Trong giai đoạn ngắn ngủi giữa hai cuộc thế chiến, bóng đá Liên Xô làm thay đổi nhận thức của người đương thời về cách vận hành chiến thuật theo kiểu "chủ nghĩa xã hội".
Sau cuộc cách mạng tháng Mười, bóng đá Liên Xô ít có sự cọ xát với những đội bóng nước ngoài mà vẫn chịu ảnh hưởng khá nhiều từ phong cách bóng đá Anh. Thế nên trong khi thế giới chuyển dịch dần sang sơ đồ W-M của Herbert Chapman thì các đội bóng ở Liên Xô vẫn sử dụng sơ đồ 2-3-5 cổ lỗ. Nhưng rồi một sự kiện vào năm 1937 đã thay đổi tất cả.
|
Bóng đá Liên Xô cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự cáo chung của chiến thuật W-M. |
Trong thời điểm cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha lên đến đỉnh điểm của sự căng thẳng, đội tuyển đại diện cho xứ Basque tới Liên Xô du đấu nhằm gây quỹ cũng như tuyên truyền về lực lượng kháng chiến đòi nền dân chủ cộng hòa chống lại chế độ phát xít độc tài Franco. Những vị khách tới từ Basque đem lại sự ngạc nhiên khủng khiếp cho người Nga bằng chiến thắng hủy diệt 5-1 trước Lokomotiv Moscow rồi sau đó đánh bại Dynamo Moscow với tỉ số 2-1.
Trận hòa 2-2 của đội Ngôi sao tuyển chọn Leningrad vãn hồi phần nào danh dự nhưng trận thua thảm hại 4-7 của đội Hội đồng Trung ương tuyển chọn - đội bóng mà người Liên Xô coi là mạnh nhất lúc bấy giờ - khiến tất cả bàng hoàng. Chính quyền Liên Xô không giấu nổi sự giận dữ để rồi đặt trọng trách lên vai Nikolai Starostin, huấn luyện viên của Spartak Moscow, niềm hy vọng cuối cùng cho việc cứu vãn thể diện của nền bóng đá Xô Viết.
Starostin nhận ra các đội bóng Nga gặp bất lợi do vận hành hệ thống chiến thuật lỗi thời. Để ngăn chặn trung phong Isodro Langara của đội tuyển xứ Basque, Starostin kéo một tiền vệ trung tâm về để tạo nên hàng phòng ngự ba người. Trước đó, Spartak Moscow từng thử phòng ngự bằng một phiên bản chiến thuật W-M trong một chuyến du đấu tại Na Uy nhưng sau trận thua Dynamo Moscow, họ lại trở về sơ đồ 2-3-5 thịnh hành ở Liên Xô. Trước tình thế không thể khác, canh bạc ba hậu vệ của Starostin rốt cuộc cũng thành công khi đánh bại đội tuyển xứ Basque với tỉ số 6-2.
Một cá nhân khác cần được nhắc đến trong cuộc cách mạng chiến thuật của bóng đá Liên Xô là Boris Arkadyev, chiến lược gia được bổ nhiệm tại Dynamo Moscow vào năm 1936. Phải cho đến sau chuyến du đấu của ĐT xứ Basque, Arkadyev cũng như hàng loạt chiến lược gia của Nga mới xem xét lại cách tiếp cận trận đấu. Với kinh nghiệm học hỏi được từ sau chiến thắng ĐT xứ Basque, Spartak Moscow với hệ thống chiến thuật mới của Starostin vô địch Liên Xô vào năm 1938 trong khi Dynamo Moscow của Arkadyev chỉ đứng ở giữa bảng xếp hạng.
Arkadyev đánh giá việc tìm ra phương án chiến thuật tốt quan trọng hơn là tập trung cải thiện chất lượng các cầu thủ. Ông quyết định cải tiến từ chiến thuật W-M và đến tháng 2/1940 tại trại Gagry, Arkadyev dùng hàng giờ để thuyết trình với cả đội về chiến thuật và cách tiếp cận trận đấu.
|
Boris Arkadyev với cuộc cách tân chiến thuật với bóng đá Liên Xô được coi là người đầu tiên sử dụng sơ đồ bốn hậu vệ. |
Ông nhận ra một số đội bóng đã sử dụng các cầu thủ di chuyển vượt ra khỏi phạm vi về vị trí truyền thống trong tấn công, một số cầu thủ có sức mạnh hay tốc độ tốt hơn so với những người cùng thời đã tự động chuyển vùng hoạt động khi thi đấu dù không nhận được yêu cầu cụ thể từ huấn luyện viên. Các cầu thủ này phá vỡ quan niệm truyền thống về di chuyển chiến thuật bằng cách hoán đổi vùng hoạt động trên sân. Điều đó khiến các hậu vệ đối phương khó theo kèm họ hơn.
Từ điểm đó, Arkadyev khuyến khích các cầu thủ di chuyển tự do trên sân càng nhiều càng tốt. Dynamo Moscow nhanh chóng định hình được phong cách chơi bóng với nhịp độ cao cùng những đường chuyền ngắn, cố gắng phá vỡ hệ thống của đối phương mà giới truyền thông lúc ấy gọi là "rối loạn tổ chức". Các đội bóng cố gắng ngăn chặn Dynamo Moscow bằng cách theo người một kèm một nhưng Arkadyev càng yêu cầu các học trò di chuyển nhiều hơn nữa, phá vỡ hệ thống phòng ngự của đối phương và mở ra nhiều khoảng trống.
Cây viết Frank Butler nhận xét trên Daily Express: "Việc bắt chết các cầu thủ giống như trò giải đố của Trung Quốc, họ chỉ đơn giản là di chuyển chỗ này một chút, chỗ kia một chút nhưng điều đáng chú nhất là họ không bao giờ dẫm chân vị trí với những người khác". Kết quả đến ngay tức thì, Dynamo Moscow vô địch Liên Xô vào năm 1940 với chỉ 4 trận thua, hiệu số bàn thắng dương 44.
Năm 1943, Arkadyev chuyển sang CDKA (nay là CSKA) Moscow. Ông tiếp tục trau dồi chiến thuật và chỉnh sửa lại theo thời gian để hiệu quả hơn. Một trong các tiền vệ được ông kéo xuống đá trong vai trò tiền vệ phòng ngự ở giữa sân, tạo thành một lớp lá chắn từ xa hỗ trợ ba hậu vệ trong phòng ngự. Một tiền đạo cũng được kéo xuống để lấp vị trí của người được bố trí đá tiền vệ phòng ngự khiến sơ đồ W-M dần chuyển thành 3-1-2-1-3. Nhiều sử gia bóng đá cho rằng Arkadyev là người đầu tiên phát minh ra hệ thống bốn hậu vệ.
Nền văn hóa tập thể của xã hội Xô Viết đương thời cũng ảnh hưởng rất lớn đến các đội bóng của Arkadyev. Sau mỗi trận đấu, các cầu thủ viết bản tự phê bình về mình trình diễn của bản thân cũng như đồng đội. Điều này giúp các cầu thủ tự hiểu về bản thân cũng như đồng đội xung quanh, góp phần tạo nên sự gắn kết trong đội. Khái niệm toàn đội là một khối thống nhất trong cả phòng ngự lẫn tấn công là một phần quan trọng với chiến thuật của Arkadyev. Đội bóng của ông gợi lên hình ảnh của đội tiền phong Xô Viết đương thời: Hiệu quả từ làm việc tập thể và sự siêng năng.
Đến thập niên 50, Gusztav Sebes kế thừa tư tưởng chiến thuật của Arkadyev và Yakushin để áp dụng cho đội tuyển Hungary. Giới báo chí đương thời gọi phong cách mà Sebes xây dựng cùng Hungary là "thứ bóng đá xã hội chủ nghĩa". Sebes không chọn các cầu thủ tốt nhất cho từng vị trí mà chọn ra đội hình tốt nhất, tức là chọn ra một tập thể mà các cầu thủ có thể phối hợp với nhau tốt nhất. ĐT Hungary bất bại trong 5 năm liên tiếp, hủy diệt ĐT Anh ngay tại sân Wembley (London) với tỉ số 6-3, đánh dấu cho sự chôn vùi của chiến thuật W-M.
* Lược dịch từ IBWM (Indebwithmaradona).
Như Đạt (TTVN)