1. Ronaldo và Ronaldinho… từng chỉ là một
Ronaldo Luiz Nazario de Lima là thành viên tuyển Brazil lên ngôi vô địch World Cup 1994, thời điểm anh chỉ mới 18 tuổi và là cầu thủ trẻ nhất trong đội hình. Chính vì thế, chàng tiền đạo “người ngoài hành tinh” khi đó được gọi với cái tên Ronaldinho – nghĩa là “Ronaldo bé” trong tiếng Bồ Đào Nha.
Sở dĩ Ronaldo buộc phải đổi danh xưng như vậy để tránh trùng tên với một người đồng đội đàn anh Ronaldo khác cũng đá cho tuyển Brazil thời bấy giờ, đó là trung vệ Ronaldo Rodrigues de Jesus. Cầu thủ hơn đến 11 tuổi này lại được gọi là Ronaldao – “Ronaldo lớn”.
Ronaldo và Ronaldinho |
Tiếp theo ở kỳ Olympic 1996 khi U23 Brazil đoạt huy chương đồng, “Rô béo” vẫn khoác áo tên Ronaldinho trên lưng để phân biệt với một trung vệ Ronaldo khác nữa lớn hơn anh hai tuổi – Ronaldo Guiaro.
Đó cũng là giải đấu quốc tế cuối cùng mà Ronaldo “phải làm” Ronaldinho bởi kể từ sau đấy, anh trở thành Ronaldo duy nhất trong đội tuyển Brazil. Cho đến năm 1999, một Ronaldo khác trẻ hơn “Rô béo” năm tuổi đã bắt đầu được triệu tập lên đội hình Selecao - Ronaldo de Assis Moreira.
Như câu chuyện cũ của người đàn anh, Ronaldo phiên bản “có tóc… nhưng vẩu” này tiếp quản danh xưng Ronaldinho, và rồi quyết định trung thành với nó xuyên suốt sự nghiệp đỉnh cao của mình. Đúng vậy, anh chính là huyền thoại Ronaldinho (Gaucho), một trong những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử Barcelona cũng như chủ nhân của hai Quả Bóng Vàng thế giới.
2. “Khắc tinh” khó tin của Barcelona
Khó tin nhưng thực sự có thật, Barcelona, gã khổng lồ giàu truyền thống hàng đầu bóng đá Tây Ban Nha cũng như Châu Âu, chưa bao giờ có thể đánh bại hay thậm chí cầm hòa được Dundee United, một CLB nhỏ bé của Scotland. Đúng vậy, đó là thành tích toàn thua 100% qua bốn trận đấu!
Hai đội lần đầu chạm trán vào năm 1967 trong khuôn khổ vòng 2 Fairs Cup (Cúp Hội Chợ - tiền thân của UEFA Cup và Europa League). Dundee thắng 2-0 ở trận lượt đi và tiếp tục đánh bại Barca với tỷ số 2-1 ngay trên đất khách Camp Nou để đi tiếp vào vòng trong.
Barcelona vs Dundee United |
Tròn hai thập kỷ sau đó, một Barca hùng mạnh hơn nhiều đứng trước cơ hội phục thù Dundee ở tứ kết Cúp C2 Châu Âu mùa giải 1986/87. Tuy nhiên, cú sốc lần này còn lớn gấp bội phần và đội bóng xứ Catalonia cay đắng nợ nần chồng chất với “khắc tinh” đến từ Scotland.
Sau thất bại 0-1 ở trận lượt đi trên sân khách, Barca trở về thánh địa Camp Nou và quân bình tỷ số 1-1. Tuy nhiên chỉ trong vòng năm phút cuối cùng, Dundee đã bất ngờ lội ngược dòng ngoạn mục với hai bàn thắng liên tiếp để lần thứ tư trong lịch sử cho “con mồi” của mình phải ôm hận. CLB Scotland sau đó cũng giành ngôi á quân của giải đấu.
Ấn tượng hơn nữa ở Dundee, họ là một trong hai đội bóng hiếm hoi có thể đánh bại Barcelona trong cả hai lượt trận đi về thuộc khuôn khổ vòng knock-out các cúp Châu Âu. Cái tên còn lại chính là Bayern Munich, với chiến thắng kỷ lục kinh hoàng 7-0 (4-0 ở Đức và 3-0 ở Tây Ban Nha) ở bán kết Champions League mùa giải 2012/13.
3. Kỷ lục vô tiền khoáng hậu của Fernando Torres
Bất chấp những danh hiệu tập thể giành được ở Stamford Bridge, Fernando Torres nhìn chung vẫn là một bản hợp đồng thất bại của Chelsea, nhất là so với phong độ thăng hoa trước đó của anh trong màu áo Atletico Madrid cũng như Liverpool.
Tuy nhiên ở mùa giải 2012/13, quả bom xịt đó đã thiết lập nên một kỳ tích vô tiền khoáng hậu có 1-0-2 trong lịch sử mà mọi cầu thủ khác đều phải bó tay. Torres ghi bàn trên bảy đấu trường anh tham dự, bao gồm Premier League, Champions League, Europa League, FIFA Club World Cup, FA Cup, League Cup và cả trận Siêu Cúp Anh Community Shield. Duy nhất chỉ có trận Siêu Cúp Châu Âu là anh chịu tịt ngòi.
Fernando Torres |
Tiền đạo người Tây Ban Nha thời điểm bấy giờ đã phá kỷ lục cũ của đồng hương Pedro với sáu đấu trường nổ súng cho Barcelona trong mùa giải 2009/10. Như đã nói trên, thành tích của Torres khó có khả năng được lặp lại bởi bên cạnh cái duyên ghi bàn, nó còn phụ thuộc vào cả tập thể đội bóng với tổ hợp điều kiện phức tạp như sau để có thể góp mặt vào nhiều sân chơi như vậy:
- CLB cần phải vô địch Premier League và FA Cup ở mùa giải trước để chơi trận tranh Siêu Cúp Anh ở mùa giải này.
- CLB cần phải vô địch Champions League ở mùa giải trước để chơi trận tranh Siêu Cúp Châu Âu và tham dự FIFA Club World Cup.
- CLB cần phải thuộc vào biên chế của liên đoàn bóng đá nước sở tại với ít nhất hai giải đấu cúp trong mỗi mùa giải, đơn cử như Anh và Pháp.
- CLB cần phải bị loại khỏi Champions League ngay ở vòng đấu bảng với vị trí thứ ba để xuống chơi ở Europa League.
4. Bốn thập kỷ cống hiến bền bỉ của huyền thoại Phần Lan
Bóng đá Phần Lan không thực sự phát triển nhưng họ chắc chắn mãi tự hào về Jari Litmanen, cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử đất nước Bắc Âu và là huyền thoại của Ajax Amsterdam, cũng như từng khoác áo nhiều ông lớn Châu Âu khác như Barcelona và Liverpool.
“Litti” là một tài năng kiệt xuất và đã có thể trải qua sự nghiệp thành công rực rỡ hơn nhiều nếu không bị hành hạ bởi những chấn thương dai dẳng, song sự vĩ đại của ông chắc chắn là điều không thể phủ nhận. Minh chứng thể hiện rõ nét nhất chính là việc hộ công số 10 này là một trong số ít cầu thủ đã chơi bóng chuyên nghiệp trong đến bốn giai đoạn thập kỷ (1987-2011).
Jari Litmanen |
Tuy nhiên, đó chỉ là thành tích bao hàm chung cho cả cấp độ CLB. Xét riêng trên phương diện ĐTQG vốn khó trụ vững hơn nhiều, Litmanen chính là người duy nhất, độc nhất vô nhị. Ông ra mắt Phần Lan năm 1989 với trận đấu gặp Trinidad & Tobago và phải đến năm 2010, nhạc trưởng “tài hoa bạc phận” này mới thi đấu trận cuối cùng gặp Hàn Quốc và chính thức giã từ sự nghiệp quốc tế, đặc biệt với một bàn thắng làm quà chia tay.
Kỷ lục độc nhất vô nhị của Litmanen khó có khả năng được san bằng hay xô đổ bởi các hậu bối, bởi các cầu thủ bóng đá trong thời đại ngày nay đều có xu hướng sớm chia tay ĐTQG của mình để tập trung kéo dài sự nghiệp ở cấp độ CLB.
5. Món quà sinh nhật “ác mộng” cho Gianfranco Zola
Ra mắt sân chơi World Cup ngay trong ngày sinh nhật của mình, Gianfranco Zola quả thật may mắn làm sao… cho đến khi trọng tài “tặng” ngay cho huyền thoại Chelsea một tấm thẻ đỏ trực tiếp chỉ sau 10 phút xuất hiện từ băng ghế dự bị - một “món quà” không ai mong muốn.
Đó là trận đấu vòng 1/8 World Cup 1994 giữa Italia và Nigeria, ngày 5/7 – sinh nhật tròn 28 tuổi của Zola. Tồi tệ hơn ở đây, tiền đạo nhỏ con thuộc biên chế Parma thời bấy giờ thậm chí không xứng đáng phải nhận tấm thẻ đỏ oan nghiệt đó, khi “nạn nhân” Augustine Eguavoen diễn kịch ăn vạ quá đạt sau pha truy cản của Zola.
Gianfranco Zola |
Đã nghèo còn mắc cái eo, người Ý rơi vào thế chơi thiếu người khi còn đang bị dẫn trước 1-0. Ấy vậy mà họ vẫn thể hiện bản lĩnh và đẳng cấp của mình khi lội ngược dòng đánh bại Nigeria với tỷ số 2-1 nhờ cú đúp bàn thắng của Roberto Baggio.
Azzurri thẳng tiến, tiếp tục vượt qua những Tây Ban Nha và Bulgaria lần lượt ở tứ kết và bán kết, trước khi gục ngã trước Brazil trên chấm luân lưu 11m trong trận chung kết và chấp nhận ngôi vị á quân World Cup 1994.
Đây vẫn là giải đấu thành công nói chung cho cả tập thể Italia, nhưng đối với cá nhân Zola thì chắc chắn không. Sau tấm thẻ đỏ oan nghiệt ngay trong ngày sinh nhật đáng quên đó, chân sút cao 1m68 này không được thi đấu thêm một phút nào nữa ở World Cup 1994 kể cả sau khi đã mãn án treo giò.
6. Kỷ lục Guinness thuộc về bàn thắng của một thủ môn
Thủ môn ghi bàn đã cực hiếm, vậy mà Asmir Begovic còn ghi một trong những bàn thắng nhanh nhất lịch sử Premier League. Chưa hết đâu, người gác đền tuyển Bosnia thậm chí còn tô điểm cho kỳ tích của mình với kỷ lục về khoảng cách xa nhất và được vinh danh trong cuốn sách Guinness nổi tiếng.
Asmir Begovic |
Ngày 2/11/2013, ngay giây thứ 13 của trận đấu Premier League giữa Stoke và Southampton, cú phát bóng giải nguy của Begovic đã vô tình trở thành một bàn thắng đẹp mắt cho đội chủ nhà, cộng hưởng với sức gió mạnh ở sân Britannia cũng như sự chủ quan của đồng nghiệp Boruc.
Với khoảng cách từ vị trí chạm bóng đến cửa gôn bên kia chiến tuyến lên đến 92m đo được, Begovic chính thức trở thành chủ nhân của bàn thắng xa nhất và được ghi danh kỷ lục Guinness. Thủ môn người Bosnia cũng đã ghi bàn thắng nhanh thứ 10 trong lịch sử Premier League.
Đó thậm chí còn chưa phải điều đáng khen nhất ở Begovic. Mặc dù đã có pha lập công đầu tiên và hiếm hoi trong sự nghiệp theo cách quá đỗi ấn tượng như vậy, thủ môn người Bosnia không hề ăn mừng bàn thắng đó bởi anh thấu cảm cho tâm trạng tệ hại và tủi hổ của người đồng nghiệp Boruc bên kia chiến tuyến. Quả là tinh thần fair-play tuyệt đỉnh!
Gia Khoa (TTVN)