Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Câu chuyện bóng đá: Nhạc trưởng là khái niệm, hay ý niệm?

Thứ Năm 01/11/2012 16:56(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Một cầu thủ kiến tạo lối chơi (playmaker) kinh điển vẫn thường được cho là người chơi phía sau hai tiền đạo, kiến thiết cơ hội và trực tiếp ghi bàn, thường do một nhạc trưởng đảm nhiệm. Nhưng có thực là khái niệm một playmaker có thể được hiểu một cách đơn thuần như thế hay không?

Tại Argentina, định nghĩa một nhạc trưởng có vẻ là một công việc dễ dàng. Một nửa các đội bóng ở đây sử dụng một cầu thủ giữ vai trò tổ chức tấn công chơi ngay phía sau hai tiền đạo trong các sơ đồ 4-3-1-2 hoặc 3-4-1-2. Cách đây hai năm, Boca Juniors từng sẵn sàng trả cho Juan Roman Riquelme 5 triệu USD/ mùa, ngay cả khi anh đã 32 tuổi và bị chấn thương hành hạ.

Trong một số trường hợp khác, xác định xem nhạc trưởng là thế nào thật sự khó khăn. Luka Modric chơi hộ công trong sơ đồ 3-4-1-2 tại đội tuyển Croatia và CLB Dinamo Zagreb, giữ vai trò một tiền vệ con thoi, hoặc thậm chí là chơi tấn công từ cánh trái khi còn chơi cho Tottenham Hotspurs. Nhưng dù là chơi vị trí nào, thì trách nhiệm của anh vẫn là kiến thiết, nhiệm vụ chính của một nhạc trưởng.

HLV Carlos Bilardo (trái) và phát kiến tạo ra nhạc trưởng vĩ đại nhất trong lịch sử,Diego Maradona (phải)
HLV Carlos Bilardo (trái) và phát kiến tạo ra nhạc trưởng vĩ đại nhất trong lịch sử,Diego Maradona (phải)

Một cầu thủ kiến tạo lối chơi nguyên bản (playmaker) là nguồn sáng tạo chính của cả đội, người sẽ kết nối tuyến tiền vệ và hàng công. Khi bóng đá và các sơ đồ chiến thuật còn ở trong giai đoạn phôi thai, thì người giữ vai trò sáng tạo cho cả đội thường là một tiền đạo cánh có xu hướng chơi bó vào trung lộ (inside-forward). Công việc của họ là khá đơn giản: Nhận bóng ở bên cánh và châm ngòi cho các trung phong hoặc các tiền vệ cánh.

4-2-4 và sự phát triển của nhạc trưởng

Tại châu Âu, cuộc cách mạng chỉ thực sự bắt đầu với sự phát triển của hệ thống 4-2-4 và nhu cầu sáng tạo đòi hỏi một cầu thủ trung phong phải chơi lùi xuống để kiến thiết. Matthias Sindelar (1903-1939), nhạc trưởng của đội tuyển Áo được mệnh danh là “Wunderteam” (đội bóng kỳ diệu) của thập niên 1930, dưới sự chỉ huy của HLV huyền thoại Hugo Meisl, là người đầu tiên ở châu Âu đảm nhiệm vai trò này. Sindelar là giá đỡ cho 4 tiền đạo ở phía trên của đội Áo thời kỳ ấy, tập trung vào việc tổ chức ý tưởng tấn công hơn là ghi bàn.

Nhưng người gây cú sốc lớn nhất cho bóng đá thế giới với vị trí tiền vệ kiến tạo lại không phải là Sindelar. Năm 1953, đội tuyển Anh bị Hungary hủy diệt tại Wembley, và nhân vật chính của màn thị uy ngay trên quê hương của bóng đá là Nandor Hidegkuti, người chơi tiền đạo lùi.

Alfred Bickel, cũng đảm nhận vai trò ấy, đã giúp Thụy Sĩ đánh bại Anh vào năm 1947, tương tự với những gì mà Jose Lacasia làm được cũng trong năm 1953. Nhưng đội gây ấn tượng nhất với lối chơi có sử dụng tiền vệ kiến tạo chắc chắn là Hungary: Vai trò ấy không chỉ được đặt lên vai Hidegkuti, mà được hoán đổi liên tục với Ferenc Puskas, một trong những huyền thoại lớn của thế giới.

Sau thành công của Brazil với 4-2-4 tại World Cup 1958 (vô địch), hệ thống tấn công 6 người “lây lan” nhanh chóng. Khi Argentina đăng quang ở World Cup 1986, họ đã sử dụng hệ thống tiền vệ hình thoi, với Antonio Rattin chơi tiền vệ trụ, Luis Artime là trung phong, Oscar Mas là tiền đạo cánh trái, Alberto Gonzalez và Jorge Solari chơi tiền vệ trung tâm, và Ermindo Onega là người kiến tạo lối chơi. Hệ thống 4-3-1-2 ấy trở thành mẫu số chung cho các đội Argentina hai thập niên sau đó.

Trong khi hầu hết các đội rút bớt một tiền đạo cánh trong sơ đồ 4-2-4 để đóng vai trò cầu thủ kiến tạo, thì Hà Lan, Tây Đức và Liên Xô chọn cách kéo một trung phong xuống thấp hơn, giữ nguyên hai tiền đạo cánh, và sơ đồ 4-3-3 ra đời. Với hệ thống này, yếu tố linh hoạt là bí quyết thành công, và nếu có sử dụng cầu thủ kiến tạo, thì cầu thủ ấy thậm chí phải chơi giống như một libero. Đội vận dụng hệ thống này linh hoạt nhất chính là Hà Lan thời kỳ bóng đá tổng lực, với Johan Cruyff đạo diễn lối chơi.

Giao thức Bilardo

Nhạc trưởng vĩ đại nhất từng được sản sinh lại bắt đầu từ ý tưởng của HLV Carlos Bilardo, người đã đưa đội tuyển Argentina đến với chức vô địch World Cup 1986. Ông không thay đổi quá nhiều, chỉ rút bớt một hậu vệ để tạo ra một đê quai vững chắc hơn ở tuyến giữa (sơ đồ 3-5-2), qua đó giải phóng hoàn toàn năng lực sáng tạo cho vị trí kiến tạo lối chơi. Diego Maradona đã trở thành nhạc trưởng vĩ đại nhất trong lịch sử nhờ sự cải tiến này: Ông có thể chơi lùi xuống và thoải mái phát triển tấn công với sự hỗ trợ của 4 tiền vệ, có thể đá hộ công, và đôi khi dâng lên như một tiền đạo thứ ba. Maradona đã đẩy sự thăng hoa của nhạc trưởng lên đến đỉnh điểm, mà bàn thắng vào lưới đội tuyển Anh ở tứ kết World Cup năm ấy là minh chứng hùng hồn.

Bilardo thừa nhận rằng ý tưởng giải phóng vai trò ở giữa sân và cho phép Maradona dâng lên như một tiền đạo bắt nguồn từ thực tế, chứ không phải một lý thuyết sâu xa nào cả: Ông cho rằng trung phong Pedro Pasculli, người ghi bàn ấn định thắng lợi trước Uruguay ở vòng hai, khó có thể trụ được trước một hàng thủ giàu sức mạnh của đội tuyển Anh, và cần được hỗ trợ. Cách sử dụng một cầu thủ kiến tạo lối chơi giống như một tiền đạo thứ hai đã làm nên tên tuổi của nhiều tiền đạo lùi, mà chúng ta khó có thể phân biệt rõ ranh giới thi đấu của họ, như Dennis Bergkamp, Roberto Baggio, hay Gianfranco Zola.

Tất cả những minh chứng sống động suốt chiều dài lịch sử ấy đã chứng minh cho chúng ta rằng câu chuyện về nhạc trưởng không nằm ở vị trí thi đấu của cầu thủ đảm nhiệm vai trò ấy, mà nằm ở ý niệm thi đấu. Ý niệm ấy có thể được bất kỳ cầu thủ nào, từ tiền vệ công, tiền đạo lùi, thậm chí là tiền vệ trụ, đảm nhiệm. Ý niệm ấy có thể được chia sẻ, không hẳn là “của riêng” của một người. Một ý niệm phi thường bao quát cả một đội bóng và được phát triển hoàn hảo suốt lịch sử bóng đá.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X