Thứ Ba, 15/10/2024Mới nhất
Zalo

Barcelona: Thích nghi với những chiếc xe bus

Thứ Tư 20/02/2013 15:20(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chúng ta đã nói về một hàng thủ kém nhất và một hàng công Barca mạnh nhất trong 5 mùa giải gần đây trên bình diện Liga tính đến hiện tại (dựa trên số bàn thắng/thua). Liệu đây đơn thuần là Barca lấy công bù thủ và đó có là lựa chọn đấu pháp của họ ở Champions League?

Luôn hướng về phía trước

Hãy nhìn tư tưởng chơi bóng chủ đạo của cả đội ở thời kì “hậu Pep”: Điều Barca cần để chiến thắng là gia tăng sức tấn công, không phải lấy an toàn làm trọng. Họ tấn công tốt khi hàng thủ thủng lỗ chỗ (những thời điểm vắng cả Pique, Puyol, Alves), khi có đủ tuyến sau vững chãi, khi đã dẫn trước đối thủ cách biệt, tấn công không phân biệt sân đấu và ai cũng có quyền ghi bàn! Alba được mua về phục vụ mặt trận tấn công và anh là hậu vệ trái hoàn hảo với ý đồ đó. Alba bổ sung một “nhánh” công phá mà Barca “bỏ quên” suốt 4 mùa qua. Với Barca, chỉ thêm một mũi nhọn nhưng thêm nhiều phương án hãm thành.

Với Alba (trái), sức tấn công của Barca càng khủng khiếp hơn.
Với Alba (trái), sức tấn công của Barca càng khủng khiếp hơn.

Barca luôn dâng rất cao đội hình, tấn công 2 biên biến hóa với khả năng đột kích liên tục của Alba. Với Alba, Iniesta có thêm người chia lửa, Messi có người để “xẻ” những pha bóng quen thuộc ra cánh. Khi không gian triển khai bóng được mở rộng hiệu quả, sức tấn công của hàng tiền vệ cũng được gia tăng. Hãy nhìn Fabregas, anh được “giải phóng”, chơi hay lên, có đất riêng để chơi bóng, Iniesta nữa. Busquets cũng nổi bật, như một chiếc “ổn áp” giữa sân, trong bối cảnh cả đội lao lên.

Barca cũng điều tiết nhịp độ tấn công tinh diệu hơn trước. Họ vẫn ghi bàn khi đã dẫn trước dù có thể lên bóng chậm rãi hơn, nhưng không bị mất tập trung để thủng lưới như các mùa rồi. Tấn công liên tục nghĩa là dễ bị phản đòn. Nhưng Barca mùa này biến “bị” phản công thành “được” phản công. Khi đối thủ bắt đầu nhìn thấy con đường tiến vào khung thành Barca rộng mở hơn và sẵn sàng lao lên, kết cấu phòng ngự của họ dễ bị phá vỡ, và Barca biết cách biến những chiếc “xe bus” các mùa trước thành đống sắt gỉ. Osasuna, Espanyol, Atletico, Sevilla hay sân khách nói chung không còn là trở ngại với Barca.

Đây là sự lựa chọn chiến thuật tinh tế của ban huấn luyện. Thực chất, Barca đã thay đổi từ mùa trước, khi mọi đối thủ đã quá hiểu họ, nhưng họ không kịp thích ứng với chính mình trên khía cạnh chiến thuật và vận hành. Bây giờ, cả đội kiên trì với cách chơi bóng đấy (19 bàn được ghi ở 15 phút cuối trận qua 24 vòng), họ đã thành công.

Vì vậy, không nên cho rằng hàng thủ Barca kém (thua 27 bàn/24 trận), hay Barca lấy công bù thủ. Thậm chí, Barca lấy “thủ bù công”. Họ chỉ có ít phương án thay thế hữu hiệu tuyến sau và chống bóng bổng không tốt (chuyện cũ). Với các trung vệ và hậu vệ biên dâng cao như tiền vệ, xác xuất rủi ro là đương nhiên. Nhưng cái được của Barca lớn hơn mất nhiều: Sau 24 vòng là 80 bàn và 65 điểm (cao nhất trong 5 mùa gần đây, ngang với mùa 2010-11)

Nhưng cũng cần sự cân bằng

Champions League là một sân chơi khác, nhiều trường phái bóng đá hơn, nhưng cũng chỉ có một công thức chặn Barca: “xe bus”. Dù vậy, không phải CLB nào cũng lui về một cách tiêu cực, Milan là một đội như vậy và Barca cũng cần thích nghi.

Có những trải nghiệm cần được gợi lại: Tại San Siro, mùa 2009-10, Barca đã dẫn trước, nhưng vẫn lao lên và thua ngược 1-3 trước Inter tại bán kết. Cũng tại đây, vòng tứ kết năm ngoái, Pep thận trọng tung Keita vào để tăng độ an toàn cho Barca trước Milan (Barca đá với 4 tiền vệ, hòa 0-0). Lựa chọn nào cho BHL Barca lúc này?

Trận thua Sociedad chỉ là 1 tai nạn, nhưng thua Celtic thì không hẳn, đó là bài học cũ. Dù đã thành công với việc chơi pressing liên tục tại Liga, Barca có thể sẽ không quá mạo hiểm dâng cao đội hình như tại Liga. Các trận cầu ở Champions League sẽ để ngỏ cho Barca dịp nâng cao hơn nữa năng lực kiểm soát thế trận của mình. Áp đặt thế trận thì Barca vô địch, nhưng khi hàng công chưa ghi bàn, hàng thủ cần chứng tỏ vai trò để duy trì sự cân bằng.

Milan vẫn có độ kết dính trong triển khai bóng và phản công không tồi, nhưng họ thiếu thủ lĩnh. Năm ngoái, Nesta và Seedorf còn đây. Người đầu “giữ” Messi và người sau giữ bóng. Không có họ, nghĩa là Barca còn có bóng nhiều hơn nữa, cơ hội ăn bàn còn cao hơn nữa. Nhưng Barca sẽ tấn công tới cùng tại San Siro? Không, vẫn còn lượt về, điều quan trọng là ghi bàn và bảo vệ thành quả ấy. Với một Barca đã chứng tỏ sự tiến bộ trong việc điều tiết nhịp độ tấn công ở Liga, có thể chờ đợi họ cũng làm được điều này tại Champions League.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X