(Bongda24h) - Khi trận đấu với Honduras tại Olympic Rio 2016 kết thúc, Son Heung Min gục xuống bãi cỏ và khóc nức nở khi biết các đồng đội sẽ bỏ lỡ hai năm trong sự nghiệp thi đấu để hoàn tất nghĩa vụ quân sự.
Kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Hàn Quốc vẫn nằm trong nhóm quốc gia đình chiến chứ không phải đã kết thúc chiến tranh. Cũng chính vì vậy, luật nghĩa vụ quân sự tại xứ sở kim chi cũng thuộc hàng khắt khe bậc nhất thế giới. Nam thanh niên bất kể ngành nghề, địa vị xã hội,... từ 18 đến 35 tuổi đều phải tham gia khóa nghĩa vụ quân sự trong vòng hai năm.
|
Son Heung Min bật khóc khi Olympic Hàn Quốc bại trận trước Honduras. |
Ngoài việc phải hứng chịu khổ cực từ các bài huấn luyện quân sự, hai năm cũng là quãng thời gian khá dài với một số ngành nghề đặc thù như lao động nghệ thuật hay thể thao. Dù được quyền chọn thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự nhưng chắc chắn ở thời điểm nào, sự nghiệp của các nam "thanh niên" xứ Hàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là các cầu thủ
bóng đá.
Chiến thắng hoặc đi lính
Trong trận tứ kết Olympic Rio 2016 gặp Honduras, Hàn Quốc bị đánh bại với tỉ số 0-1 sau pha lập công của Alberth Elis. Son Heung Min - cầu thủ đang thuộc biên chế Tottenham - gục đầu xuống sân khóc nức nở. Khi trận đấu kết thúc, tiền đạo 24 tuổi liên tục nói xin lỗi: "Tôi không thể ngừng khóc khi thấy có lỗi với các đồng đội. Tôi thậm chí không dám nhìn vào mặt họ".
Điều gì khiến một cầu thủ chuyên nghiệp cảm thấy mang gánh nặng tội lỗi như thế? Lứa Olympic Hàn Quốc trở về từ Brazil sẽ có rất nhiều cầu thủ phải bỏ lỡ hai năm sự nghiệp bóng đá để đi nghĩa vụ quân sự.
Với tuổi nghề của một cầu thủ trung bình khoảng hơn 10 năm, trong đó chỉ có 4-5 năm ở thời kỳ đỉnh cao phong độ thì việc đánh mất 2 năm cho việc đi lính chắc chắn là thảm họa. Đó là chưa kể sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, một cầu thủ liệu còn đủ kỹ năng thi đấu trong môi trường bóng đá đang thay đổi từng ngày?
Kể từ đầu năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra sự bổ sung với trường hợp được miễn nghĩa vụ quân sự. Tất cả các nam thanh niên nếu giành huy chương tại các giải đấu thể thao lớn cấp quốc tế, bao gồm cả những giải dành cho các trường đại học đều được miễn hai năm nghĩa vụ quân sự.
Cho đến năm 1980 do vấp phải sự phản đối của giới quân sự về việc "thiếu binh lính" cũng như dư luận xã hội, Chính phủ Hàn Quốc chỉ miễn nghĩa vụ quân sự cho những trường hợp giành huy chương tại các kỳ Olympic cũng như Asiad. Điều luật này cho đến nay vẫn đang vấp phải sự tranh cãi lớn trong xã hội Hàn Quốc.
Tiêu biểu là sự việc dở khóc dở cười tại Olympic London năm 2012. Chỉ vì đăng ký chậm một phút trước khi trận đấu bắt đầu, hậu vệ dự bị Kim Ki Hee không được miễn nghĩa vụ quân sự dù các cầu thủ cùng tới Anh năm đó đều thoát hai năm đi lính sau khi đánh bại Nhật Bản để giành huy chương đồng.
|
Bóng đá Hàn Quốc: Giành huy chương hoặc đi nghĩa vụ quân sự. |
Không phải ai cũng đồng tình với việc các vận động viên thể thao nói chung được miễn nghĩa vụ quân sự khi giành được huy chương tại các kỳ Olympic. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng thành tích cao trong thể thao là đủ để chứng minh sự trung thành cũng như tạo "niềm tự hào dân tộc".
Hàn Quốc rất ưu tiên phát triển quyền lực mềm nên việc các vận động viên giành huy chương được cho là giúp đất nước tăng sức mạnh về thứ quyền lực phi quân sự.
Tuy nhiên, nhiều người dân Hàn Quốc cảm thấy bất công. Trả lời phỏng vấn trên AP, Kim Min Seok - nhân viên văn phòng 38 tuổi tại Seoul - cho biết: "Chúng tôi phải đóng thuế để đào tạo vận động viên, thế nên việc miễn nghĩa vụ quân sự như một phần thưởng rõ ràng là không hợp lý".
Theo Cục Quản lý Nhân sự Quân đội Hàn Quốc, 80 vận động viên nam hiện đang nằm trong danh sách miễn hoặc rút ngắn bốn tuần nghĩa vụ quân sự vì đạt thành tích tốt trong thể thao. Con số này không nhiều nhưng vấn đề đặt ra là xã hội Hàn Quốc lo ngại khi được miễn nghĩa vụ quân sự, các nam vận động viên sẽ không còn động lực thi đấu nữa.
Trên thực tế, các vận động viên giành huy chương tại Olympic cũng nhận được mức bảo hiểm trọn đời của Chính phủ Hàn Quốc với 1 triệu won (tương đương 900 đô la Mỹ) mỗi tháng. Đó là chưa kể các khoản thưởng ngay sau khi vận động viên này đạt được thành tích cao.
Ha Taekwon, người từng giành huy chương đồng tại Olympic Sydney năm 2000 thừa nhận: "Miễn nghĩa vụ quân sự là động lực lớn nhất đối với tôi lúc đó. Sau khi trút được gánh nặng này bằng việc giành huy chương, tôi thấy mình tự buông lỏng bản thân hơn và cũng ít khát khao hơn".
Như Đạt