Con số này vượt xa năm 2010 trước đó với tỷ lệ chênh lệch là 36%. Theo cuộc điều tra do UEFA tiến hành trên 665 CLB trên toàn châu Âu, có đến 56% các CLB năm qua làm ăn thua lỗ, 78% phải chi lương quá ngân sách quy định.
Đó là cái nhìn tổng thể, trong khi nếu xét trên bình diện các CLB lớn, tình hình cũng không mấy khả quan. Theo tổng thư ký UEFA, Gianni Infantino, chỉ vẻn vẹn 4 trong tổng số 30 đội bóng lớn ở châu Âu có đủ thực lực sống trên nguồn thu của chính mình, còn lại đều phải dựa vào các công ty mẹ hoặc các ông bầu (nếu có). Cũng không thể bỏ qua diện làm ăn thất bát không được bù lỗ. Đó là những đội bóng vì chi tiêu quá tay mà rơi vào cảnh sắp hoặc đã vỡ nợ như Bologna, AS Roma, Portsmouth.
Tổng thư ký UEFA, Gianni Infantino với tập tài liệu khiến các CLB châu Âu lo lắng |
Nền kinh tế thế giới bi quan, dĩ nhiên bóng đá cũng bị ảnh hưởng. Nhưng trớ trêu là các CLB vẫn quen “chém to kho mặn”, giá cũng như lương của các cầu thủ vẫn chạy theo xu hướng leo cao theo thời gian. Sự nghịch lý ấy khiến nền tài chính của bóng đá ngày một suy kiệt dần. Không thể phủ nhận ở thời điểm này, chẳng còn nhiều những CLB tự cung tự cấp như Arsenal, Barcelona hay Bayern, hầu hết đều sống dựa vào nguồn cung của các ông bầu. Bây giờ, họ có thể mạnh, có thể sung túc, nhưng sự sung túc, khỏe mạnh ấy đều rất mong manh. Đó là cơ sở khiến UEFA lẫn NHM lo ngại.
Những con số UEFA vừa nêu ở trên càng làm kế hoạch đưa luật “Công bằng tài chính” đi vào thực tế trở nên bức thiết. Có thể nền bóng đá châu Âu sẽ bị sốc nặng khi áp dụng chính sách mới, có thể thị trường chuyển nhượng sẽ đóng băng. Nhưng thuốc đắng thì mới dã tật, có như vậy thì các CLB mới chấn chỉnh được cách chi tiêu của mình, và có như vậy thì nền bóng đá châu Âu mới sớm thoát ra khỏi cảnh phụ thuộc.
Lam Ngọc (Theo UEFA.com)