Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Buổi hoàng hôn của những “sát thủ vòng cấm”

Thứ Hai 23/02/2015 10:32(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Số 9 “cổ điển”, “kẻ ăn trộm trứng gà”, “vua chộp giật” hay “sát thủ vòng cấm” là cái cách mà nhiều năm trước đây, chúng ta dùng để gọi họ - những tiền đạo ra sân chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là ghi bàn. Nhưng hiện tại, họ lại đang biến mất dần trên bản đồ bóng đá thế giới, hoặc chỉ sống” thoi thóp” ở các đội bóng hạng trung. Do đâu và vì sao?

Những “sát thủ” này có thể không cao, không mạnh mẽ, không càn lướt, không có kỹ thuật thượng thừa nhưng mang trong mình sức mạnh hủy diệt được kết tinh từ sự nhạy cảm trước những cơ hội, sự bình tĩnh đến “máu lạnh” và khả năng chọn vị trí. Họ có thể đảm bảo ghi trung bình 30 bàn thắng mỗi mùa, bóng đến chân là “bắn” và sau khoảnh khắc ấy là tiếng hò reo.

Trong quá khứ, chúng ta có thể bắt gặp hình mẫu “sát thủ vòng cấm” ở Gerd Muller – một trong những chân sút vĩ đại nhất bóng đá Đức, "Quỷ lùn bất tử" Romario, Ruud Van Nistelrooy – tiền đạo hàng đầu Premier League một thời, Miroslav Klose và Mario Gomez – hai người kế thừa Gerd Muller hay đặc biệt là “cầu thủ sinh ra đã việt vị” – huyền thoại Fillipo Inzaghi.

Buoi hoang hon cua nhung sat thu vong cam hinh anh
Những "sát thủ vòng cấm" huyền thoại một thời

Ngày nay, Javier Hernandez và Klass-Jan Huntelaar thường được nêu ra như thế hệ “sát thủ vòng cấm” mới nhất, và là “truyền nhân đích thực” của Fillipo Inzaghi. Chỉ 10 năm trước, hầu như HLV nào cũng mơ ước có trong tay một tiền đạo như vậy. Tuy nhiên bước ngoặt xảy đến ở mùa giải 2006/07, khi hai CLB MU (Anh) và AS Roma (Italia) trình làng châu Âu sơ đồ chiến thuật hoàn toàn mới: 4-6-0 với những tiền đạo trở thành tiền vệ tự do, hoặc di chuyển rộng ra khỏi phạm vi vòng cấm địa.

Đó là một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự thoái trào của những "cỗ máy ghi bàn" trong phạm vi 16m50. Giờ đây, đã đến thời của 3 mẫu trung phong: Thứ nhất, cao lớn, không chiến tốt, đóng góp nhiều vào lối chơi chung thậm chí trở thành mắt xích phòng ngự đầu tiên như Mandzukic, Drogba,...

Thứ hai: Mẫu tiền đạo chơi rộng và con thoi như Rooney, Benzema, Lewandowski,… Và cuối cùng: hình mẫu “số 9 ảo” như Messi được xếp ở vị trí cao nhất theo bản vẽ sơ đồ chiến thuật nhưng thường xuyên lùi sâu nhận bóng để lại khoảng trống nhằm “dụ dỗ” các hậu vệ đội bạn lấn lên sau đó kiến tạo cho đồng đội hoặc trực tiếp ghi bàn.

Điểm chung gì giữa những cái tên kể trên là sự đa năng. Họ có thể phối hợp tốt với những tiền vệ tấn công xung quanh, tạo nên sự linh động và khó nắm bắt. Trong triết lý của đa phần các nhà cầm quân bây giờ, họ nghĩ không cần thiết có một cầu thủ làm mỗi nhiệm vụ duy nhất là ghi bàn trong khi những Lionel Messi, Cristiano Ronaldo hay Wayne Rooney hoàn toàn có thể mang về những bàn thắng, vừa biết cách kiến tạo cho đồng đội xung quanh.

Hệ quả, "đất diễn" cho các “sát thủ vòng cấm” giờ đây là ở những đội bóng tầm trung hoặc ở những hạng thấp. Ví dụ điển hình nhất, Mario Gomez khi anh không phù hợp với triết lý của HLV Pep Guardiola ở Bayern Munich nên đành chuyển sang Fiorentina và giờ không biết lưu bạt phương trời nào.

Chicharito – Javier Hernandez sau mùa giải đầu tiên thăng hoa trong màu áo MU đã dần bị hắt hủi, ngay cả khi “giấc mơ Real” thành sự thật ở đầu mùa giải năm nay, anh cũng chỉ còn được nhắc đến như “dự bị hạng sang”, Klass – Jan Huntelaar, tiền đạo hiệu quả bậc nhất lịch sử bóng đá Hà Lan cũng chôn vùi sự nghiệp của mình ở Real, AC Milan trước khi an phận tại một CLB nhỏ hơn (Schalke 04), một giải VĐQG ít cạnh tranh hơn (Bundesliga).

Trong bối cảnh chung của bức tranh bóng đá, khi các CLB lớn từ chối “đánh bạc” với mẫu tiền đạo chơi bóng đơn giản, chẳng bất ngờ nếu đến một lúc nào đó những "sát thủ vòng cấm" sẽ chỉ còn được nhắc tới qua tư liệu, bất chấp sự hiệu quả không thể phủ nhận mà họ mang lại.

Xem thêm các tin bong da chau Au mới nhất

Theo Khám Phá
  

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X