Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

Đằng sau nền kinh tế xuất khẩu cầu thủ của bóng đá Bồ Đào Nha

Thứ Tư 05/07/2017 15:44(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Mong ước của người Bồ Đào Nha là tìm ra con đường cân bằng về kinh tế để đủ khả năng từ chối những lời đề nghị bán cầu thủ nhưng chưa thể làm điều đó vào lúc này. Hy vọng vào tương lai thôi.

 
Tương phản với hình ảnh bình yên cỏ xanh nắng vàng như tranh sơn dầu, bầu không khí đầy áp lực luôn duy trì trên chính mặt cỏ của các trung tâm đào tạo trẻ. Những người trực tiếp tham gia vào công tác huấn luyện cầu thủ trẻ hiểu rằng họ phải tìm cách tạo ra những ngôi sao triệu đô, những Cris Ronaldo tiếp theo để góp mặt cứu vãn nền kinh tế đang bất ổn vì nợ công của Bồ Đào Nha. 
 
Bong da Bo Dao Nha Xuat khau cau thu la le song hinh anh
Lò đào tạo của Sporting CP đóng góp rất nhiều vào nền kinh tế xuất khẩu cầu thủ của bóng đá Bồ Đào Nha.

Tỉ lệ thất nghiệp của Bồ Đào Nha nằm trong top 3 tại khu vực các nước sử dụng đồng euro (Eurozone - PV), ở mức 12.6% vào cuối năm 2016, chỉ sau Tây Ban Nha và Hy Lạp. Tình trạng quản lý kém, nợ công cao,... khiến bong bóng kinh tế của đất nước nằm trên bán đảo Iberia có thể vỡ bất cứ lúc nào. Giờ thì bóng đá là niềm tia sáng để người dân lấy lại một chút hy vọng, không chỉ ở lòng tự tôn sau Euro 2016 mà cả kinh tế nữa. Bóng đá vượt qua cả phạm trù giải trí, bóng đá là kinh tế.
 
"Mọi người đều biết các cầu thủ của chúng tôi không hề rẻ, điều đó bắt nguồn từ lịch sử thành công của các thương vụ chuyển nhượng từ câu lạc bộ. Mỗi cầu thủ ra đi, ai cũng ước thầm họ sẽ thành công. Tại sao ư? Chúng tôi bán những cầu thủ ấy, họ mà thất bại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của câu lạc bộ" - Domingos Soares de Oliveira, Giám đốc Điều hành của Benfica chia sẻ về triết lý kinh doanh bóng đá gắn chặt với bán cầu thủ đặc trưng của Bồ Đào Nha.
 
Benfica, Porto và Sporting CP - ba câu lạc bộ lớn nhất Bồ Đào Nha - thu về tổng cộng 1 tỉ đô la Mỹ tiền bán cầu thủ trong vòng 6 năm qua. Mới đầu kỳ chuyển nhượng mùa hè tại châu Âu thôi nhưng bốn cầu thủ xuất thân từ các câu lạc bộ BĐN đã giúp đội bóng chủ quản thu về 160 triệu euro, bao gồm cả thủ thành đắt giá nhất thế giới Ederson Moraes gia nhập Manchester City. Phát triển đào tạo trẻ rồi bán cầu thủ đang là cách để các đội bóng Bồ Đào Nha có thể hoạt động một cách "khỏe mạnh" bất chấp bức tranh u ám của nền kinh tế đất nước. 
 
Sporting CP hiện đang có danh sách 54 cầu thủ đang thi đấu chuyên nghiệp từng trưởng thành từ lò đào tạo của câu lạc bộ, bao gồm cả Cris Ronaldo. Trong danh sách 20 câu lạc bộ thu về nhiều tiền từ bán cầu thủ nhất trong giai đoạn 2010-16, Benfica (414 triệu euro) và Porto (382 triệu) là hai câu lạc bộ duy nhất không nằm trong top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Cả hai đều đứng ở thứ hạng khá cao lần lượt là 4 và 5. Các đội bóng tại Bồ Đào Nha cũng đang có chiến lược bán cầu thủ một cách cực kỳ rõ ràng so với giai đoạn trước đó.

Bruno de Carvalho - Chủ tịch của Sporting CP - chia sẻ rằng khi ông nhậm chức vào năm 2013, tình trạng quản lý tồi tệ trong đội khiến ông thậm chí còn phải đắn đo khi trả hóa đơn điện. De Carvalho nhanh chóng thay đổi sách lược: "Các cầu thủ thời đó ra đi quá sớm và quá rẻ. Khi tới đây, tôi tự nhủ với bản thân rằng Sporting sở hữu một trong những học viện tốt nhất thế giới, thế nên học viện tốt nhất thế giới không thể bán cầu thủ như cái cách đã làm trong suốt thời gian qua".
 
Thế là Sporting CP quyết không bán các cầu thủ khi nhận được những lời đề nghị "rẻ mạt và đáng xấu hổ nữa". Thay vào đó, họ chỉ gật đầu với những lời đề nghị "xứng đáng với các cầu thủ". Cách làm của Bruno nhanh chóng thu về thành quả, bằng chứng là 4 trong số 10 bản hợp đồng bán ra đắt giá nhất trong lịch sử 111 năm tồn tại của CLB dưới thời vị chủ tịch trẻ tuổi đầy hoài bão. Nổi bật là Joao Mario đến Inter Milan với giá chuyển nhượng kỷ lục 45 triệu euro, gấp năm lần số tiền CLB bỏ ra trong một năm để duy trì hoạt động tại trung tâm đào tạo trẻ (9 triệu euro).
 
Dang sau nen kinh te xuat khau cau thu cua bong da Bo Dao Nha hinh anh 2
Các CLB của bóng đá Bồ Đào Nha xuất khẩu cầu thủ đi khắp thế giới.

Các câu lạc bộ khác cũng hoạt động theo mô hình tương tự để đảm bảo sự cân bằng về kinh tế. CEO của Benfica, Soares de Oliveira cho biết CLB đã thu về từ 70-80 triệu euro tiền bán cầu thủ mỗi mùa trong ba năm gần nhất để đủ sức vận hành cả một hệ thống lớn, trong bối cảnh chủ tịch cũ chỉ mới ra tù vì biển lận và những rắc rối với ngân hàng châu Âu. 
 
Để phát triển hệ thống đào tạo trẻ có hiệu quả, các CLB xây dựng mạng lưới tuyển trạch viên đến toàn bộ các học viện trên cả nước, các trường học và cả Nam Mỹ, một số vùng ở châu Phi để đảm bảo không lọt bất cứ tài năng trẻ nào. Đồng thời, các trung tâm đào tạo trẻ cũng có những phương án đào tạo riêng để biến những cầu thủ tiềm năng thành những bản hợp đồng có giá trị về kinh tế. 
 
Tiêu biểu là Benfica, Nuno Gomes, cựu tuyển thủ BĐN nay là giám đốc trung tâm đào tạo trẻ CLB thành lập một "nhóm" ưu tú gồm 40 cầu thủ tuyển chọn từ 240 học viên ở độ tuổi 13 đến 19. Nhóm cầu thủ này sẽ được hưởng đặc quyền so với những thành viên khác của học viện, điều đó thúc đẩy tất cả mọi người phải cố gắng để giữ chỗ trong nhóm, hoặc để được chọn vào nhóm. 
 
"So sánh với các câu lạc bộ lớn tại châu Âu, chúng tôi không đủ tiền để mua những cầu thủ giỏi nên buộc phải dựa trên cơ sở đào tạo trẻ. Chúng tôi đầu tư vào lĩnh vực của riêng mình" - Nuno Gomes chia sẻ lý do đầy bất đắc dĩ về nguyên nhân các đội bóng ở Bồ Đào Nha buộc phải "xuất khẩu" cầu thủ như một cách làm kinh tế.

Bồ Đào Nha hiện đang nằm trong nhóm các nước có nền kinh tế bất ổn tại châu Âu liên quan đến nợ công và những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi đầu thập niên mới. Theo Học viện Kinh tế và Quản lý Lisbon,  Benfica, Sporting và Porto tổng cộng đang cõng trên lưng khoản nợ 720 triệu euro, phần lớn trong đó đến từ việc xây sửa các sân vận động phục vụ cho Euro 2004 mà Bồ Đào Nha là chủ nhà. 
 
Kéo theo những khoản trả lãi ngân hàng từ nợ nần, Bồ Đào Nha cũng nổi tiếng với khả năng quản lý kinh tế rất yếu kém. Chính phủ Bồ Đào Nha tồn đọng rất nhiều khoản vay từ ngân hàng châu Âu để giải quyết nợ công cũng chỉ vì sự phình to của hệ thống nhân sự không cần thiết. Chính vì vậy mà trong nỗ lực giảm nợ công, rất nhiều người Bồ Đào Nha phải "ra đường" do chính phủ cắt giảm bớt nhân sự. Tất nhiên, điều đó tồn tại cả trong bóng đá.
 

Dang sau nen kinh te xuat khau cau thu cua bong da Bo Dao Nha hinh anh 3
Số tiền duy trì lò đào tạo của Benfica chỉ bằng một phần ba so với số tiền trả cho các tay cò chuyển nhượng mỗi năm.

Các câu lạc bộ tại Bồ Đào Nha phải trả khoản tiền rất lớn cho đám "cò" cầu thủ, hay gọi văn hoa hơn là người đại diện. Không phải ngẫu nhiên Jorge Mendes - một người Bồ Đào Nha - trở thành một trong những nhà môi giới cầu thủ quyền lực nhất châu Âu. Các đội bóng tại Bồ Đào Nha thường phải trả từ 30-50 phần trăm số tiền bán cầu thủ cho các tay cò.
 
Trước khi bị FIFA cấm, các tay cò chuyển nhượng thường sở hữu phần trăm nhất định trong quyền sở hữu cầu thủ. Khi cầu thủ đó được bán đi, các đội bóng sẽ phải trích cho họ khoản tiền tương ứng với phần trăm sở hữu cầu thủ. "Đám ăn cắp đáng khinh" - Bruno de Carvalho gầm lên giận dữ trong buổi họp đầu tiên sau khi nhậm chức chủ tịch Sporting Lisbon ngay tại phòng họp trong sân Alvalade.
 
Năm ngoái, Benfica phải trả cho các tay môi giới cầu thủ khoảng 30 triệu euro từ tiền bán cầu thủ. Số tiền này gấp ba lần những gì câu lạc bộ bỏ ra trong 1 năm để vận hành hệ thống đào tạo trẻ. Trong thương vụ bán thủ thành Ederson cho Man City, Benfica cũng chỉ được thu về một nửa trong khoản phí chuyển nhượng 35 triệu bảng, nửa còn lại được chia cho đội bóng cũ và công ty của "siêu cò" Jorge Mendes. 
 
Các CLB tại Bồ Đào Nha hy vọng lệnh cấm các công ty môi giới có tên trong quyền sở hữu cầu thủ sẽ giúp họ thu về khoản tiền lớn hơn. Qua đó, Benfica, Sporting, Porto hay các đội bóng khác có thể phát triển để một ngày nào đó, những cầu thủ trụ cột sẽ ở lại nhằm bắt kịp sức mạnh của các đội bóng nằm trong top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu.
 
"Mục tiêu của chúng tôi là tìm ra con đường cân bằng về kinh tế để đủ khả năng từ chối những lời đề nghị bán cầu thủ. Thực sự chúng tôi chưa thể làm điều đó vào lúc này. Hy vọng vào tương lai thôi" - Nuno Gomes.
 
N.D (TTVN)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X