Trước trận đấu, có thể không ít nhà báo chuẩn bị đặt tít “Gục ngã trước ngưỡng thiên đường” cho bài báo của mình trong trường hợp Milan bị loại. Thực tế thì từ phút thứ 5 trở đi đã không còn thiên đường nào cho Milan nữa. Tại Nou Camp, một Barca hoàn hảo đã đưa những vị khách về với mặt đất.
Tiqui-taka chưa chết!
Khi trận lượt đi khép lại rồi sau đó Barca thua liền hai trận trước Real Madrid, nhiều người đã bắt đầu nghĩ đến dấu chấm hết cho kỷ nguyên Tiqui-taka. Thế nhưng, 90 phút tại Nou Camp đã chứng minh rằng thứ bóng đá mê hoặc ấy vẫn còn nguyên tính hiệu quả. Nhập cuộc với quyết tâm ghi thật nhiều bàn thắng, Barca gần như vẫn giữ nguyên được sức ép khủng khiếp ấy trong suốt trận đấu để biến hàng thủ Milan thành “Những người khốn khổ”. Bốn bàn thắng đến với Barca như một hệ quả tất yếu của màn trình diễn hoàn hảo.
Messi - người khổng lồ của những trận đấu lớn.
Nếu chỉ ra sự khác biệt giữa Tiqui-taka của lượt đi và Tiqui-taka của lượt về thì đó chính là Xavi Hernandez. Ở lượt đi, tiền vệ mang áo số 6 đã chơi như người mất hồn và bị mất hút trước các tiền vệ trung tâm của Milan. Còn ở lượt về, Xavi trở lại là chính mình với khả năng điều phối bóng và cầm nhịp mà bất cứ tiền vệ trung tâm nào cũng phải mơ ước. Đường kiến tạo để Villa lập công chính là những gì tinh túy nhất mà Xavi để lại trên sân Nou Camp rạng sáng nay. Sau một tích tắc quan sát, anh tung đường chuyền nhanh như chớp và bóng bay vừa đủ gần để Villa đối mặt với Abiatti, lại vừa đủ xa để khiến nỗ lực cắt bóng của hậu vệ Milan trở nên vô vọng. Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc đến sự xuất sắc của Iniesta. Một trận đấu hay của Iniesta lẽ ra đã trở nên trọn vẹn hơn nếu cú vô lê của tiền vệ này không bị Abbiati xuất sắc cản phá.
Cuối cùng, dĩ nhiên rồi, hãy nói về Lionel Messi. Chúng ta luôn rơi vào hoàn cảnh khó xử khi phải tìm một từ nào đó để ngợi khen anh chàng nhỏ con này bởi dường như mọi mỹ từ mà ta có thể nghĩ đến thì đều đã dùng hết rồi. Hai cú sút không thể cản phá, hàng loạt pha đi bóng lắt léo khiến những chiếc bóng áo trắng hoặc trở thành những chú hề, hoặc trở thành những tên đồ tể phạm lỗi không thương tiếc,… tất cả những gì Messi làm đã lý giải vì sao anh là cầu thủ giỏi nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Bàn mở tỷ số của Messi là một tuyệt tác thực sự, trước vòng vây của 6 cầu thủ đối phương, M10 bình tĩnh sửa lòng vào góc cao trước sự bất lực của Abbiati để mở ra một thế trận rất dễ đá cho đội nhà. Đó là khoảnh khắc Messi nhắc lại biệt danh “Người khổng lồ của những trận đấu lớn”. Xavi, Iniesta và Messi “hồi sinh”, Barca cũng trở về từ địa ngục.
Những sai lầm của Allegri
AC Milan bước vào trận lượt về với lợi thế quá lớn để không một ai có thể nghĩ rằng họ sẽ bị vờn cho quay cuồng đến vậy. Thậm chí trong lịch sử Champions League có rất ít đội bóng bị loại khi đã thắng 2-0 ở lượt đi trên sân nhà. Vậy mà trước sức ép của mười vạn CĐV tại Nou Camp và 11 cầu thủ Barca, Milan đã gục ngã. Nhưng họ thua không hoàn toàn bởi Barca xuất sắc.
Sự khác biệt đến ở tư tưởng nhập trận của Milan trong hai trận đấu. Ở lượt đi, Milan vẫn phải phòng ngự nhưng họ cũng muốn đạt thành tích trên mặt trận tấn công để giành lợi thế. Còn ở trận lượt về này, Milan đã có quá nhiều và họ chỉ phải bảo vệ những gì đã có trước một đối thủ chẳng còn gì để mất. Barca để trung vệ kỳ cựu Puyol ngồi dự bị, Milan bố trí hai tiền đạo chưa bước qua tuổi đôi mươi là El Shaarawy và Niang trên hàng công, vậy là đủ để rõ ý đồ của hai đội.
Vấn đề ở đây là nếu Niang ghi được bàn thắng với cơ hội tuyệt vời mà anh có được ở phút 38 thì quyết định sử dụng anh đã được tung hê lên tận mây xanh hoặc giả như El Shaarawy thành công với chỉ một trong hai cú sút của mình thôi thì người ta đã có thể kết luận rằng Allegri chọn anh là đúng. El Shaarawy và Niang tỏ ra quá non nớt trong hoàn cảnh mà Milan cần họ phải già dặn và bản lĩnh hơn. Allegri đã sai lầm khi bố trí một đội hình quá thấp và thiếu sức chiến đấu. Cất Muntari trên ghế dự bị là sai, cất Bojan và Robinho trên ghế dự bị cũng là sai.
Chẳng ai biết Allegri đã dặn dò các cầu thủ những gì trong 15 phút giải lao giữa hai hiệp, chẳng ai biết Allegri đã tính toán những gì với những sự thay đổi nhân sự, và thực sự là chẳng ai muốn biết nữa bởi ý đồ có là gì thì nó cũng đã hoàn toàn phá sản và Milan đã thua tâm phục khẩu phục.
Những khoảnh khắc mang tính quyết định
Có thể nói rằng bất cứ một tình huống quyết định nào sau đây nếu diễn ra khác đi thì kết quả của trận đấu cũng sẽ rất khác. Nếu bàn mở tỷ số của Messi không đến ngay từ phút thứ 5, Milan có thể đã thi đấu vững vàng hơn rất nhiều. Bàn thua quá sớm đã đẩy Milan vào tình thế hoảng loạn về mặt tâm lý. Họ tiếp tục phòng ngự đầy lúng túng trước lối chơi biến hóa của Barca. Và nếu như Niang ghi bàn gỡ hòa trong tình huống đối mặt với Valdes, chắc chắn Milan sẽ ổn định được tâm lý và sẽ đá rất khác.
Nhưng Niang lại sút trúng cột dọc và ngay sau đó thì Messi tung ra nhát kiếm thứ hai. Lúc này thì tôi hoàn toàn đồng ý với BLV Anh Ngọc rằng trong trường hợp mỗi hiệp của một trận bóng đá kéo dài thêm 15 phút thì Milan chắc chắn sẽ để thua thêm ngay trong nửa đầu của trận đấu. Tuy nhiên dù 15 phút đó như thường lệ đã được sử dụng để làm quãng thời gian cho hai bên trấn tĩnh lại tâm lý thì các cầu thủ áo trắng cũng chẳng thể thi đấu bình tĩnh hơn trong hiệp hai. Và khi Villa ghi bàn thắng thứ ba để đẩy Milan vào thế phải tấn công, họ cũng chẳng biết làm thế nào để triển khai thế trận bởi trong suốt 55 phút trước đó, họ đã đi lạc quá sâu vào trong mê cung của Barca rồi. Bàn thắng cuối cùng của Alba chỉ tô điểm thêm cho thắng lợi ngọt ngào của đội chủ nhà mà thôi.
Sẽ chẳng có tranh cãi nào nổ ra sau trận đấu này. Không ai phải thắc mắc về những quyết định của trọng tài, không ai phải đắn đo rằng đội bóng nào xứng đáng đi tiếp hơn. Chúng ta chỉ cần ngả mũ thán phục và dành những lời ngợi khen cho Barca, đồng thời có thể nhỏ vài giọt nước mắt tiếc nuối cho Milan bởi màn trình diễn tuyệt vời của họ ở trận lượt đi.
(Theo Vnexpress)