Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Bao giờ người Anh mới lại có Quả bóng Vàng?

Thứ Năm 10/01/2013 20:04(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong cái ngày mà Messi lần thứ tư bước lên đỉnh thế giới, người Anh, chủ sở hữu giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, có cảm thấy chạnh lòng?

1. Lần cuối cùng có một người Anh giành Quả bóng Vàng là Michael Owen hồi năm 2001. Lần gần nhất người Anh xuất hiện trên podium là hồi năm 2005 với cặp Lampard, Gerrard. Ở Gala trao giải đêm qua, người Anh thậm chí không có nổi một đại diện nào trong đội hình tiêu biểu FIFA. Trong danh sách 23 ứng viên Quả bóng Vàng, Rooney là cầu thủ mang quốc tịch Anh duy nhất, đồng thời là một trong số những cái tên bị đánh giá thấp nhất.

 

12 năm cho một danh hiệu, 8 năm cho 2 đề cử. Đó là khoảng thời gian dài, thậm chí rất dài với giải đấu số một thế giới, có đại diện góp mặt trong 7/8 trận Chung kết Champions League gần nhất.

Sự vắng mặt của người Anh trong những cuộc đề cử Quả bóng Vàng thực sự là điều đáng lo ngại với nền bóng đá Anh quốc. Nên nhớ, một trong những nguyên tắc vàng của cuộc bình chọn FIFA Ballon d’Or là những ứng cử viên sáng giá nhất phải thuộc về các đội bóng đã vô địch World Cup (EURO) hoặc Champions League. Vậy ai là ngôi sao lớn nhất của các đội bóng Anh vô địch châu Âu? M.U đăng quang ở Moskva với dấu ấn của Ronaldo, một người Bồ. Chelsea vô địch năm ngoái bằng bàn thắng của Drogba, quốc tịch Bờ biển Ngà. Những người Anh như Rooney, Lampard, Terry… trở thành nhân vật phụ trong những chiến dịch lịch sử ấy.

Rõ ràng người Anh không thiếu những cầu thủ giỏi. Các thành viên của thế hệ vàng năm 2006 thậm chí còn nằm trong nhóm những người giỏi nhất thế giới ở vị trí của họ. Vấn đề của bóng đá Anh là họ thiếu những ngôi sao xuất chúng nằm trong top một thế giới, những người có thể xoay chuyển thế cục bằng thiên tài cá nhân. Hiện tại, cầu thủ Anh không có được môi trường tốt nhất để phát triển toàn diện, cạnh tranh sòng phẳng và vươn lên đỉnh thế giới.

2. Sự phát triển của giải Ngoại hạng khiến môi trường bóng đá Anh không còn là mảnh đất phù hợp cho những tài năng trẻ người Anh trưởng thành và phát triển. Giải đấu thu hút nhiều tài năng ngoại, tính cạnh tranh đội hình cao, cầu thủ trẻ nội địa không có cơ hội. Ví dụ: Adam Johnson đến Man City hồi năm 2010 lúc 22 tuổi. Trong 2 năm ở Etihad, anh phải cạnh tranh với Silva (25 triệu bảng), Nasri (25 triệu), Milner (28 triệu). Sau 2 mùa giải, không chịu được nhiệt, Johnson phải ra đi. Mà anh từng là tiền vệ cánh triển vọng nhất của bóng đá Anh, người được kì vọng sẽ đeo vừa chiếc áo số 7 của Beckham.

Johnson không phải là trường hợp duy nhất. Daniel Sturridge cũng từng phải rời Man City hồi năm 2009. 5 năm ở Chelsea, Scott Sinclair ra sân đúng 10 trận. 4 năm ở M.U, Danny Simpson vào sân được 8 lần. Kyle Bartley chỉ tỏa sáng khi tạm biệt Arsenal tới Swansea. Paul Pogba phải xin rời Old Trafford vì không thể cạnh tranh. Danh sách những tài năng trẻ triển vọng chia tay các đội bóng lớn luôn được kéo dài sau mỗi mùa giải.

Đương nhiên, đó không phải là câu chuyện chỉ có ở giải Ngoại hạng. Tại Liga, các cầu thủ trẻ cũng liên tục phải ra đi vì không thể cạnh tranh. Nhưng đó là chuyện chỉ diễn ra ở Barca và Real, những nơi quy tụ quá nhiều ngôi sao lớn của bóng đá thế giới. Còn ở các CLB khác, những sao trẻ luôn có đất diễn và được tạo điều kiện. Bằng chứng: Torres trở thành đội trưởng của Atletico Madrid khi mới 19 tuổi, chuyện sẽ không bao giờ xảy ra ở Anh. Thậm chí ngay cả Barca và Real cũng luôn sở hữu những home-grown mang trong mình ADN của đội bóng, những người được đôn lên để trở thành biểu tượng của CLB. Real có Casillas, Barca có cả nửa đội hình. Cầu thủ ngoại có thể quan trọng. Nhưng nòng cốt của đội hình, thủ lĩnh CLB vẫn phải là các ngôi sao nội, mà phải là những sao nội trưởng thành từ lò đào tạo trẻ, những home-grown đích thực.

3. Người ta nói thành công đích thực phải tới từ sự chuẩn bị. Người Tây Ban Nha đã thay đổi và chuẩn bị trong cả thập kỷ, giờ là lúc họ gặt hái thành công. Đó là bài học mà người Anh cần phải thấy được.

Nên nhớ, nếu loại bỏ hai “siêu nhân” Messi và Ronaldo, chính người Tây Ban Nha mới là quốc gia thống trị cuộc đua Quả bóng Vàng. Nửa thập kỷ qua, họ có Xavi và Iniesta luôn vững vàng trong nhóm đầu, có Casillas, Ramos, Pique (hiện tại), Torres, Villa (vài năm trước) ở nhóm sau. Sự khác biệt mang tới thành công của Liga nằm ở phương pháp đào tạo và xây dựng môi trường cho các cầu thủ trẻ. Đó là điều mà bóng đá Anh chưa làm được.

4. Quả bóng Vàng cuối cùng cũng chỉ là một danh hiệu cá nhân. Nhưng nó phản ánh một câu chuyện lớn hơn: tư duy quản lý, cách thức phát triển bóng đá trẻ và tương lai của đội tuyển quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà ở thời đại hoàng kim của bóng đá Anh (đỉnh cao là ngôi vô địch thế giới năm 1966), họ sở hữu trong đội hình Quả bóng Vàng châu Âu Bobby Charlton (1966). Người Tây Ban Nha đang thành công rực rỡ trên con đường đã chọn. Người Đức bắt đầu hái những trái ngọt đầu tiên. Còn người Anh, khi nào mới tới lượt họ?

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X