Lấp ló giữa những hấp dẫn và quyết liệt thường niên trong mùa giải này, hai câu chuyện tốt lành sưởi ấm trái tim những cổ động viên chân chính trân trọng bóng đá đúng như một môn thể thao nhân bản thuần chất.
Hai cầu thủ với đẳng cấp ưu tú nhưng bị nạn chấn thương dai dẳng gián đoạn và gần như đến hủy hoại sự nghiệp, giờ thì họ trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết để nhanh chóng đóng vai trò quan trọng trong các đội bóng Arsenal vs Man City tưởng chừng như đã lãng quên mình.
Và dù rằng, phản ứng tự nhiên của số đông có lẽ sẽ là bĩu môi, là đảo mắt và khó có thể sẻ chia sự cảm thông khi nghe những cậu thanh niên sức dài vai rộng than thở chuyện không phải/được đi làm vài tháng… nhưng vẫn ngồi không ăn lương đầy đủ không thiếu một xu, đây là vấn đề liên quan phần nhiều đến những khao khát trong tâm can, ước vọng cuộc đời và cả niềm kiêu hãnh.
Và đối với những ai đượm buồm khi chứng kiến sự nghiệp xuống dốc không phanh của họ suốt những năm tháng đã qua, giờ là lúc dành chỗ cho cảm xúc vui lây, hứng khởi và phấn chấn cho những sự trở lại mạnh mẽ đó, may mắn thay kịp thời cho đúng một mùa hè World Cup sôi động.
Jack Wilshere |
Hai chàng trai ấy, Jack Wilshere và Ilkay Gundogan, dường như đã chịu đủ vận đen để giờ thẳng tiến đến những năm tháng đỉnh cao trong sự nghiệp của mình. Chấn thương có thể tước họ ra khỏi bóng đá nhưng không bao giờ có thể tước bóng đá ra khỏi họ. Cả hai vẫn đang không ngừng chứng minh tài năng đặc biệt gần như không có dấu hiệu xói mòn trong môn thể thao vua.
Điểm chung thú vị giữa hai người bọn họ là những chia sẻ phỏng vấn không lâu trước những ngày tái xuất sân cỏ ấn tượng của mình. Đầu năm nay, Wilshere tiết lộ về chế độ ăn chay và kiêng tinh bột cả mình, ca ngợi về ích lợi lành mạnh cho sức khỏe nhưng quan trọng trên hết, nó bao gồm cả những ảnh hưởng tích cực và hiệu quả đến tâm lý, tinh thần của anh.
Một lần nữa, số đông lại phải bĩu môi và đảo mắt khi phải nghe những lời tán tụng sáo rỗng về những khẩu phần ăn hà khắc và nhạt nhẽo như vậy. Tuy nhiên riêng lần này, cái nhìn có vẻ sai lầm và không có sự đa chiều. Với Wilshere, kể cả quan điểm của anh về ăn uống có chỉ là chủ quan, thậm chí phần nào tự huyễn hoặc về những lợi ích mà chế độ ăn riêng đó tác dụng lên cơ thể, với mục đích gắng lạc quan mà đốt cháy giai đoạn xỏ giày trở lại, có thế nào thì đó vẫn chỉ là thứ yếu không thực sự quan trọng.
Mấu chốt ở đây, Wilshere dường như tự tin và thấu hiểu cơ thể mình hơn, chưa kể ý thức tốt hơn về những gì tiêu hóa hàng ngày hơn thuốc lá, rượu bia của ngày trước. Nếu mọi thứ kể cả “ảo tưởng” có thể giúp tiền vệ người Anh đồng điệu tâm lý với thể chất hơn và từ đó hỗ trợ tối ưu cho quá trình hồi phục chấn thương, vậy rõ cũng đáng.
Ilkay Gundogan |
Ilkay Gundogan nữa, với một câu chuyện tương tự - không phải chế độ ăn kiêng mới mẻ nào hay quyết tâm thay đổi lối sống, anh đơn giản nhận mình là “một cầu thủ khác” ngoài sân cỏ. Tiền vệ người Đức tin rằng mình sẽ không bao giờ là mẫu cầu thủ như chính mình trước kia nữa, nhưng không phải theo tầng nghĩa anh bị thụt lùi đẳng cấp. Đại ý của ngôi sao gốc Thổ ở đây là như Wilshere, anh biết nghĩ hơn cho cơ thể của mình, về những tác động lên nó khi thực hiện những nhóm công việc nhất định.
“Nhớ lại thời ở Dortmund, tôi lúc nào cũng phải chạy ra ngoài ngay lập tức và sút quả bóng vào gôn mới chịu được, ngắm nghía mấy cú đá phạt hay đại loại vậy. Giờ thì không còn nữa, không bao giờ. Khi nhìn mấy cậu trẻ làm vậy, tôi nghĩ ‘Chúa ơi, đừng!’. Tôi sẽ không làm vậy và có lẽ không bao giờ có thể làm vậy nữa. Bất kể tập luyện hay thi đấu, tôi sẽ luôn phải khởi động và làm nóng cơ thể của mình trước tiên.”
Một phần minh chứng cho việc chấn thương đã thay đổi cầu thủ ra sao. Quan trọng hơn cả, chính anh ta tự thay đổi mình như thế nào. Bình phục là một chuyện, chủ yếu chỉ là vấn đề thời gian sớm muộn, nhưng chính yếu phải là thấu hiểu và giác ngộ rằng mình cần phải chú ý hơn với những gì diễn ra với cơ thể.
Không chỉ ý thức tốt hơn về từng múi cơ, từng sụn khớp hay từng thớ thịt, ngay cả phong cách chơi bóng cũng cần phải có sự điều chỉnh ít nhiều. Tương đồng, Wilshere và Gundogan đều là những tiền vệ trung tâm mẫu box-to-box, nhưng giá trị của cả hai đều năm ở khả năng dẫn dắt truyền lực và chuyển đổi trạng thái từ thủ sang công cho cả tập thể.
Wilshere và Gundogan: Tia sáng hy vọng trong bóng tối chấn thương |
Phối hợp ban bật một hai với đồng đội hay rê dắt lả lướt qua đối phương, tất cả đều đẹp, nhưng đẹp một cách mong manh – một cái đẹp rất dễ thương tổn và cực kỳ nhạy cảm với chấn thương, đặc biệt khi nhắc đến những đầu gối và mắt cá pha lê. Phong cách nhiệt huyết của Wilshere thì không thể trộn lẫn đi đâu, với ấn tượng sâu đậm về anh thời đỉnh cao thực sự là trái tim không biết sợ hãi và sẵn sàng lao vào năm ăn năm thua với những pha tắc bóng rợn người.
Không có gì bất thường khi cầu thủ thay đổi vị trí, vai trò và phong cách chơi bóng theo thời gian để thích ứng với sự khắc nghiệt của tuổi tác, nhưng những trường hợp đặc thù của Wilshere và Gundogan cho thấy bên cạnh phương diện chiến thuật và thể trạng, suy nghĩ và ý thức gìn giữ bản thân thực tế còn là khía cạnh rộng khắp và quan trọng hơn nhiều.
Không có cầu thủ nào có thể bước ra sân thi đấu với tâm lý sợ chấn thương, điều gần như hiển nhiên khó tránh khỏi trong mỗi sự nghiệp quần đùi áo số chuyên nghiệp. Điều anh có thể làm là thay đổi “trạng thái quan hệ” với cơ thể và điều chỉnh phù hợp tính chất trận đấu đặc thù. Nếu nó đồng nghĩa với việc phải làm quen với một vai trò mới trong đội, vậy hãy cứ thế đi.
Như Jack và Ilkay, những tia sáng hy vọng trong bóng tối chấn thương và khấp khởi tỏa màu rực rỡ trên đất Nga mùa hè này.
Gia Khoa – Bóng đá 24h (Sử dụng thông tin từ The Indepedent)