Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá thế giới: Tiền có mua được đẳng cấp?

Thứ Sáu 15/11/2013 17:33(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ngoài Real đã cũ, Chelsea đã “thành danh”, những gã nhà giàu mới cứ đua nhau trỗi dậy như Man City, PSG, Monaco. Thành công của các câu lạc bộ như thế là có, song liệu đồng tiền có thực sự mua được đẳng cấp về lâu về dài?

Tiền góp phần làm nên đẳng cấp và truyền thống

Không phải lúc nào cũng thế, nhưng rõ ràng là đồng tiền có những sức mạnh đầy thiết thực của nó. Tiền kéo về những ngôi sao, kéo về những đẳng cấp đơn lẻ, kéo theo những lượng fan hâm mộ khác nhau. Một đội bóng nhiều tiền rõ ràng là có nhiều nguyên liệu hơn để dựng xây nên thành công so với đội bóng ít tiền. Có những MU, Arsenal, Dortmund, Barca,… hoặc tự mình sinh lời và phát triển, hoặc tự sản sinh tài năng, hoặc phát hiện tài năng giá rẻ, thì cũng phải có những Chelsea, Man City, PSG, Monaco muốn đi đường tắt khi họ có tiền.

Lối chơi và bộ khung của Real đã được định hình
 

Nếu các đội bóng “không hay vung tiền” cần luôn có kế hoạch dài hơi cho các lứa cầu thủ, thì các đội bóng nhà giàu có hai lựa chọn: cũng xây dựng lớp kế cận để duy trì đẳng cấp đạt được, hoặc chỉ cần duy trì được nguồn tài trợ là đủ. Thường thì các đội giàu chọn cách thứ hai, bởi dù sao, ông chủ của họ cũng không thể chờ đợi, và bản thân họ cũng khát khao được đi tắt khi đến với những ông chủ như thế, có thể vung tiền mùa này sang mùa khác.

Nếu chúng ta chê bai những đội bóng dựa vào đồng tiền để đi lên, cho rằng đẳng cấp không bao giờ mua được bằng tiền, thì chúng ta cần nhìn lại rằng, hai trong số những đội bóng có lượng fan đông nhất thế giới hiện nay thuộc về con đường đó: Real và Chelsea. Con đường này có thể không phải lựa chọn của những Dortmund, Arsenal, thậm chí Bayern, nhưng đơn giản đó là lựa chọn của Real và Chelsea.

Real hào nhoáng là thế, luôn là điểm đến kiêu hãnh cho những ngôi sao bậc nhất là thế, được mến mộ khắp nơi là thế, tất cả có được vì họ luôn chi ra những khoản tiền khổng lồ để liên tục làm mới đội hình. Người hâm mộ yêu những siêu sao, yêu những màn trình diễn của các siêu sao, và thế là họ yêu luôn đội bóng của 11 siêu sao. Nói thẳng ra, có lẽ đó là lý do duy nhất đối với khá nhiều người để dõi theo Real trong nhiều năm qua. Tương tự, không giàu truyền thống như Real, song Chelsea đã tạo dựng được hình ảnh rất nhanh, và đã có cho mình một chiếc cup Champions League cùng với nhiều triệu người hâm mộ.

Đẳng cấp không bền

Cứ tưởng tượng Real sẽ ra sao nếu mỗi mùa hè không được tiêu ít nhất 50 triệu bảng? Cứ tưởng tượng Chelsea sẽ thế nào nếu rời bỏ ông chủ người Nga? Và Man City, nếu không thể mua thêm cầu thủ, họ sẽ làm thế nào để mạnh hơn hiện tại? Việc người ta yêu thích những đội bóng mạnh mẽ về tài chính, mãn nhãn về kỹ thuật của các ngôi sao, âu cũng là chính đáng. Nó tạo thêm môi trường phô diễn chuyên môn,thêm nhiều sự cạnh tranh,hấp dẫn cho các đấu trường, thúc đẩy những câu lạc bộ khác phải phát triển. Tuy nhiên, chắc ai cũng đồng ý rằng, bóng đá là môn thể thao tập thể đòi hỏi rất nhiều yếu tố, và không thể ngự trị đỉnh cao nếu chỉ có tiền.

Đã hơn 10 năm Real không thể với đến chiếc cup Champions League dù họ liên tục cho ra mắt hết “dải ngân hà” này đến “dải ngân hà” khác. Thậm chí trước khi Mourinho xuất hiện, Real còn có thời gian dài “đứng từ xa mà nhìn” những vòng knock out cuối cùng. Chắc chắn không có câu lạc bộ nào chi nhiều tiền hơn Real cho chuyển nhượng, có lẽ họ cũng kiếm ra tiền từ danh tiếng của bản thân và của cầu thủ, song thành tích sân cỏ chẳng hề tương xứng với số tiền bỏ ra.

Thua Real về truyền thống đẹp đẽ, độ bóng bẩy ban đầu, nên những Man City, thậm chí Chelsea có thể bị chê bai vì lạm dụng kinh tế, nhưng có lẽ nếu họ cứ mạnh đều đều với những cầu thủ lớn, thỉnh thoảng có những danh hiệu quan trọng, thì chẳng có lý do gì lượng fan hâm mộ không ngày một tăng lên. Dẫu vậy, có vẻ cho tới lúc này, sự dựa dẫm vào tiền bạc cho thấy giá trị của nó không thể ổn định như những gì được đầu tư toàn diện, quy củ, có quá trình.

Những đội “mới giàu” như PSG hay Monaco thì chưa đạt được thành tựu gì to lớn,một phần vì họ quá lạc lõng giữa một giải đấu nghèo nàn. Man City thì dù đã thay mới khá nhiều nhân sự từ huấn luyện viên cho đến cầu thủ, sự bất ổn vẫn hiện diện, bất chấp họ sở hữu hàng loạt các ngôi sao hạng nhất. Mourinho cũng đang không có thời gian suôn sẻ với một Chelsea đầy phức tạp.

Nhìn lại bóng đá châu Âu từ ngày Real vô địch đến nay, chỉ có thêm một chức vô địch của Chelsea năm 2012 – nơi The Blues không thật mạnh hơn phần còn lại,chiến thắng chủ yếu nhờ lòng quả cảm và một chút may mắn. Còn lại, các đội bóng giành cup như Porto, AC Milan, Liverpool, Inter, Man Utd, Barca, và gần nhất là Bayern, họ đều không phải mẫu câu lạc bộ “sống bằng bom tấn”. Mỗi đội bóng ấy đều có một thời gian gây dựng,tiến bộ, chuẩn bị đầy chắt chiu, vun vén với những đồng tiền hợp lý, tận dụng những tài năng trẻ, để đi đến vinh quang.

Qua đó có thể thấy, xu hướng đi tắt đón đầu bằng nguồn lực tài chính là tất nhiên, là có lý. Tuy nhiên, để thành công lâu dài, muốn gì thì muốn, những đội bóng nhà giàu không thể “trốn” được việc tạo dựng một tổng thể hài hòa cho riêng mình. Đó là niềm kiêu hãnh, là kỷ luật, là sự ươm mầm, là tình yêu, là sự quảng bá hình ảnh.

Có lẽ tiền cũng mua được đẳng cấp thật, nhưng để thực sự sở hữu, hiểu và “bảo trì” được đẳng cấp đó thì cần nhiều nỗ lực hơn việc vung tiền. Giống như một câu nói quen thuộc “Cái gì mua được bằng tiền thì cũng có hạn sử dụng mà thôi”.

Theo Bongda

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X