Sau 2 màn trình diễn ấn tượng ở Premier League, đây cũng là lần đầu tiên, người ta bắt đầu nhận ra những giá trị hiện hữu của Pháo thủ trong mùa giải mới. Sự bóng bẩy trong lối chơi đã phải nhường chỗ cho chiều sâu, và những đôi chân rắn rỏi đã thay cho sự mong manh ở những thời khắc quyết định.
Các CĐV gạo cội đều không khó để nhìn thấy những tín hiệu mới mẻ, tích cực từ đội bóng của Wenger. Nhưng mùa bóng mới chỉ bắt đầu mà thôi! Những cảm xúc chính đáng luôn phải nằm trong sự xét đoán, thay vì dùng cảm xúc để xét đoán. Vậy đâu là giá trị thực của The Gunners tại Stade de la Mosson?
Một đội bóng được tổ chức rất tốt, những con người hiểu rõ nhiệm vụ, tính chính xác được tôn trọng, và khả năng chịu đòn đáng gờm. Trước một Montpellier có lối chơi rất "chất" về kỹ thuật nhưng lại theo phong cách tự do nhiều hơn, Arsenal đã sử dụng thành công yếu tố kinh nghiệm để bảo vệ chiến thắng. Nhưng chưa hết, với đội bóng của Wenger, việc bị dẫn trước trên sân khách và lội ngược dòng vẫn luôn mang tới những cảm giác rất đặc biệt. Sự lạc quan ư, hay lòng tin về những bước tiến thần tốc? Không, đơn giản đó chỉ là cảm xúc nhẹ nhõm khi người ta đã vượt qua được một cái bẫy quen thuộc trên đường đi. Đó chính là cái bẫy thách thức lòng kiên trì, sự tỉnh táo và quyết tâm hướng tới đích. Steve Bould đã không giấu diếm "cơn đau đầu" của mình khi chứng kiến sự mệt mỏi của cả đội trong hiệp 2. Tuy nhiên, về toàn cục, Arsenal đã đứng vững và kiểm soát tình hình cho tới những phút cuối. Cách ứng phó của họ khi đang dẫn bàn là rất đáng khen.
Chiến thắng của Pháo thủ cho thấy những chuẩn bị có khoa học, được vận hành có chủ ý. Tuy nhiên, giá trị thật của họ còn nằm ở sự chập chờn giữa ranh giới tròn vai và thăng hoa. Tính ổn định tuyệt đối chỉ dành cho những cỗ máy, chứ không thể có trong bóng đá. Từ trên khán đài, Wenger chắc hẳn đã nghĩ tới một kết quả khác, một khi Diaby tiếp tục cho mình là một siêu... hậu vệ biết giữ bóng trong vòng cấm đội nhà, hoặc khi Mertesacker đột nhiên phải độc lập tác chiến trước sự khéo léo của đối thủ.
Mọi thứ sẽ được kiểm nghiệm một cách khắt khe hơn nữa vào cuối tuần, tại Etihad, và ngay sau đó là cuộc đấu với Chelsea tại Emirates. Ở Pháp, Arsenal đã cho thấy họ sẵn sàng chơi phòng ngự - phản công chủ động, nhưng lại vẫn lóng ngóng ở các tình huống giải tỏa sức ép. Nhờ đó, Montpellier đã có cơ hội để tạo khác biệt với những pha xử lý phá cách từ các kỹ thuật gia như Cabella hay Belhanda. Thêm một bài học nữa, thêm một dịp để người ta thấy rằng, Arsenal vẫn chưa biết cách lường trước và xử lý những tâm bão trước khung thành.
Bản năng sinh tồn
Khi một đội bóng luôn để những trụ cột ra đi từ đầu mùa, việc hàn gắn những vết thương tâm lý đôi khi còn quan trọng hơn vấn để chuyên môn. Trong suốt 7 năm qua, bằng những nỗ lực không thể phủ nhận, thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối, Arsenal đã luôn cố gắng thắp lên một ngọn nến nào đó. Năm nay cũng vậy! Những thay đổi về con người cũng như cách chơi đã khiến các CĐV cảm thấy dần ấm lòng hơn, cho dù còn quá sớm để tung hô nó. Họ đã chấp nhận từ bỏ cách sống theo ước muốn, và thay vào đó là Sống theo điều có thể. Hệt như khi bản năng sinh tồn tạo ra những giá trị mới, người ta có quyền hãnh diện vì cố gắng của chính mình.
Thật vậy, khát khao tồn tại và chinh phục đã luôn sản sinh ra biết bao sự mới mẻ đáng ngưỡng mộ, thậm chí cả kỳ tích. Mất van Persie và Song, Wenger đã gần như lập tức tạo ra những nhân tố mới, gắn với những cách chơi mới để tạo ra một Arsenal đáng xem hơn, khó lường hơn.
Những thay đổi, sự thứ tha và lòng bao dung đã tạo nên một Arsenal như hiện tại. Nơi ấy, những cái tên tưởng chừng không thể thay thế đã bị xóa nhòa, và những bản hợp đồng bị nghi ngờ nhất lại mang tới rất nhiều ý tưởng. Giroud là một ví dụ. Nếu như người Anh cảm thấy khó hiểu khi Vua phá lưới nước Pháp chưa ghi bàn, thì ít ai biết, tại Montpellier, người ta còn gọi anh là "Vua kiến tạo".
Thời gian mới là thứ tạo ra biến đổi, chứ không phải lí lẽ. Điều đó, Wenger biết...
(Theo Thể Thao Văn Hoá)