Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Bayern vô địch Champions League: Từ nỗi đau và sợ hãi, chiến thắng nở hoa

Thứ Hai 27/05/2013 11:52(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Một tập thể đã quen với việc gục ngã ở ngưỡng cửa thiên đường. Và một cầu thủ thất bại "chuyên nghiệp" trong đội hình. Cuộc "hôn phối" tưởng chừng đã dán vào trán họ hai từ "thất bại" cuối cùng cũng đã đem đến cái kết có hậu: Chiếc Cúp C1/Champions League lần thứ năm trong lịch sử.

Họ đi đến chung kết bằng sức mạnh tưởng chừng không thể ngăn cản. Họ đã đè bẹp đội bóng được coi là mạnh nhất thế giới lúc này, Barcelona, với tổng tỉ số 7-0 sau hai lượt trận bán kết. Họ mạnh mẽ, được tổ chức tốt, tấn công và phản công đều khủng khiếp. Một tập thể gần như hoàn thiện, với những cá nhân siêu việt.

Nhưng đôi khi, những gì tốt đẹp của hiện tại chỉ biết câm lặng khi liếc nhìn về phía sau.

bayern
 

Vượt qua ám ảnh thất bại

Bayern đã thua đến 2 trận chung kết Champions League trong 3 năm trở lại. 7 cầu thủ đá chính của Bayern đứng trên Wembley vào rạng sáng 26/5 đã ở bên nhau trong nỗi đau Allianz một năm về trước. Đội bóng ấy mang đến Wembley thân xác của hiện tại, nỗi đau của quá khứ, và cả hoài nghi về tương lai.

Đội bóng ấy mềm yếu hơn ta tưởng. Đôi chân nhón bước vì sợ giẫm phải mảnh vụn quá khứ, và trái tim dùng dằng trong một cuộc chia ly. Liệu sau triều đại của Jupp Heynckes là những gì? Và nếu Bayern lúc này đang được thừa nhận là đội bóng mạnh nhất, thì tại sao còn phải cần Pep Guardiola?

Thất bại không chỉ là chuyện mất đi 1-2 chiếc Cúp. Nó còn giày vò, và ám ảnh họ. Khi bạn thường xuyên vấp ngã, thì hình ảnh của hiện tại, dù mạnh mẽ và hào hùng cỡ nào, đôi khi cũng phải cúi đầu trước những ám ảnh ấy.

Một cầu thủ thất bại

Tập thể đã quen với thất bại, cũng đang nuôi dưỡng một cầu thủ thất bại: Arjen Robben. Anh đã chơi 4 trận chung kết trong 3 năm, và thua tất cả. Năm 2010, anh có lẽ đã nguyền rủa Iker Casillas. Không có Casillas, anh và người Hà Lan có lẽ đã vô địch thế giới lần đầu tiên trong lịch sử.

Chung kết Champions League 2010, anh có lẽ đã nguyền rủa số phận. Inter Milan 3 năm trước đơn giản là quá mạnh. Cuộc cách mạng bóng đá của người Đức vẫn chỉ dừng lại ở mức tiềm năng: Họ giành hạng Ba ở World Cup năm ấy, và rất nhiều cầu thủ làm nên chiến thắng của ngày hôm nay vẫn còn chưa được thừa nhận. Thomas Mueller, sau khi tỏa sáng ở Nam Phi (giành giải Vua phá lưới và Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất), thậm chí khi ấy mới được công chúng biết đến tên.

Robben có lẽ cũng đã nguyền rủa cả chính mình. Một năm trước, anh có thể đã giành được tất cả. Nhưng cũng chính anh tự buông lơi tất cả. Bayern thời điểm ấy cũng được cho là một ứng viên hàng đầu cho chức vô địch. Họ được chơi trận chung kết trên sân nhà. Họ dẫn đối phương cho đến những phút thi đấu chính thức cuối cùng. Họ được hưởng một quả penalty trong hiệp phụ. Nhưng rốt cục, Robben đá hỏng, và đội bóng thua trên chấm phạt đền.

Arjen Robben mang đến Wembley những day dứt, và một tính cách dường như đã trở thành bản chất của anh và rất nhiều người Hà Lan: Rất giỏi, nhưng không thể lớn. Sự sợ hãi của Bastian Schweinsteiger (không dám nhìn đồng đội đá 11 mét, và cuối cùng thì chính mình lại đá hỏng) được xem là sự "thoái hóa" của bản lĩnh Đức truyền thống: Mềm mại, giàu tinh thần tấn công, nhưng không thể đứng vững trong những thời khắc sinh tử.

Đó được xem là điểm yếu của đội Bayern của năm ngoái, vốn được xem như phiên bản khá hoàn thiện về mặt kỹ chiến thuật.

Bản lĩnh còn thiếu

Quá khứ vẫn lăn theo quả bóng ở Wembley. Mỗi lẫn tiến đến gần chiến thắng, Bayern cũng như tiến gần cả những nỗi đau có thể được nhắc lại, nếu họ không chiến thắng được chính mình.

Cả Robben cũng vậy. Mỗi lần nhìn thấy thủ môn đối phương, trong tâm trí anh có lẽ cũng xuất hiện một vực thẳm. Nó có thể đã nuốt chửng tiền vệ người Hà Lan, nếu anh không biết dừng lại đúng lúc.

Chúng ta nhìn rõ thấy sự sợ hãi và luống cuống của Robben, lẫn các cầu thủ Munich trong nhiều thời điểm. Tiền vệ người Hà Lan không đủ điềm tĩnh để dứt điểm chính xác trong những pha đối mặt: Anh thậm chí sút thẳng vào mặt thủ môn Roman Weidenfeller trong hiệp hai. Đường căng ngang cho Mario Mandzukic mở tỉ số trong hiệp một không làm cho đôi chân pha lê tự tin hơn. Anh thậm chí còn phải nhận một thẻ vàng sau khi kéo áo Guendogan trong một tình huống bứt phá cuối trận.

Nhưng tình huống phút 89 cho thấy sự điềm tĩnh và "thanh thản" vô cùng của Robben: Băng qua hàng thủ Dortmund như một cơn gió thoảng, và cú dứt điểm đầy tinh tế.

Đó là thời khắc mà cả anh lẫn Bayern đều đã xóa tan những ám ảnh đã níu lấy đôi chân họ trong 88 phút trước đó. Đội bóng này thực sự quá mạnh, và nếu không phải là những nỗi đau lặp đi lặp lại, không có ai ngăn cản nổi họ, trừ chính họ.

Bản lĩnh ấy là mảnh ghép còn thiếu của Bayern, và có lẽ là của cả nền bóng đá đang chuyển mình chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế sau một cuộc cách mạng kéo dài gần một thập niên.

Đôi khi để chạm tay đến vinh quang, ta chỉ cần nhận thức rõ ràng được giá trị của bản thân mình, để ứng xử đúng với nó mà không biết sợ hãi. Bayern cuối cùng đã hiểu ra rằng, một đội bóng tốt như họ không xứng đáng phải chờ lâu đến thế, để đứng trên đỉnh châu Âu.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X