Không phải đến giờ này, sau trận thua Atletico Madrid thì Barelona mới cần phải suy nghĩ lại về lối đá tiki-taka đang chết dần, chết mòn.
1. Lần đầu tiên kể từ năm 2007, Barcelona mới lại không lọt vào bán kết Champions League. Lần đầu tiên kể từ năm 2002, Barcelona mới lại chơi một trận ở đấu trường này mà không có cả Victor Valdes, Carles Puyol và Gerard Pique.
Song, đây không phải là lần đầu mà Barcelona nhận ra những lỗ hổng của lối đá tiki-taka, từng giúp họ trở thành một trong những CLB vĩ đại nhất hành tinh. Thất bại với tổng tỉ số 1-2 trước Atletico Madrid chứng tỏ tiki-taka đã thực sự lỗi thời.Barcelona chưa thực thực sự tỉnh ngộ sau khi được Bayern 'cho uống 7-Up'
Ở lần này, Atletico sử dụng một lối đá đơn giản hơn rất nhiều so với hai lần trước đó. Đánh bại tiki-taka, Rojiblancos không vác cả “chiếc xe bus” đặt trước khung thành giống Chelsea từng làm năm 2012. Họ không khoa học, “lập trình” các cầu thủ để tạo nên cả một thế trận tấn công mọi ngóc ngách trên sân như Bayern Munich năm 2013.
Atletico phòng ngự và phản công với tốc độ, sự quyết liệt trong từng pha bóng lên đến mức đỉnh điểm. Khi phòng ngự, họ là một khối thống nhất. Lúc tấn công, cả khối mảng đỏ- trắng chuyển trạng thái với tốc độ rất cao, đồng loạt lao lên phía trước, mang theo sức mạnh hệt như một đợt sóng thần đã âm ỉ từ lâu dưới đáy đại dương.
2. Khi Bayern vùi dập Barcelona với tổng tỉ số 7-0 ở bán kết Champions League 2013, nhiều ý kiến cho rằng thất bại đó xuất phát từ việc Lionel Messi dính chấn thương và các cầu thủ Bayern đạt đỉnh phong độ. Ít ai dám khẳng định rằng, tiki-taka lúc đó đã thực sự lỗi thời mà chỉ đùa vui với bảng tỉ số khi hài hước nói rằng: “Bayern đã cho Barcelona uống 7-Up”.
Chính vì thế, sau 12 tháng, với biết bao đổi thay, Barcelona vẫn kiên trì chơi tiki-taka, bất chấp luôn cả việc HLV Gerard Martino cố gắng thực hiện cách mạng bằng luồng gió thực dụng hơn, đa dạng hơn. Để rồi, sau thất bại trước Atletico, sự đỗ vỡ của tiki-taka chẳng khác nào hiện tượng deja-vu, tức là nhìn thấy trong não bộ, suy nghĩ ra trước rồi mà không nhớ, chỉ đến lúc gặp lại thì mới “trông quen quen”.
Barcelona đã quá dễ dãi cho phép lịch sử thất bại đầy cay đắng của tiki-taka lặp lại. Lần này, họ không thể đổ lỗi cho hàng thủ sứt mẻ bởi hàng công của họ đã có thêm Neymar, Febregas - những ngôi sao tấn công đẳng cấp hàng đầu thế giới và nhất là họ vẫn kiểm soát bóng tới hơn 70% thời gian của trận đấu.
3. Sau trận đấu, để đáp lại những lời HLV Simeone nói, “đã không cho những bộ óc của Barcelona - Xavi, Iniesta có thời gian suy nghĩ để mà triển khai bóng”, Xavi cho rằng: “Tôi không biết liệu có đúng khi nói Atletico xứng đáng giành chiến thắng. Chúng tôi đã bỏ lỡ tới bốn, năm cơ hội. Họ chỉ thắng trong 15 phút đầu thôi”.
Với tất cả sự tôn trọng, khi xem lại những diễn biến chính của trận đấu, hầu như ai cũng có thể thấy Xavi đã sai. Bỏ qua 15 phút đầu tiên, số cú sút hướng về phía khung thành của Atletico không thua kém là bao so với Barcelona, 8 so với 9.
Quan trọng hơn, trong khoảng thời gian đó, Pinto và... xà ngang đã 5 lần cứu những bàn thua trông thấy cho Barcelona, trong khi Courtois không phải vất vả gì nhiều vì những cú dứt điểm nguy hiểm của Messi, Neymar và chính Xavi đều đi ra ngoài.
Từ “7-Up” của “ngày hôm qua” đến Atletico của ngày hôm nay là cả một chặng đường dài. Dẫu biết có những trường phái bóng đá sẽ trường tồn rất lâu cùng thời gian. Song, điều gì cũng có “thời” của nó. Trái đất luôn chuyển động để khiến những thứ không chuyển động sẽ đi về phía trước, trước khi quay lại điểm bắt đầu.
Barca cần thay đổi, hay chí ít là tiki-taka cần một phiên bản khác. Một phiên bản khác như những gì đã giúp trường phái tấn công tổng lực kiểu Hà Lan hay Catenaccio của người Ý còn tồn tại trong hơi thở bóng đá hiện đại.
Theo VTC