Bất chấp thất bại trong trận chung kết Champions League, đây vẫn là mùa giải trong mơ với Atletico. Nhưng HLV Diego Simeone đã làm cách nào để biến một đội bóng không ngôi sao và khá thất thường thành “hiện tượng” như vậy?
KHƠI NGUỒN CẢM HỨNG
Để tìm ra câu trả lời, người ta có thể nghiên cứu cuốn tự truyện “El Efecto Simeone” (Hiệu ứng Simeone) do nhà báo Santi Garcia Bustamente chấp bút. Cuốn sách này phác họa thứ triết lý bóng đá mà El Cholo theo đuổi, mà người ta có thể tóm lược ở 3 ý chính: tạo cảm hứng, công bằng cho tất cả và sự linh hoạt trong chiến thuật.
Trong đó, không phải vô cớ mà việc tạo cảm hứng lại được xếp đầu tiên trong thứ triết lý “Cholismo” ấy. Khi còn thi đấu, bản thân Simeone đã là mẫu cầu thủ luôn ra sân với tinh thần không khoan nhượng, và ông biết cách truyền điều đó cho các học trò. Thậm chí, chiến lược gia 44 tuổi này không chỉ tạo ra động lực, mà còn hoàn toàn thuyết phục được các cầu thủ rằng họ có thể thắng và sẽ thắng bất chấp nghịch cảnh.
Ví dụ tiêu biểu cho khả năng truyền lửa của El Cholo là khi Estudiantes gặp Boca trong trận tranh chức vô địch giải Apertura Argentina năm 2006. Trước trận, Simeone khuyến cáo các CĐV Estudiantes là “bất cứ ai không tin vào chiến thắng thì nên ở nhà”. Ông cũng nói với trung vệ Alayes - người phải kèm chân sút nguy hiểm Palacio của Boca - là: “Cứ chờ xem, cậu sẽ tóm được cậu ta. Đừng để cậu ta chạy lung tung”. Cuối cùng, Alayes bắt chết Palacio, và Estudiantes thắng Boca 2-1 để lên ngôi sau 23 năm chờ đợi.
Điều tương tự cũng diễn ra ở trận tranh Siêu Cúp châu Âu 2012, khi Simeone nói với các học trò: “Chelsea không phải là bất khả chiến bại. Nếu có 1% cơ hội chiến thắng, chúng ta sẽ nắm lấy nó”. Kết quả: Atletico thắng... 4-1 với một cú hat-trick của Falcao.
CHIẾC BÀN DÀI CHO TẤT CẢ
Ngoài truyền cảm hứng, một thành công khác của Simeone là việc đưa bóng đá trở lại giá trị cơ bản: tập thể quan trọng hơn ngôi sao. Sự công bằng là ưu tiên hàng đầu của El Cholo, và ông thường hỏi các cầu thủ: “Cậu thích một mùa giải thế nào? Ra sân tất cả các trận, nhưng đội bóng đứng thấp hơn trên BXH và bị loại ở các giải đấu? Hay cậu chỉ đá 20/38 trận, ghi khoảng 8 bàn và đội nhà vô địch?”.
Dĩ nhiên, tất cả đều chọn phương án 2 và bằng cách này, El Cholo đã triệt tiêu mọi biểu hiện tự tôn. Và sự đoàn kết của Atletico được thể hiện từ chi tiết nhỏ nhất, là cách họ cùng ngồi dùng bữa. Đa phần các đội sử dụng bàn tròn cho từng nhóm 4-5 cầu thủ, những người có xu hướng ngồi chung vì sự gần gũi về quốc tịch, văn hóa hay quan hệ cá nhân. Ở Vicente Calderon thì khác, Simeone tiết lộ: “Chúng tôi ngồi chung một chiếc bàn dài. Theo cách này, các cầu thủ phải nhìn thẳng vào mặt và nói chuyện với nhau”.
MỖI TRẬN MỘT CHIẾN THUẬT
Cuối cùng là sự linh hoạt trong tiếp cận trận đấu. Khi được hỏi về chiến thuật cho mùa giải 2013/14, Simeone tiết lộ “chỉ tính toán từng trận”. Điều đó có nghĩa là ông không sử dụng một đấu pháp cố định, mà chỉ lên đội hình và chọn lối chơi tùy đối thủ. Ngoài ra, El Cholo cũng đặc biệt tôn sùng chiến thuật xoay vòng mà HLV Sven-Goran Eriksson từng sử dụng ở Lazio, thời ông còn thi đấu. Đây là biện pháp cần thiết để duy trì động lực bởi như thừa nhận của Simeone thì “ai thi đấu không quan trọng, chỉ cần biết là nếu chơi không tốt, sẽ có người sẵn sàng thay thế bạn”.
CON SỐ
1: Trung vệ Diego Godin (Atletico) là cầu thủ người Uruguay đầu tiên ghi bàn trong một trận chung kết Champions League.
8: Tiền đạo Diego Costa (ảnh) đã ghi 8 bàn tại Champions League mùa này, đứng thứ ba sau Ronaldo (17 bàn) và Ibrahimovic (10 bàn).
12: Trận đấu giữa Real và Atletico có tới 12 thẻ vàng, một kỷ lục trong lịch sử các trận chung kết Champions League.
34: Atletico là đội nhận nhiều thẻ phạt nhất tại Champions League mùa này với 34 thẻ vàng.
Theo Bongdaplus.vn