Thứ Năm, 26/12/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá Afghanistan: Tình yêu nảy mầm trong bão lửa

Thứ Tư 26/07/2017 14:27(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bất chấp bom đạn cùng sự chia cắt do xung đột chính trị, bóng đá Afghanistan vẫn nảy mầm mạnh mẽ trong bão lửa của chiến tranh.

 
Nhắc tới Afghanistan, bạn nhớ tới điều gì? Chiến tranh, xung đột sắc tộc, nghèo đói và cả cái chết rình rập khắp nơi. Thế còn bóng đá? Lần gần nhất bóng đá Afghanistan- đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh - được giới truyền thông quốc tế nhắc tới là khi tấm ảnh gây xúc động mạnh mẽ về cậu bé Murtaza Ahmadi được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
 
Bong da Afghanistan Tinh yeu nay mam trong bao lua hinh anh
Lần gần nhất bóng đá Afghanistan được giới truyền thông quốc tế là nhờ bức ảnh của cậu bé Murtaza Ahmadi.

Murtaza Ahmadi trải qua tuổi thơ 5 năm đầu đời tại Ghazni, một vùng thuộc miền đông Afghanistan. Giống như nhiều miền quê nghèo đói kiệt quệ vì những cuộc xung đột, bóng đá là thứ xa vời với những cậu bé như Ahmadi. Điều đó chẳng thể cản trái tim của cậu bé hòa cùng nhịp đập bóng đá, cậu bé vẫn chơi bóng trong làng với chiếc "áo đấu" đội tuyển Argentina tự chế từ chiếc túi nilon viết thêm tên ngôi sao Lionel Messi nguệch ngoạc. 
 
Hình ảnh đó gây xúc động mạnh mẽ giúp Ahmadi được gặp mặt trực tiếp thần tượng Messi tại Doha (Qatar) vào tháng 12/2016. Sau đó, Ahmadi được Messi dẫn ra sân trong trận đấu giao hữu giữa Barcelona với Al-Ahli. Những tưởng khi hình ảnh đó được truyền đi, cậu bé 5 tuổi sẽ có một cuộc sống tốt hơn ở quê nhà. Nhưng...
 
"Tôi phải bán toàn bộ đồ đạc trong nhà, rời khỏi Afghanistan để giữ cho con trai cùng toàn bộ gia đình được sống sót" - Bố của Ahmadi ngậm ngùi chia sẻ tại Pakistan, nơi gia đình cậu bé phải xin tị nạn ở đây sau khi liên tục phải nhận những lời dọa giết qua điện thoại. Ahmadi mới 5 tuổi thôi, thế nhưng người ta cố tìm cách sát hại cậu bé cùng toàn bộ gia đình vì "truyền bá văn hóa phương Tây" tại quê nhà Afghanistan, nơi những cuộc xung đột chưa bao giờ chấm dứt, nơi những kẻ cực đoan vẫn lảng vảng ở đó để sẵn sàng hạ sát bất cứ ai làm trái ý chúng.
 
Rời khỏi miền đất quê hương một cách không mong muốn, dù Ahmadi cùng gia đình có thể khắc khoải về nơi chôn rau cắt rốn nhưng ít nhất, cậu bé vẫn có thể lớn lên để làm những gì mình muốn, được tự do và an toàn. Nhưng vẫn còn hàng chục, hàng trăm nghìn cậu bé khác ở Afghanistan không dám mơ về trái bóng để đảm bảo mạng sống cho bản thân và gia đình.
 
Tình yêu nảy mầm trong bão lửa
 
Bất chấp điều kiện sống khắc nghiệt do thiên nhiên và phần lớn là do con người tạo ra, tình yêu bóng đá vẫn nảy nở trên sa mạc khô cằn ở Afghanistan. Năm 2012, Afghan Premier League (APL) - giải vô địch quốc gia Afghanistan - chính thức ra đời cùng năm NATO tuyên bố rút quân khỏi đất nước vùng Trung Đông. Afghan Premier League chỉ có 8 đội tham dự, diễn ra từ tháng 8-10 hàng năm với tất cả 18 trận đấu và thi đấu ở hai sân vận động trong duy nhất một thành phố là thủ đô Kabul.
 
Bong da Afghanistan Tinh yeu nay mam trong bao lua hinh anh 2
Trận chung kết giữa Shaheen Asmayee với De Maiwand Atalan cho thấy bóng đá Afghanistan đang rất được người dân yêu thích.

Trên thực tế, bóng đá du nhập vào Afghanistan từ khá sớm. Năm 1933, Liên đoàn Bóng đá Afghanistan (AFF) được thành lập và chính thức được công nhận là thành viên của FIFA vào năm 1948. Đội tuyển Afghanistan có trận thi đấu quốc tế chính thức đầu tiên tại Olympic London vào cùng năm 1948, thua 0-6 khi gặp Luxembourg. Đến năm 1954, AFF là thành viên của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).
 
Dưới chế độ Taliban từ năm 1996-2001, bóng đá vẫn được công nhận nhưng các sân vận động trở thành nơi nên tránh xa chứ không phải đáng đến. Những cuộc bắt bớ ngay khi trận đấu diễn ra, các cuộc đụng độ vì xung đột sắc tộc,... tạo ra bầu không khí nguy hiểm ở bất cứ đâu, sân bóng cũng chẳng ngoại lệ. 
 
Đôi khi, giờ nghỉ giữa hai hiệp trong các trận đấu trở thành nơi hành quyết công khai của chính quyền Taliban. Thay vì là nơi giải trí, mặt cỏ đẫm máu trở thành một công cụ đe dọa. Ngay cả khi chiến tranh kết thúc, một chính phủ mới thay thế Taliban, bầu không khí nguy hiểm vẫn chưa chấm dứt. Đó là lý do tất cả các trận đấu tại APL chỉ diễn ra tại thủ đô Kabul.
 
Sống trong nền kinh tế èo uột do sự tàn phá của chiến tranh và những cuộc xung đột chưa bao giờ chấm dứt, bóng đá Afghanistan cũng sống nhờ nguồn viện trợ nước ngoài. Từ năm 2005 đến nay, FIFA đã đầu tư tổng cộng 1.5 triệu đô la Mỹ cho việc xây dựng trụ sở LĐBĐ Afghanistan cũng như cải thiện chất lượng mặt cỏ tại các sân vận động ở thủ đô Kabul. LĐBĐ Đức và Anh cũng chung tay giúp nền bóng đá Afghanistan bằng những chuyến tập huấn kỹ năng huấn luyện viên miễn phí.
 
Chính phủ các nước cũng vào cuộc. Năm 2013 khi tới thăm doanh trại Bastion, nguyên thủ tướng Anh David Cameron và cựu danh thủ Michael Owen đã thuyết phục LĐBĐ Anh mang một số tài năng trẻ của bóng đá Afghanistan tới tập luyện tại St George’s Park. Chính phủ Nhật Bản giúp lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tại các sân vận động để giúp các trận đấu có thể diễn ra vào buổi tối, thời điểm người dân Afghanistan có thể theo dõi môn thể thao yêu thích qua TV.
 
Tại Afghanistan, TV gần như là phương tiện giải trí duy nhất để người dân từ khắp các vùng miền có thể tiếp cận với bóng đá. Tất cả các trận đấu tại APL đều được phát sóng trên hai kênh truyền hình quốc gia là TOLO và Lemar TV.

Chương trình bóng đá được yêu thích nhất tại Afghanistan ngoài các trận đấu là "cỏ xanh", một chương trình truyền hình thực tế mời một số cầu thủ tham dự. Dù nội dung đôi khi có hơi cường điệu nhưng không thể phủ nhận "cỏ xanh" giúp người dân gần gũi với bóng đá hơn trong quãng thời gian APL không thi đấu ở phần còn lại của năm.
 
Giá vé rẻ cũng là một lợi thế giúp các CĐV Afghanistan có thể đến sân vận động cổ vũ cho đội bóng mình yêu thích. Giá vé phổ thông là 0.5 đô la Mỹ cho mỗi trận, còn ghế VIP là 1.5 đô la. Điều đó giải thích vì sao các cầu thủ bóng đá ở Afghanistan không hẳn là những người giàu có khi mức lương mỗi ngày được nhận vào khoảng 12 đô la, tức hơn 3.000 bảng mỗi năm, không bằng một góc thu nhập trong mỗi tuần của các cầu thủ đang thi đấu tại giải ngoại hạng Anh.
 
Bong da Afghanistan Tinh yeu nay mam trong bao lua hinh anh 3
Đội tuyển bóng đá Afghanistan nằm cùng bảng với ĐT Việt Nam tại vòng loại Asian Cup 2019.

Dù vậy, sự thu hút của bóng đá chỉ có tăng lên. Năm 2006, có khoảng 20.000 Afghanistan đăng ký làm cầu thủ thì con số này đã tăng lên hơn 54.000 người vào năm 2015. Đáng khích lệ hơn, có khoảng 1.000 người đăng ký tham gia thi đấu bóng đá nữ, điều chưa bao giờ xuất hiện tại quốc gia theo đạo Hồi mà vai trò của người phụ nữ vẫn còn bị coi nhẹ.

Vào ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 mới đây, Hummel - hãng đồ thể thao đến từ Đan Mạch - đã thiết kế mẫu áo đấu cho đội tuyển bóng đá nữ Afghanistan cùng chiếc khăn choàng Hijab truyền thống của người phụ nữ theo đạo Hồi.
 
Hồi đầu năm, nhà đương kim vô địch APL, Shaheen Asmayee đánh dấu cột mốc quan trọng khi trở thành câu lạc bộ đầu tiên của Afghanistan được tham dự một trận đấu tại AFC Cup (giải đấu tương đương Europa League tại châu Âu - PV). Dù bị loại ngay từ vòng play-off khi để thua 0-1 trước CLB Khosilot Farkhor của Tajikistan sau hai lượt trận nhưng đây cũng là bước tiến để nền bóng đá Afghanistan có thể tin tưởng vào tương lai tươi sáng hơn.
 
Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Afghanistan cũng có những thành công đáng chú ý. Họ vô địch Nam Á năm 2013 bằng cách đánh bại Ấn Độ với tỉ số 2-0 ở trận chung kết. Mục tiêu tiếp theo của ĐT Afghanistan là lọt vào vòng chung kết bóng đá châu Á được tổ chức tại UAE vào năm 2019. Hiện tại, ĐT Afghanistan đang đứng bét bảng C tại vòng loại, bảng đấu có sự hiện diện của ĐT Việt Nam, Jordan và Campuchia sau hai vòng đầu tiên. 
 
ĐT Afghanistan cũng có những cái tên đáng chú ý như Milad Salem, tiền đạo sinh ra tại Kabul đang thi đấu trong màu áo CLB SV Elversberg, một câu lạc bộ tại giải hạng 4 ở Đức. Tiền vệ mới 20 tuổi, Noor Husin thậm chí đang thuộc biên chế Crystal Palace, một CLB đang thi đấu tại Premier League (Anh). Hiện tại, Noor Husin đang thi đấu theo dạng cho mượn tại Accrington Stanley, CLB đang thi đấu tại League Two, tương đương với hạng 4 ở Anh.
 
Trận chung kết gần nhất của APL diễn ra vào năm 2016 giữa De Maiwand Atalan, một CLB đến từ vùng Đông Nam Afghanistan, nơi tầm ảnh hưởng của chế độ Taliban ở đây vẫn còn rất mạnh mẽ. Đối thủ của họ là đội bóng ở thủ đô Kabul, Shaheen Asmayee được tin là thân cận với chính phủ mới. Sân AFF tại thủ đô Kabul chật kín khán giả trong một trận đấu mang đúng tính chất về sự chia rẽ vùng miền ở Afghanistan. 
 
Khoảng 57% khán giả tiềm năng trên cả nước theo dõi trận đấu này, là tín hiệu lạc quan cho sự thống nhất đất nước bất chấp những xung đột về mặt chính trị thông qua bóng đá. Chris McDonald, một thành viên đồng sáng lập Afghanistan Premier League chia sẻ trên BBC: "Bóng đá dần trở thành niềm đam mê tại đây, đem lại niềm vui cùng sự hạnh phúc, đó là động lực để chúng tôi tiếp tục". 
 
* Theo Guardian.
 
Như Đạt (TTVN)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X