Fabregas tài năng và đẳng cấp, từ một đứa trẻ mới tập nói cho đến một ông già sắp rụng răng cũng biết điều đó. Nhưng không có ai là không thể thay thế, F4 cũng vậy. Vấn đề chỉ là Arsenal có cần đầu tư một ngôi sao mới trám vào vị trí bị khuyết đó hay không mà thôi?
Câu trả lời là "Có" mà cũng có thể là "Không". Có là vì Arsenal cần phải mua thêm sao để ganh đua ngôi vô địch, còn không là bởi Fabregas là Fabregas, và chẳng ai có thể thay thế hình bóng người đội trưởng này trong tâm trí người hâm mộ thành London.
Nhưng làm bóng đá là một quá trình không ngừng nghỉ. Thế nên dù muốn hay không, Arsenal cũng phải có những quyết sách cho vấn đề này. Fabregas là linh hồn trong lối chơi mà Arsene Wenger xây dựng, do vậy việc để mất "bộ não" này đặt ra cho Giáo sư 2 vấn đề. Một: Có nên tiếp tục giữ lối chơi bật nhả hay không? Hai: nếu tiếp tục duy trì lối đá tiqui-taca thì có nên tìm những ngôi sao mới để khỏa lấp vai trò của người đội trưởng hiện tại ?Wenger không còn "cố sống cố chết" giữ chân Fabregas nữa
Ở câu hỏi thứ nhất, câu trả lời chắc chắn là "nên". Một đội bóng không thể "sống khỏe" nếu đi ngược với giá trị truyền thống, mà trong gần 20 năm qua, Pháo thủ kiên quyết tôn thờ lối chơi tấn công đẹp mắt. Vì thế cũng giống như việc trước đây từng mất những ngôi sao sáng giá như Henry, Pires hay Ljungberg, đội bóng thành London cũng chẳng bao giờ quay lại lối chơi tử thủ như thời George Graham theo lời khuyên của huyền thoại Tony Adams.
Ở câu hỏi thứ hai, vấn đề trở nên hóc búa hơn. Không dễ gì tìm được một người vừa có kỹ thuật cá nhân điêu luyện lại vừa có nhãn quan chiến thuật sắc bén như Fabregas. Chưa kể đến 8 năm "ăn cơm" ở London, anh hẳn hiểu Arsenal như hiểu chính bản thân mình, và việc trở thành nhạc trưởng của Pháo thủ cũng tự nhiên hệt như việc hít thở không khí hàng ngày vậy.
Do đó nếu đưa một cầu thủ mới về Emirates, dẫu có tài năng, cũng chưa chắc hòa nhập được với lối chơi chung của Arsenal, chứ đừng nói đến việc dẫn dắt được cả một tập thể. Chiến lược gia người Pháp, thay vì đi tìm nguồn nhân lực mới, có lẽ nên tiếp tục phát triển những nhân tố nội tại như ông đã từng làm bao năm qua.
Khi xem xét vấn đề dưới góc độ như vậy, người ta mới giật mình nhận ra tại sao vị thuyền trưởng lão luyện lại kiên quyết giữ chân Nasri đến vậy. Ngay cả thời điểm tỏ ý buông xuôi trong việc níu kéo Fabregas thì ông vẫn cực kỳ cứng rắn với vấn đề của tiền vệ người Pháp. Dù lối chơi của hai người là khác nhau (Fabregas thích chơi lùi và chuyền bóng, còn Nasri thích đá ở ngay sau lưng tiền đạo và rê dắt), nhưng cả hai đều có những tố chất thích hợp để trở thành thủ lĩnh xuất sắc: tinh thần đồng đội, khả năng bùng nổ và tâm lý tự tin ở những trận đánh lớn.
Giữ lại Nasri còn giúp Arsene Wenger ổn định lòng quân, vốn đã bị dao động dữ dội sau khi một loạt những hảo thủ như Fabregas, Clichy hay Bendtner đòi ra đi, còn Van Persie, Arshavin bi quan về tương lai màu đỏ trắng. Giữ Nasri cũng là cách nhanh nhất để đội bóng phía bắc London định hình bộ khung cho mùa giải mới. Thay vì đi tìm một nhạc trưởng thì họ chỉ cần bổ sung một chân sút có hạng là đủ (Gervinho của Lille luôn ở trong trạng thái sẵn sàng).
Chính vì những lý do đó mà việc mất Fabregas chưa hẳn đã là một thảm họa với Pháo thủ. Một vì sao lặn xuống thì sẽ lại có một ngôi sao khác sáng hơn mọc lên. Nasri chưa đạt tới đẳng cấp của người đội trưởng một phần cũng là do Fabregas vẫn còn tại vị. Biết đâu khi F4 ra đi, người bạn đồng trang lứa của anh sẽ trở thành huyền thoại mới ở sân Emirates thì sao?
(Theo VTC)