20 trước, khi Cúp C1 châu Âu chính thức đổi tên và thể thức trở thành UEFA Champions League, Platini vừa giã từ nghề huấn luyện sau thất bại kinh ngạc ở EURO 1992. Hôm nay, khi Champions League khoẻ mạnh hơn bao giờ hết, Platini đang là người đàn ông quyền lực nhất ở UEFA với những cải cách cụ thể mà nổi bật nhất vẫn là hai tiếng “công bằng”.
Thứ nhất, sự công bằng mà ông đang muốn vươn tới giữa những nền bóng đá nhỏ với những nền bóng đá lớn. Và thứ hai, sự công bằng trong chi tiêu tài chính với bộ luật đang treo lơ lửng trên đầu các CLB nợ ngập đầu ở châu Âu: Luật công bằng tài chính.
Tuy nhiên, những cải cách mà Platini thực thi đều chỉ là những tiếp nối của đời chủ tịch trước. Cái gọi là Champions League của năm 1992 thực chất là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên nhận thức của thế giới túc cầu. Đó là kỷ nguyên của truyền thông, đặc biệt ở phương diện khai thác hình ảnh, từ hình ảnh quảng cáo đến hình ảnh trên truyền hình. Đơn giản, cựu chủ tịch Johansson là người thừa khôn ngoan để nhận ra một điều: Thực chất, bóng đá không khác showbiz về bản chất và nó cũng có thể kiếm ra rất nhiều tiền.
Dưới thời Platini, Champions League đã chứng kiến những nhà vô địch rất có phong cách showbiz như Chelsea
Hồi tưởng lại thập niên 70 và 80 thế kỷ trước, khi bóng đá còn vẹn nguyên sự hồn nhiên, một ngôi sao bóng đá chưa bao giờ và càng không bao giờ dám mơ đến chuyện kiếm được nhiều tiền như một ngôi sao ca nhạc. Nhưng hôm nay, ở thời đại này, có nhiều lắm những ngôi sao giải trí thèm thuồng khả năng kiếm ra tiền như Beckham hay Cristiano Ronaldo. Tất nhiên, để bùng nổ được như thế, bóng đá còn cần nhiều yếu tố tác động khác; như luật Bosman chẳng hạn, song sự trỗi dậy của Champions League là một động lực mạnh mẽ nhất.
Cách đây 6 mùa bóng, khi hãng Heineken gia hạn hợp đồng tài trợ cho Champions League, giá trị hợp đồng không được tiết lộ song với ngân sách quảng cáo tới 100 triệu euro/năm, người ta thừa hiểu ít nhất phải 30%-40% số ngân sách ấy của Heineken chạy về phía Champions League bởi giải đấu đó là chiến lược chính của Heineken.
Chính Jean Francois van Boxmeer, thành viên ban giám đốc của Heineken N.V. đã nhận xét: “Chúng tôi hân hoan được gia hạn hợp đồng tài trợ với UEFA Champions League. Với hơn 5 tỷ lượt người trên khoảng 227 quốc gia xem mỗi mùa, sự kiện thể thao cao cấp mang tính toàn cầu này hoàn toàn phù hợp với thương hiệu Heineken”. Và nên nhớ, Heineken không phải là đối tác duy nhất của UEFA. Đồng hành với loại bia ấy còn có UniCredit, MasterCard, Ford, PlayStation, Gazprom, Adidas, toàn những thương hiệu mạnh và lắm tiền cả.
Cuộc cải cách thành công của UEFA đã khiến chính FIFA phải học tập khi tổ chức World Cup các CLB nhưng về hình ảnh và sức hút, chất lượng, giải đấu của FIFA không ăn nhằm gì so với Champions League. Đơn giản, giải đấu của UEFA nhiều ngôi sao hơn và nó đã hình thành một cái vòng rất rõ trong đời sống bóng đá hôm nay: CLB được chơi Champions League thì ngôi sao mới tới khoác áo; có ngôi sao thì CLB kiếm được nhiều tiền hơn và UEFA cũng giàu thêm.
Tuy nhiên, tất cả những cải cách, kể cả tăng tiền thưởng (tiền thưởng hiện nay đã gấp khoảng 6 lần so với 20 năm trước) đều chỉ nhắm tới mục tiêu kinh doanh hơn là chuyên môn. Thế nên, có một băn khoăn mà chính UEFA vẫn chưa giải quyết được. Đó chính là giải đấu của các nhà vô địch nhưng thực sự số nhà vô địch thì quá ít. Đơn cử như mùa giải này, hai đội bóng hứa hẹn bất ngờ nhất là Arsenal và PSG đều không phải là nhà vô địch mà mỉa mai nhất là đội bóng Paris. Trong 20 năm lịch sử Champions League, PSG mới chỉ vô địch Pháp được có đúng 1 lần…
Con số:
2.Bayern của mùa giải 2011/12 mới là CLB thứ hai trong lịch sử Cúp C1 tham dự 2 loạt sút luân lưu trong một mùa giải. Họ đã thắng Real Madrid ở bán kết nhưng thua Chelsea ở chung kết. Trước đó, Barca mùa 1985/86 cũng tái diễn kịch bản tương tự: thắng bán kết, thua chung kết.
17.Hiện tại, Man United vẫn đang là đội sở hữu kỷ lục về số lần dự Champions League liên tiếp, với 17 mùa giải từ 1996/97 đến 2012/13. Xếp thứ hai là Real Madrid với 16 mùa, và Arsenal với 15 mùa.
20.Mùa trước, Barca san bằng kỷ lục ghi 20 bàn tại vòng bảng mà Man United đã lập trong mùa giải 1998/99. Cũng trong mùa trước, Real Madrid lập kỷ lục về hiệu số bàn thắng bại tại vòng bảng, +17.
22.Dinamo Zagreb lập kỷ lục về số bàn thua tại vòng bảng trong mùa 2011/12, với 22 lần thủng lưới. Họ cũng đồng thời lập kỷ lục về hiệu số bàn thắng bại thấp nhất, -19.
29.Barca đã lập kỷ lục ghi bàn trong 29 trận Champions League vào tháng 3/2012. Chuỗi trận này bắt đầu từ trận thắng 2-0 trước Inter ngày 24/11/2009 đến trận thắng 7-1 trước Leverkusen ngày 7/3/2012.
(Theo báo Bóng Đá)