Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Bức tranh World Cup 2018 tại Nga: Còn nhiều mảng xám (P2)

Chủ Nhật 02/07/2017 11:41(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ngoài những vấn đề tới từ bên ngoài sân cỏ, vấn nạn tồn tại ở chính bóng đá Nga như các nhóm Ultras hay nạn phân biệt chủng tộc tràn lan cũng đe dọa sự thành công của World Cup 2018.

Thách thức từ Ultras Nga
Khi tiếng còi mãn cuộc trận đấu giữa Anh với Nga vang lên tại sân Velodrome, màn trình diễn của Ultras Nga chính thức mở màn. Khán đài sân Velodrome nhanh chóng trở thành võ đài cùng những hình ảnh kinh hoàng truyền đi toàn thế giới. Từng nhóm CĐV bịt mặt, mặc đồ đen tràn sang khu khán đài của người Anh.
Buc tranh World Cup 2018 tai Nga Con nhieu mang xam (P2) hinh anh
Các nhóm Ultras Nga liệu có thể mất kiểm soát tại World Cup 2018?

Hai người Anh đa chấn thương nghiêm trọng, hàng chục người khác bị thương trong các cuộc ẩu đả với Ultras Nga. Tại Euro 2016, Ultras Nga trở thành nỗi kinh hoàng với cảnh sát Pháp khi họ mang ẩu đả từ khán đài ra đường phố. Khác với nhóm holigan Anh với hình ảnh say mèm mất kiểm soát, Ultras Nga bị đánh giá đáng sợ hơn khi hành động có chủ đích, cố tình tạo ra ẩu đả. Cảnh sát Marseille thậm chí phải sử dụng cả bom khói cùng công cụ chống bạo động để giải tán đám đông quá khích.
Hình ảnh bạo lực mà Ultras Nga mang đến Euro 2016 trên đất Pháp khiến các chuyên gia an ninh lo ngại về sự an toàn của các CĐV nước ngoài tới tham dự World Cup 2018. Đặc biệt, cảnh báo về sự trả thù của các nhóm holigan Anh cho những gì xảy ra tại Euro 2016 là kịch bản đáng sợ có thể xảy ra, khi Ultras Nga liên tục chế giễu CĐV Anh là "các ngươi yếu đuối như đàn bà và trẻ nhỏ" hay "lũ chúng bay quá già, chỉ biết say mèm và béo như heo để chiến đấu"...
Các CĐV quá khích Nga thường xuyên tập gym chỉ để gây ra các vụ ẩu đả tại các trận đấu bóng đá hoặc giải thể thao lớn như một cách để giải tỏa stress trong cuộc sống. Đáng ngại hơn, Ultras Nga không hoạt động đơn độc mà thường tạo nên các nhóm có sự gắn kết nhất định, thậm chí có sự ủng hộ của các băng đảng địa phương. Tại World Cup 2018, các nhóm này hoàn toàn có thể liên kết với nhau để tấn công CĐV nước ngoài, đặc biệt ở khu vực sân vận động, các quán bar, quán rượu,... có chiếu trực tiếp bóng đá qua TV.   
Hồi tháng Hai, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino trấn an người hâm mộ: "Tôi không lo lắng về những rắc rối liên quan đến bạo lực tại World Cup 2018. Tôi tin tưởng vào chính quyền Nga, họ cam kết thực hiện vấn đề này rất, rất nghiêm túc. Họ đã liên hệ với UEFA và Pháp để học hỏi từ những gì xảy ra tại Euro 2016. Hệ thống ID cho cổ động viên sẽ giúp giải quyết những nguy cơ tiềm tàng".
Hệ thống ID cho CĐV là một sáng kiến an ninh của Nga trong việc kiểm soát an ninh dựa trên cơ sở nhận diện các CĐV vốn nằm trong "sổ đen" an ninh của các quốc gia, hoặc từng có lịch sử gây rối. Đã có hơn 400.000 thẻ ID an ninh được phát cho các cổ động viên tới Nga cổ vũ cho Confed Cup 2017. Cho đến nay, hệ thống này vẫn được đánh giá là hoạt động hiệu quả khi Confed Cup 2017 chưa xảy ra bê bối nào liên quan đến CĐV.
Chính quyền Nga cũng tỏ ra quyết tâm trong vấn đề cổ động viên quá khích. Tại các địa phương tồn tại nhóm Ultras công khai trong 5 tháng gần nhất, hàng trăm cuộc tiếp xúc giữa đại diện chính quyền với những người đứng đầu các nhóm được diễn ra. Nội dung chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất để đảm bảo các nhóm này không gây rối tại World Cup 2018.
Andrei Malosolov, một phóng viên bóng đá có uy tín từng chung tay thành lập hội cổ động viên đội tuyển bóng đá Nga cam kết: "Tin tôi đi. World Cup 2018 sẽ là năm bình yên nhất trong lịch sử bóng đá Nga".
Nạn phân biệt chủng tộc
Theo thống kê từ Chống phân biệt chủng tộc Bóng đá Châu Âu (FARE), số vụ phân biệt chủng tộc trong bóng đá Nga hiện có phần giảm bớt nhưng vẫn ở con số rất cao. Trong mùa giải 2016-17, bóng đá Nga ghi nhận 89 trường hợp phân biệt chủng tộc trên sân cỏ được báo cáo, giảm nhẹ so với con số 101 của mùa 2015-16 hay 92 của mùa 2014-15.
Nạn phân biệt chủng tộc đang hoành hành tại Nga hoàn toàn có thể diễn ra tại World Cup 2018.

Alexey Smertin, thành viên của Hiệp hội Chống phân biệt chủng tộc trong bóng đá tại Nga thừa nhận: "Phân biệt chủng tộc giống như một thứ mốt ở Nga vậy. Mười năm trước, nhiều cổ động viên đi xem đá bóng còn ném chuối vào các cầu thủ da đen. Bạn biết lý do là gì không? Để cho vui".
Hồi năm 2012, một nhóm cổ động viên của Zenit St Peterburg thậm chí còn soạn hẳn một bản tuyên ngôn mang hàm nghĩa phân biệt chủng tộc sâu sắc kêu gọi loại trừ những cầu thủ da đen và đồng tính ra khỏi đội. Năm 2013, Yaya Toure bị nhóm CĐV quá khích gọi là "con khỉ" trong suốt trận đấu giữa Manchester City với CSKA Moscow tại Champions League. 
Nạn phân biệt chủng tộc bùng phát khiến giới chức Nga buộc phải lên phương án kiểm soát. Một phần trong đó là "luật cổ động viên" được ban hành vào ba năm trước, quy định những hành vi bị cấm trên các khán đài, không được mang các vật dụng cá nhân vào sân, cấm mang các biểu ngữ liên quan đến chính trị, đặc biệt là biểu tượng Quốc xã, cấm các nhóm cổ động viên cực đoan đến sân,...
Những động thái mạnh tay của Nga vẫn bị đánh giá thiếu hiệu quả. Tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn diễn ra tràn lan trên các sân cỏ tại Russian Premier League (giải VĐQG Nga - PV). Tiền đạo Hulk từng khoác áo Zenit nay đã chuyển sang Trung Quốc chơi bóng xác nhận rằng nạn phân biệt chủng tộc "gần như diễn ra trong mọi trận đấu". 
Gần đây nhất ngay trước thềm Confed Cup 2017, một cuộc tuần hành nổ ra trên đường phố tại Sochi hồi tháng Năm. Những người tham gia buổi tuần hành bôi mặt đen, đeo chuối trên người đi khắp các tuyến đường của thành phố. Chính quyền thành phố Sochi nhanh chóng đưa ra thông báo chính thức rằng cuộc tuần hành "không có ý xúc phạm bất kỳ ai". Còn Smertin chỉ có thể cười trừ và nói đây là một sự việc "không may".
Nạn phân biệt chủng tộc trong bóng đá Nga, hay rộng hơn là cả xã hội Nga đặt ra những thách thức không nhỏ với Ban tổ chức World Cup 2018. Viễn cảnh phức tạp từ các con phố vào sân vận động hoàn toàn có thể diễn ra vào một năm sau. Khách du lịch, cổ động viên đến từ 32 quốc gia đại diện cho các châu lục sẽ đổ về Nga, trong đó chắc chắn sẽ có những người da màu. Nếu những con người ấy gặp nhóm quá khích cổ súy cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, điều gì sẽ xảy ra?
Bức tranh World Cup 2018 tại Nga: Còn nhiều mảng xám (P1)
Trái với sự hồ hởi của FIFA cũng như nước chủ nhà Nga, viễn cảnh về World Cup 2018 đang là một bức tranh hỗn tạp với rất nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Như Đạt (TTVN)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X