Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Azzurri thất bại theo kiểu “ao làng”, Tam sư lụn bại vì “tù ngục”

Thứ Tư 10/09/2014 15:51(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Lí do cho thất bại của ĐT Anh và ĐT Italia trong thời gian gần đây, ai cũng biết, là vì chính những giải VĐQG cao nhất của 2 quốc gia này. Premier League và Serie A là 2 ví dụ nhãn tiền cho thấy chính sách đào tạo trẻ ảnh hưởng khủng khiếp tới sự thành công của một ĐTQG đến mức nào. Và 2 trận thắng gần đây của họ hẳn chẳng phải là dấu hiệu cho sự trở lại của 2 nền bóng đá đang trên đà đi xuống.

Từ thành công mang tính kế thừa của ĐT Đức...

Một World Cup 2014 trên đất Brazil đã qua chứng kiến sự thành công của Đức, Argentina và Hà Lan. Để chỉ rõ lí do vì sao mà 3 đội tuyển này lại giành 3 vị trí cao nhất giải đấu thì có lẽ là chẳng quá khó khăn. 

Die Mannschaft với một chính sách đào tạo trẻ xuất sắc luôn luôn sở hữu những lớp thế hệ kế cận cho thời gian 5 hoặc 10 năm tiếp theo: có thể thấy rằng những Mario Gotze, Mesut Ozil, Andre Schurrle hay Thomas Muller được tạo điều kiện thi đấu đỉnh cao từ rất sớm. Ở Đức có một quy luật dù đắng cay nhưng lại có ích cho đào tạo trẻ và ĐTQG nước này: tất cả những tài năng trẻ ở các đội bóng nhỏ đều được Bayern Munich, Schalke 04 hoặc Borussia Dortmund thâu tóm, hoặc sẽ được các CLB nước ngoài trải thảm đỏ đón về. Chính xu hướng này mang tới cho các tài năng trẻ một môi trường rèn luyện đỉnh cao và được tạo điều kiện để thi đấu trong những trận đấu lớn từ rất sớm. Nền tảng trình độ có sẵn cộng thêm kinh nghiệm thực chiến được thâu lượm dần dần từ khi còn trẻ tuổi, các cầu thủ tuyển Đức thành danh cực sớm trong khi các đồng nghiệp cùng tuổi tại Premier League vẫn còn đang vật lộn tìm kiếm vị trí trong đội hình của các đội bóng tầm vừa. Người ta cứ tưởng Muller đã 30 tuổi đến nơi vì anh nổi quá sớm, Ozil đã kinh qua 4 mùa ở Real Madrid và 1 mùa ở Arsenal dù mới 25 tuổi. Gotze, Reus hay Boateng đều chơi trận chung kết Champions League từ độ tuổi tầm 23. Khi thời điểm chín muồi đến, thế hệ trẻ khoẻ nói trên kết hợp với lứa già dặn, có kinh nghiệm sẽ tạo nên thành công tất yếu. “Thành công tất yếu” này chính là World Cup 2014. Argentina có hướng dựa vào các cầu thủ thi đấu đỉnh cao ở châu Âu, còn Hà Lan cũng thành công theo mô hình của Đức với sự thống trị của Ajax Amsterdam và Feyenoord Rotterdam.

Chelsea là đội để lại ấn tượng mạnh nhất trong vòng đầu tiên cùa Premier League mùa giải mới
Chelsea là là biểu hiện rõ ràng nhất của sự "tù ngục" với các cầu thủ Anh tại Premier League. Họ đang thành công dựa trên nền tảng của hai người Bỉ và hai người Tây Ban Nha

… cho tới thất bại của Anh và Italia

Trong khi đó, dù được kì vọng rất nhiều nhưng ĐT Anh và ĐT Italia lại thất bại ngay từ vòng đấu bảng. Những vấn đề nhãn tiền có thể được chỉ ra rất dễ dàng: ĐT Italia thì vẫn bộ khung ấy đã 5-7 năm nay và chỉ “điểm xuyết” thêm vài tài năng trẻ thiếu tầm ảnh hưởng; còn những người xuất sắc nhất trong thế hệ kế cận của Tam sư thì không thể so bì được với những tài năng tầm trung ở Đức. Vấn đề của ĐT Anh và Italia là trái ngược nhau, nhưng nguyên nhân chính được “điểm mặt đặt tên” cho thất bại của 2 nền bóng đá nước này chính là Premier League và Serie A.

Ở Anh, top 4 của 7 hay 8 năm trước đây là Liverpool - Arsenal - Chelsea và Man Utd. Lúc này “top 4” đã được mở rộng thành “top 7”, với sự góp mặt của Everton, Tottenham và Manchester City. Chính tính cạnh tranh cao của Premier League tạo ra sự hấp dẫn của giải đấu này, nhưng cũng khai tử đất diễn dành cho các cầu thủ người Anh: với áp lực danh hiệu gắn liền với danh tiếng và tiền bạc, các đội bóng ở Premier League, cả trong và ngoài top 7, đều có xu hướng dùng tiền mua thành công. Chelsea sống bằng đầu óc không trọng cầu thủ Anh của Mourinho, Arsenal cũng đã thực hiện mua cầu thủ trong 2 năm gần đây sau khi “chán” đào tạo trẻ, Liverpool chú trọng cầu thủ Anh nhưng cho tới năm ngoái nhạc trưởng của họ vẫn là một chân sút đến từ Uruguay. Chính sự xuất hiện của những cầu thủ nước ngoài đã bóp nghẹt đất diễn của các cầu thủ Anh, chứ đừng nói đến các tài năng trẻ. Ở Anh lại có một nghịch lý: cầu thủ Anh thì đắt hơn các cầu thủ nước ngoài, dẫn đến việc cầu thủ Anh kém chất lượng không được trọng dụng ở đội bóng chủ quản, nhưng cũng không đội bóng nào khác mua để tạo điều kiện cho cọ xát thực chiến. Thế mới dẫn tới việc có rất nhiều cầu thủ của Everton, Stoke City hay Southampton góp mặt trong đội hình Một Tam sư. Và đây thì chỉ là những đội bóng tầm trung bình khá. Nói cách khác, Roy Hodgson mang một đội hình chỉ đủ xếp ngoài top 4 ở Premier League đi dự các giải đấu lớn.

Ở Italia, trái lại, cách vận hành của Serie A tương đối giống với Bundesliga. Serie A là một trong những giải đấu lớn còn giữ được cầu thủ bản địa trong đội hình của phần lớn các CLB. Tuy nhiên, chính scandal Calciopoli của họ đã cướp đi đẳng cấp cao của những trận đấu lớn. Chất lượng của toàn thể giải đấu đi xuống, dẫn đến việc những trận derby không còn sự “nóng” mà nó vốn có, khoảng cách của các đội bóng phân tầng rất rõ ràng, đẳng cấp của top đầu và top sau vô cùng chênh lệch. Thêm vào đó, Serie A trong bối cảnh không thu hút được các HLV xuất sắc hay cầu thủ giỏi (thậm chí lúc này giải VĐQG Ý là nơi dưỡng già cho một bộ phận lớn cầu thủ đến từ Premier League mà hè qua những Torres, Ashley Cole, Vidic hay Evra là các ví dụ tiêu biểu), các cầu thủ trẻ người Italia không có cơ hội chơi bên cạnh những cái tên thực sự xuất sắc, qua đó dù thời lượng thi đấu trên sân rất lớn nhưng cũng không tiến bộ hay học hỏi được nhiều. Chưa hết, khi mà người Italia làm bóng đá còn quá bảo thủ (Verratti rời Parma để sang PSG thì thẳng thừng cho đó là vội vàng và không cần thiết), cơ hội cho các cầu thủ Ý cọ xát ở những giải đấu khác của châu Âu cũng rất hiếm hoi. Kết quả là sao, Verratti chơi quá chững chạc ở PSG và lớn hơn tuổi 22 của mình rất rất nhiều. Thế hệ trẻ bị ép buộc phải chạy quanh quẩn cái ao làng Serie A với trình độ chơi bóng đi xuống, Italia thành công mới là chuyện lạ. Điều này dẫn tới hệ quả các cầu thủ trụ cột của Azzurri đều là những người đã xế chiều: Pirlo, Buffon, Chiellini…, chẳng so sánh nổi với một tuyển Đức trẻ khoẻ đầy sức sống.

Pippo Inzaghi và các học trò ra quân thắng lợi ở Serie A.
Serie A giờ không còn những cầu thủ và các HLV ở tầm vĩ đại như thâp niên 2000

2 trận thắng đầu tay, thành công sẽ trở lại?

Anh vừa thắng Thuỵ Sĩ 2-0 tại vòng loại World Cup 2016, còn Italia thậm chí còn ấn tượng hơn với 2 trận thắng Hà Lan và Na Uy liên tiếp. Thế nhưng thế không có nghĩa là họ đã trở lại. Suy cho cùng, những Thuỵ Sĩ, Na Uy hay Hà Lan thời hậu thay tướng cũng chẳng phải là những thuốc thử xứng tầm. Bên cạnh đó, Anh thắng nhờ sự toả sáng của Sterling hay Welbeck; Italia nhờ cậy De Rossi và Simone Zaza. Dễ thấy rằng Sterling vẫn đang trên đà phát triển, nhưng Welbeck thì không bao giờ đủ tầm đứng trong một đội tuyển quốc gia mạnh; còn với Italia, De Rossi đã già, Simone Zaza chỉ là anh chàng gây được những tiếng vang le lói đầu tiên trong màu áo… Sassuolo, một đội bóng lặn ngụp Serie A và Serie B qua lại như cơm bữa. Cả Anh và Italia đều cần tỉnh lại chứ rõ ràng họ đang có dấu hiệu ngủ quên trên chiến thắng. Hình như Anh và Italia quên mất rằng Đức, Tây Ban Nha và cả CH Séc đều thắng thuyết phục hơn họ trong trận đầu vòng loại Euro 2016.

Chỉ tới khi nào Premier League và Serie A… đổi cách làm việc thì ĐT Anh và Italia mới khá lên được. Xem ra cách làm bóng đá bằng tiền của Anh đang rất phù hợp cho Italia, còn kiểu trọng dụng và giữ đến cùng cầu thủ bản địa của Serie A rất đáng để Premier League học tập. Nếu không, vài trận thắng làng nhàng của Hodgson và Conte rồi cũng sẽ đi vào dĩ vãng trong vài tuần.

Thành Nguyễn
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X