(Bongda24h) - Đáng kinh ngạc là Chinese Super League, giải vô địch quốc gia Trung Quốc còn chi nhiều tiền chuyển nhượng hơn Premier League. Người Trung Quốc dường như đang muốn trở thành bá chủ trong bản đồ bóng đá thế giới.
Kế hoạch táo bạo
"Sức sống mới từ bóng đá phải đủ sức tạo nên sức mạnh cho nền thể thao Trung Quốc, đó là một phần giấc mơ dân tộc. Đó là những gì toàn thể người dân mong muốn" - Đó là phát ngôn được đưa ra bởi nhóm cải cách Trung Ương với người lãnh đạo cao nhất là Chủ tịch Trung Hoa - Tập Cận Bình.
Bên cạnh việc tăng cường vị thế về chính trị cùng quân sự, Trung Quốc đang xác định tăng sức mạnh về "quyền lực mềm" như những gì quốc gia châu Á khác là Hàn Quốc đạt được trong thời gian gần đây. Thay vì định hướng vào mảng giải trí, Chủ tịch Tập Cận Bình vốn là người đam mê bóng đá xác định tăng cường "quyền lực mềm" bằng cách nâng tầm thể thao Trung Quốc.
|
Một cầu thủ chỉ ở bậc khác như Hulk khi tới Trung Quốc cũng được nhận mức lương ngất ngưởng. |
Theo dự tính từ nay đến năm 2020, Trung Quốc sẽ đầu tư 1,1 nghìn tỷ đô la Mỹ để biến đất nước đông dân nhất thế giới thực sự thành bá chủ thể thao thế giới. Đặc biệt trong môn bóng đá, Tập Cận Bình muốn đến mốc đầu thập niên thứ ba, Trung Quốc phải có được ít nhất 20.000 trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ trên cả nước. Đây là tham vọng có phần đi ngược lại truyền thống Trung Hoa, nơi các bậc phụ huynh thường ưu tiên cho con cái theo học văn hóa hơn là thể thao.
Với khoản kinh phí đầu tư lớn cộng với kế hoạch táo bạo, Trung Quốc không chỉ hy vọng giành quyền đăng cai World Cup mà còn muốn vô địch giải đấu bóng đá danh giá nhất hành tinh. Bên cạnh chiến lược vĩ mô của Chính phủ, các doanh nhân Trung Quốc cũng được bật đèn xanh để vươn bàn tay vào các giải đấu cấp câu lạc bộ.
Trong kỳ chuyển nhượng tháng 1/2016, Chinese Super League là giải đấu chi nhiều tiền chuyển nhượng nhất thế giới khi đạt mức 440 triệu đô la Mỹ, trong khi Premier League "chỉ" đứng thứ hai với 354 triệu. Thậm chí giải hạng nhất của Trung Quốc (China League One - PV) cũng chi nhiều tiền chuyển nhượng hơn cả những giải đấu hàng đầu châu Âu như
Bundesliga, La Liga và Ligue 1.
Đến hè này, Trung Quốc tiếp tục gây ấn tượng về khả năng tài chính khi Thượng Hải SIPG biến Hulk trở thành cầu thủ hưởng mức lương cao thứ hai thế giới, ngang bằng với
Messi và chỉ kém Cris Ronaldo đúng 2 triệu đô la Mỹ (29,4 triệu mỗi năm).
Hai trong sáu cầu thủ nhận lương cao nhất thế giới đều đang thi đấu tại Trung Quốc, người còn lại là cầu thủ chỉ thuộc dạng bậc trung Graziano Pelle với con số ngất ngưởng 23,5 triệu.
Đó là chưa kể đến việc một loạt doanh nhân Trung Quốc đang dần thâu tóm những câu lạc bộ có tiềm lực tại châu Âu. Tại Anh, Aston Villa đã rơi vào tay người Trung Quốc trong khi
Man City đã bán 13% cổ phần cho giới doanh nhân nói tiếng Trung, Hull và West Brom được cho là cũng sắp thuộc về những chủ sở hữu đến từ bên kia châu lục.
Nhìn rộng ra châu Âu, 20% cổ phần của Atletico cùng hai đội bóng thành Milano đều đã thuộc về người Trung Quốc. Trong tương lai, người Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu mua những câu lạc bộ hàng đầu tại châu Âu với một tham vọng táo bạo: Lập ra một giải đấu mới pha trộn giữa các câu lạc bộ Trung Quốc với các câu lạc bộ tại châu Âu có chủ sở hữu là người Trung Quốc!
Vẫn còn nhiều hoài nghi
Dù liên tục vung tiền cũng như công bố kế hoạch đao to búa lớn nhưng tham vọng của Trung Quốcn trong môn thể thao Vua vẫn còn để lại nhiều hoài nghi. Hiện tại, Trung Quốc lập ra khá nhiều trung tâm đào tạo trẻ rồi mời các chuyên gia tại châu Âu tới giảng dạy. Nhưng văn hóa là rào cản lớn nhất trong kế hoạch này khi đa phần các vị phụ huynh tại quốc gia này vẫn muốn cho con cái theo học văn hóa hơn là thể thao.
|
Trung Quốc liệu có thành công với bản kế hoạch táo bạo? |
Việc các câu lạc bộ đến từ Trung Quốc vung tiền để tạo ra những bản hợp đồng bom tấn cũng không đảm bảo thành công cho Chinese Super League, giải đấu bị đánh giá thiếu chuyên nghiệp. Ramires, cầu thủ mới tới Trung Quốc thi đấu chưa đầy một năm đang nằng nặc đòi ra đi bởi không chịu nổi môi trường bóng đá tại đây.
Tình trạng bán độ, dàn xếp tỉ số, trọng tài thiên vị, bạo lực sân cỏ,... vẫn đang đầy rẫy tại giải đấu được "mạ vàng" hoành tráng bởi những bản hợp đồng "điên rồ".
Điều đó khiến các cầu thủ ngoại quốc vốn quen với bầu không khí bóng đá chuyên nghiệp không muốn tiếp tục ở lại dù được trả những khoản lương cao ngất ngưởng. Một số muốn tới thi đấu tại các quốc gia Ả-rập, nơi đãi ngộ không kém là bao nhưng môi trường thi đấu tốt hơn hẳn.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn đang đứng ở vị trí thứ 78 trong bảng xếp hạng FIFA, kém Australia đến 21 bậc dù đất nước chuột túi không có bản kế hoạch "hoành tráng" như vậy. Hơn nữa, Australia cũng không có giải vô địch quốc gia thu hút nhiều ngôi sao như Trung Quốc nhưng vẫn được đánh giá là chuyên nghiệp và có chất lượng hơn hẳn.
Nhiều chuyên gia nhận định vấn đề của bóng đá không phải nằm ở tiền bạc mà là ở cách tổ chức. Hơn nữa, sự phát triển của bóng đá Trung Quốc gắn liền với chính trị khi được Tập Cận Bình, một người đam mê túc cầu đứng đằng sau hỗ trợ.
Theo các học giả đánh giá rằng một khi nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình kết thúc, không ai dám đảm bảo vị lãnh đạo mới sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển môn thể thao vua hay sẽ chú trọng vào một vấn đề khác.
Như Đạt