Cả Chủ tịch LĐBĐ Anh (FA) và chủ tịch ban tổ chức Premier League, cũng như Bộ trưởng Thể thao nước này, đều đóng một vai trò quyết định trong cuộc chiến giành quyền mua lại West Ham. Trong khi Chủ tịch FA, Geoff Thompson, giúp sắp xếp các cuộc gặp giữa West Ham và nhóm đầu tư người Iceland, thì Bộ trưởng Thể thao Richard Caborn lại ủng hộ đối thủ người Israel.
Eggert Magnusson, Chủ tịch LĐBĐ Iceland, thành viên của Uỷ ban điều hành UEFA và cũng là người đứng đầu nhóm đầu tư, đã tiếp cận với Thompson nhằm sắp xếp một cuộc gặp với Terry Brown, Chủ tịch của West Ham.
Thế nhưng, mặc dù Thompson, đồng nghiệp của Magnusson trong Uỷ ban điều hành UEFA, có nói chuyện với Brown và đề nghị ông gặp doanh nhân người Iceland, cuộc gặp đó vẫn chưa diễn ra trong gần một tuần qua. Chỉ sau sự can thiệp mang tính cá nhân của David Richards, Chủ tịch giải Premier League, Brown và Magnusson mới chính thức gặp nhau vào ngày hôm qua. Có điều, trái với thông tin mà một số tờ báo của Anh đưa, hiện chưa có bất cứ đề nghị nào về bản hợp đồng trên được thảo luận. Dự kiến, West Ham cũng sẽ có thông báo về quyền mua lại CLB, có khả năng thông qua thị trường chứng khoán. Trên thực tế, đề nghị cho tới nay của những nhà đầu tư Iceland chỉ là một bức thư gửi ban lãnh đạo West Ham, trong đó, họ đưa ra mức giá từ 65-75 triệu bảng. Tuy nhiên, số tiền này chủ yếu dựa vào các khoản vay, một yếu tố khiến đề nghị trở nên kém hấp dẫn hơn với phía West Ham.
Thậm chí, Magnusson, người có số tài sản dựa vào việc bán công ty sản xuất bánh quy cách đây vài năm, còn không tiết lộ danh tính của những người đang hậu thuẫn cho ông. Trong số này, tất cả cho rằng, Keith Harris, hiện điều hành Ngân hàng thương mại Seymour Pierce, là người cố vấn cho Magnusson, còn người hậu thuẫn chính là Bjorgolfur Gudmundsson, Chủ tịch Ngân hàng Landsbanki của Iceland. Có điều, Asgeir Fridgeirsson, người phát ngôn của Gudmundsson, cho biết: "Cho tới nay, ông ấy chưa cam kết sẽ hỗ trợ cho dự án trên. Ông ấy hiểu ngài Magnusson, biết rõ vụ làm ăn, ông ấy có đủ tiềm lực tài chính và ông ấy cũng có thể tham gia. Tôi biết ngài Magnusson có thể mời được 20-30 doanh nhân người Iceland muốn góp mặt trong nhóm đầu tư".
Cần nói thêm, Gudmundsson cũng từng có liên quan đến bóng đá trước đây khi ông là Chủ tịch CLB thể thao Reykjavik. Theo Magnusson, ông cần có thêm một chút động lực nữa và điều này giải thích rõ quyết định của ông khi thuê Mike Lee, cựu giám đốc truyền thông của UEFA và Uỷ ban đăng cai Olympic 2012 của London, làm người cố vấn chiến lược cho mình. Với những mối quan hệ ở Đảng Lao động, Lee có thể là một nhân vật quan trọng trong trường hợp Bộ trưởng Thể thao Caborn có ý định ủng hộ ông trùm lĩnh vực bất động sản người Israel, Eli Papouchaldo.
Sự ủng hộ của Caborn xuất phát từ việc Papouchaldo có cho rằng, một phần trong kế hoạch mua lại West Ham là để CLB chuyển tới sân Olympic. Caborn chắc chắn sẽ ủng hộ dự định đó bởi ông đang gặp khó khăn trong cuộc chiến với Ken Livingstone, thị trưởng thành phố London, về dự án sân Olympic sau khi Olympic 2012 kết thúc. Livingstone muốn xây dựng một SVĐ có sức chứa 80.000 chỗ để phục vụ cho Đại hội, trước khi giảm 25.000 chỗ và biến nó thành địa điểm tổ chức các môn điền kinh.
Về phía Caborn, ông muốn dùng tới giải pháp bóng đá và có ý định để West Ham copy cách làm của Man City. Đội bóng vùng Eastlands đã chuyển tới sân City of Manchester vào cuối giải Đại hội Khối thịnh vượng chung vào năm 2002.
Trở lại với đề nghị của Papouchaldo, người sẽ trực tiếp bỏ tiền túi ra mua West Ham, có vẻ như ông sẽ có cuộc gặp với ban lãnh đạo CLB này trong thời gian gần sau khi có mặt ở London vào hôm thứ tư vừa qua để thảo luận với các ngân hàng thương mại của mình.
Theo Thể Thao Việt Nam