (tiền vệ này đang khoác áo Inter Milan) song chính đội trưởng John Terry đã đưa trận đấu trở về vạch xuất phát bằng cú đánh đầu dũng mãnh hạ gục người đồng đội Petr Cech, nhờ đó "Báo đen" Samuel Eto'o mới có dịp kết liễu The Blues bằng bàn thắng ở phút 80. Trận lượt về, du đã rất nỗ lực nhưng Chelsea cũng chỉ có được kết quả hoà 1-1 và ngậm ngùi chia tay giải đấu.

Màn ăn mừng "đặc biệt" (2006)

Nửa năm sau, họ lại được gặp nhau nhưng lần này chỉ ở vòng bảng mà thôi. Tuy nhiên, sự căng thẳng thì chẳng hề suy giảm bao nhiêu. Lượt đấu thứ 5, Chelsea hành quân tới Nou Camp với mục tiêu giành ít nhất một trận hoà để chắc chắn chiếm ngôi đầu (trước đó tại Stamford Bridge, The Blues đã xuất sắc thắng 1-0 nhờ công của Didier Drogba). Cho đến tận phút 90, Chelsea vẫn bị dẫn 2-1 (Deco, cầu thu về sau gia nhập ... Chelsea và Gudjohnsen, một cựu cầu thủ của ... Chelsea là những người lập công cho Barca còn Lampard là tác giả bàn thắng cho đội bóng thành London) và trong một khoảnh khắc thăng hoa, "Voi rừng" Drogba đã gỡ hoà 2-2, mang đến sự phấn khích tột cùng cho ông thầy Jose Mourinho đáng kính bên ngoài đường piste. Chiến lược gia người BĐN đã có màn ăn mừng mà đến giờ, hẳn vẫn còn đọng lại trong tâm trí không ít người: quỳ gối trên thảm cỏ, hai tay giật liên hồi, mồm hò reo sung sướng còn khuôn mặt lộ rõ cảm xúc dạt dào. Thực ra, đây chính là cách Mourinho đáp trả lại những tiếng la ó dành cho ông trong suốt cả trận từ 95.000 CĐV chật kín Nou Camp.

Màn ăn mừng trứ danh của Jose Mourinho
Màn ăn mừng trứ danh của Jose Mourinho

Scandal trọng tài hay một âm mưu từ UEFA (2009)

Trận luợt về bán kết Champions League 2008-2009 trên Stamford Bridge có lẽ là một trong những trận "tai tiếng" nhất trong lịch sử giải đấu từ xưa đến nay. Không chỉ Chelsea mà cả Barca đều cố tránh nhắc lại nỗi đau đó. Cần phải thừa nhận, hôm ấy, Chelsea đã chơi cực tốt, gần như vô hiệu hoá hoàn toàn phong cách tiqui-taka "mới nhú" của đối thủ để bảo vệ lợi thế dẫn 1-0 ngay từ phút thứ 9 (do công của Essien) cho đến tận những phút bù giờ. Thế nhưng, khi mà trọng tài chuẩn bị nổi hồi còi kết thúc trận đấu, tiền vệ Andres Iniesta đã hồi sinh Barca từ cõi chết bằng bàn thắng "quý hơn vàng" bởi nhờ nó, đội bóng xứ Catalan đã ghi danh vào trận chung kết do luật bàn thắng trên sân khách (lượt đi hoà 0-0). Điểm đáng nói ở đây, trong suốt trận đấu, vị trọng tài Tom Henning Ovrebo không hiểu sao đã lạnh lùng từ chối 4-5 quả phạt đền mười mươi dành cho Chelsea. Quá bực bội và thất vọng khi bị "cướp trên giàn mướp" một cách đau đớn, rất nhiều cầu thủ Chelsea đã không giữ nổi sự bình tĩnh và quây lấy trọng tài Ovrebo để đòi công lý. Tất nhiên, kết quả chung cuộc làm sao có thể thay đổi được. Sau trận đấu, HLV dẫn dắt Chelsea khi đó, Guus Hiddink đã chẳng ngần ngại tuyên bố rằng: Trận đấu này là một âm mưu được sắp đặt từ trước mà kẻ chủ mưu không ai khác chính là Liên đoàn bóng đá bóng đá châu Âu (UEFA) bởi chủ tịch Michel Platini và "đồng bọn" không muốn chứng kiến năm thứ 2 liên tiếp, hai đội bóng lọt vào chung kết đều mang quốc tịch Anh quốc (Man Utd đã giành tấm vé đầu tiên). Dù về sau chẳng có tổ chức nào đứng ra điều tra về lời "cáo buộc" của Hiddink nhưng kể từ đó (cộng thêm một vài nghi án khác), Barca bị coi là có mối quan hệ "mờ ám" với UEFA và toàn dùng chiêu "vận động hành lang" để tạo lợi thế cho mình.

Drogba xúc phạm trọng tài Ovrebo và sau đó phải nhận án treo giò rất nặng
Drogba xúc phạm trọng tài Ovrebo và sau đó phải nhận án treo giò rất nặng

  • Bảo Phương

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X