Thứ Sáu, 20/09/2024Mới nhất
Zalo

Xu hướng những đội bóng 1 người: Sứ mệnh hổ đầu đàn

Thứ Hai 19/11/2012 13:42(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Một con hổ đầu đàn thường phải đứng ra lãnh trách nhiệm tung đòn kết liễu đối thủ, còn đồng đội của nó chỉ thi thoảng phụ họa rồi hưởng thành quả. Quy luật ngàn đời của thiên nhiên hoang dã dường như cũng bắt đầu xuất hiện ở Premier League, tạo ra xu thế đội bóng một người.

1. Để tìm ra ngôi vị Chúa sơn lâm, ngay từ thời La Mã cổ đại, người ta đã thường xuyên tổ chức những trận quyết đấu giữa sư tử và hổ – 2 con vật biểu trưng cho sức mạnh tuyệt đối trong thiên nhiên. Theo những tài liệu thu thập qua tranh vẽ của những họa sĩ sống vào khoảng thế kỷ 18 và 19, thì sư tử thường là kẻ chiến thắng trong những trận đấu phân chia quyền lực như thế (loại tranh này xuất hiện trên cả huy hiệu của Hoàng gia Anh).

Phải mãi đến sau này, nhà sinh vật học Craig Saffoe mới đưa ra một công trình nghiên cứu chính xác về những cuộc chiến giữa sư tử và hổ. Theo Saffoe, sở dĩ sư tử thường được tạo điều kiện để chiến thắng trong những trận quyết chiến với hổ đơn giản là vì chúng có giá trị biểu tượng ở các nước châu Âu.

 

Sư tử sinh sống theo đàn, và người ta cố tình nâng tầm sức mạnh của chúng lên, cũng là một cách gián tiếp nhắc nhở con người về tinh thần tập thể. Song thực tế lại khác hoàn toàn so với những gì lịch sử cổ đại đã ghi lại.

Ông Craig Saffoe, sau nhiều năm sinh sống và quan sát loài hổ châu Á, đã rút ra kết luận: Hổ mới là kẻ chiếm thế thượng phong trong những cuộc chiến giành ngôi Chúa sơn lâm. Có một thực tế khá tréo ngoe: Sư tử thua cuộc âu cũng chính vì thói quen dựa dẫm vào tập thể đứng sau. Còn hổ, chúng tự ý thức được mình phải đơn độc đứng ra bảo vệ cả đàn, và đó là lý do hổ được tôi luyện kỹ năng chiến đấu đáng sợ hơn sư tử rất nhiều (loài hổ thường kết liễu con mồi bằng chỉ một nhát cắn, trong khi đó sư tử phải vờn chán chê mới kết liễu con mồi).

2. Quay trở lại với câu chuyện bóng đá thời hiện đại. Xu thế một cầu thủ đứng ra gánh toàn bộ trọng trách kết liễu đối phương có vẻ như đang thịnh hành hơn bao giờ hết tại Premiership vào thời điểm hiện tại. Chúng ta gọi nôm na dạng tập thể ấy là: Những đội bóng một người.

Có thể dễ dàng điểm danh ra khá nhiều đội bóng đang hoạt động theo mẫu: 10 công nhân phục vụ cho một cá nhân. Swansea có Michu, Newcastle sống nhờ Demba Ba, Sunderland dựa cả vào Fletcher, Everton sống ký sinh vào cảm hứng của Fellaini, Liverpool bay nhảy cùng Luis Suarez. Ngay cả Chelsea, họ về cơ bản cũng chẳng mạnh khi thiếu Juan Mata.

Tương tự như vị thế của loài hổ trong quan điểm của khoa học thời hiện đại, những tập thể sống dựa vào một con đầu đàn mạnh nhất tại Premiership cũng đang sống rất khỏe. Everton chễm chệ ở vị trí thứ 5 trên BXH, Swansea có mặt trong Top 10, Liverpool cũng dần hồi sinh nhờ vào phong độ ổn định của Suarez.

Và điều bi hài là, những đội bóng sống theo nguyên tắc: Bóng đá là môn thể thao của cả một tập thể, lại đang chịu ngụp lặn dưới đáy BXH. Đơn cử như trường hợp của Aston Villa và Southampton. Họ luôn đề cao tinh thần “Teamwork” khá chuẩn mực. Nhưng điều đó có nghĩa lý gì khi mà những đội bóng một người đang trở thành xu thế và đặc trưng nổi bật của Premiership.

Theo phân tích của giới chuyên môn, thì việc một tập thể 11 người dựa chủ yếu vào phong độ của một cá nhân cũng được coi là một giải pháp hợp lý trong bối cảnh họ không thể giống như các đại gia, sắm cho cả đội hình toàn những ngôi sao. Và cũng giống như bản năng của loài hổ, mẫu cầu thủ đưa vai gánh cả tập thể vô hình trung cũng được tôi luyện kỹ năng chiến đấu xuất chúng hơn người bình thường. Và thực tế thì nếu một đội bóng mà 11 cầu thủ chơi hay như nhau, lịch sử túc cầu làm sao xuất hiện những ngôi sao sống mãi cùng thời gian như Pele, Maradona…

3. Tất nhiên, xu thế nào cũng tạo ra những sự phản biện. Con người không phải robot. Cũng có lúc “hắt hơi xổ mũi”, và liệu những đội bóng một người sẽ xoay xở ra sao nếu như “con đầu đàn” bỗng dưng sa sút?

Không phải ngẫu nhiên mà Barcelona trở thành hình mẫu CLB của cả thế giới. Trong tập thể ấy đúng là Messi quá xuất chúng, nhưng nếu thiếu đi 2 “cục pin” Xavi và Iniesta, cỗ máy Messi cũng không thể muốn làm gì thì làm.

Khoa học đã chứng minh, ngay cả tập tính sinh hoạt của loài hổ cũng thay đổi theo thiên nhiên và vùng miền. Vậy thì rõ ràng Premier League, dù đang rất thịnh hành xu thế đội bóng một người, cũng không thể tồn tại mãi mãi.

Thch Long - Bongdaplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X