Thất bại của Arsenal trước Bayern không hoàn toàn vì chiếc thẻ đỏ của thủ thành Wojciech Szczesny, mà người phải chịu trách nhiệm chính nên là HLV Arsene Wenger.
Trước khi thủ môn người Ba Lan bị truất quyền thi đấu, đội chủ nhà đã chơi không tệ trước nhà ĐKVĐ. Thậm chí, các “Pháo thủ” mới là đội tấn công dồn dập hơn trong những phút đầu tiên. Nếu như Mesut Oezil không đá hỏng quả phạt đền, hoặc Manuel Neuer không tỏ ra quá xuất sắc và chắc chắn trước mũi giày các tiền đạo Arsenal, có lẽ diễn biến trận đấu đã đi theo một hướng khác. Bước ngoặt trận đấu nằm ở chiếc thẻ đỏ của Szczesny ở phút thứ 37.
Tai hại không nằm ở quả penalty, cũng không ở việc phải chơi thiếu người. Tai hại ở chỗ, Wenger đã không thể hiện được bản lĩnh cần có trong thời điểm các học trò trông mong vào ông nhất. Sai lầm lớn nhất của vị “Giáo sư” khả kính có lẽ là hành động rút Santi Cazorla ra nhường chỗ cho thủ môn dự bị Lukasz Fabianski, trong khi vẫn đặt mọi kỳ vọng vào ngôi sao số một Oezil và tiền đạo trẻ chưa một lần thi đấu đỉnh cao Yaya Sanogo.
Không bàn tới chân sút non nớt người gốc Bờ Biển Ngà, bởi bản thân việc Wenger sử dụng anh từ đầu cho trận đấu lớn này thay vì Olivier Giroud đã giống như một “canh bạc”. Về phần Oezil, đồng ý là anh có thể mang tới sự khác biệt với những đường chuyền thông minh và sắc lẹm của mình, nhưng điều khó hiểu là vì sao “Giáo sư” vẫn tiếp tục sử dụng anh khi Arsenal đã phải chơi thiếu người. Đó là lúc “Pháo thủ” cần những cầu thủ tấn công tốc độ hơn, để có thể tận dụng tốt những cơ hội phản công hiếm hoi, thay vì áp đặt, tổ chức thế trận và chuyền bóng như sở trường của ngôi sao người Đức. Xét về khoản tốc độ, rõ ràng Cazorla “ăn đứt” Oezil.
Thực tế cho thấy rằng những đợt phản công của Arsenal thường nhanh chóng bị bẻ gãy bởi Oezil không đủ tốc độ và thể lực để vượt qua cầu thủ đối phương. Thêm vào đó, cựu tiền vệ Real Madrid chưa bao giờ mạnh ở khả năng hỗ trợ phòng ngự, đó cũng là lý do mà HLV Pep Guardiola đã chỉ đạo các học trò tập trung khoét sâu vào cánh trái do cầu thủ vào thay người Nacho Monreal trấn giữ, được yểm trợ bởi Oezil. Bàn thua đầu tiên của Arsenal cũng tới từ chính sự hời hợt trong cách phòng ngự bên hành lang trái, để mặc Philipp Lahm thoải mái quan sát và chuyền bóng cho Toni Kroos ở vị trí thuận lợi.
Nhìn rộng ra, đây không phải lần đầu và chắc chắn cũng chẳng phải lần cuối Arsenal phải trả giá vì những sai lầm của Wenger. Trận thua bẽ mặt trước Liverpool là một ví dụ điển hình khác cho sự yếu kém về nhận định chiến thuật của HLV người Pháp. Trước hàng tấn công linh hoạt và tốc độ của đối thủ, lẽ ra điều đầu tiên “Pháo thủ” cần lưu tâm là giữ hàng hậu vệ lùi sâu, thay vì làm ngược lại hoàn toàn như trên thực tế.
Sau khi thất bại trong các trận cầu lớn, như một thói quen, Wenger thường tìm ra mục tiêu để “tổng xỉ vả”, để đổ lỗi. Trận thua Liverpool là do thái độ thi đấu của các học trò, trận thua Bayern là trọng tài, là “hành vi ăn vạ” của Arjen Robben… Chẳng mấy khi “Giáo sư” kiểm điểm lại những quyết định nhân sự và chiến thuật của mình. Các fan Arsenal đều hiểu, ông không phải người có thể khích lệ tinh thần các ngôi sao trong những trận đại chiến. Rốt cuộc, giống như hiện tượng Déjà vu, thất bại là điều có thể thấy trước và cứ lặp đi lặp lại qua từng năm. Arsenal tiến bộ đó, bùng nổ đó để rồi tay trắng.
Chiến thuật của Wenger luôn dễ đoán, và vẫn chẳng mấy khác biệt so với 18 năm về trước, ngày ông mới “chân ướt chân ráo” rời Nhật đặt chân tới London. Arsenal của “Giáo sư” vẫn vậy, luôn chỉ có một kế hoạch A duy nhất, hoàn toàn không có những giải pháp thỏa đáng để thay thế mặc dù hầu như mùa bóng nào cũng bị động bởi nạn chấn thương. Ông luôn nói với các cầu thủ một câu bất di bất dịch: “hãy ra sân và thể hiện khả năng”, bất kể với Thierry Henry hay… Sanogo, và bất kể trước đối thủ nào.
Trước khi mong đội bóng thay đổi và thoát khỏi chuỗi 9 năm tay trắng, Wenger cần tìm cách thay đổi chính bản thân trước, chí ít là tỏ ra tương xứng với bề dày kinh nghiệm trận mạc và tuổi đời của ông hơn, thay vì cứ mãi đơn điệu và thiếu nhạy cảm trong cách phân tích thế trận.
Theo Bongdaplus.vn