(Bongda24h) - Premier League đang trải qua một kỳ chuyển nhượng điên rồ khi có đến 13 câu lạc bộ phá kỷ lục chuyển nhượng của chính mình. Điều gì khiến người Anh bất chấp tất cả đổ tiền vào mua sắm rầm rộ đến thế?
Từ chuyện thay tướng
Hè này chứng kiến sự xáo trộn rất lớn trên băng ghế huấn luyện tại Premier League khi có đến 8 trong tổng số 20 câu lạc bộ bổ nhiệm huấn luyện viên mới. Đó là trường hợp của Man City (Pep Guardiola), MU (Jose Mourinho), Chelsea (
Antonio Conte), Everton (Ronald Koeman), Hull (Mike Phelan), Southampton (Claude Puel), Sunderland (David Moyes), Watford (Walter Mazzarri).
Chưa kể đến Liverpool (Jurgen Klopp) và Swansea (Francesco Guidolin) đều "thay tướng vào tháng 1/2016 nên coi kỳ chuyển nhượng hè là thời điểm quyết định để tăng cường sức mạnh đội hình. Việc có đến một nửa số CLB tại Premier League có những chiến lược gia mới tác động trực tiếp đến thị trường chuyển nhượng.
Tổng cộng số tiền chuyển nhượng nhóm 10 câu lạc bộ thuộc diện "thay tướng" chi ra cho chuyển nhượng vào khoảng 720 triệu bảng, chiếm 61% trong tổng số tiền chuyển nhượng lên đến 1,175 tỷ bảng mà cả Premier League chi ra. Điều đó chỉ rõ tác động của việc "thay tướng" đến sự điên rồ của kỳ chuyển nhượng hè 2016.
Ngoài ra còn một minh chứng rõ rệt hơn cho sự tác động của những huấn luyện viên mới lên thị trường chuyển nhượng là những bản hợp đồng kỷ lục. Hè này, 13 câu lạc bộ tại Premier League tự phá hợp đồng kỷ lục của chính mình.
Đáng chú ý là 7 trong tổng số 13 câu lạc bộ tự phá kỷ lục chuyển nhượng nằm trong nhóm "thay tướng" gồm Paul Pogba (M.U), Yannick Bolasie (Everton), Sofiane Boufal (Southampton), Borja Baston (Swansea), Didier N'Dong (Sunderland), Ryan Mason (Hull), Roberto Pereyra (Watford).
Đó là chưa kể đến thương vụ kỷ lục hậu vệ người Anh đắt giá nhất lịch sử John Stones đến Man City từ Everton. Như vậy, 8 trong tổng số 14 bản hợp đồng kỷ lục của Premier League hè này nằm trong nhóm những câu lạc bộ vừa đón chiến lược gia mới.
Những chiến lược gia mới cần những cầu thủ phù hợp với triết lý sẽ áp dụng tại đội bóng. Tiêu biểu như Pep Guardiola, Antonio Conte hay Jose Mourinho đều tạo ra những bản hợp đồng "đinh" để phục vụ cho ý đồ chiến thuật sẽ áp dụng.
Đến những áp lực
Việc một loạt ngôi sao trên băng ghế huấn luyện đổ bộ tới Premier League cũng làm cho những câu lạc bộ không "thay tướng" cảm thấy lo lắng. Mùa này, các chuyên gia nhận định sẽ có khoảng 7 câu lạc bộ đủ khả năng giành suất vào top 4. Khoảng 3 đến 4 câu lạc bộ tranh giành nhau ngôi vô địch. Điều đó chứng tỏ sự cạnh tranh khốc liệt tại Premier League.
Những câu lạc bộ "không thay tướng" cũng buộc phải có hành động để không tụt hậu so với những đối thủ cạnh tranh. Điều đó tạo thành một làn sóng mua cầu thủ để đảm bảo sự yên tâm hơn cho mùa giải tới dù chưa biết những tân binh mới gia nhập có nhanh chóng hòa nhập với câu lạc bộ mới.
|
Các CLB buộc phải mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng khi Premier League mùa này được đánh giá có tính cạnh tranh cao. |
Đó là chưa kể đến những câu lạc bộ có "tiềm lực" như Arsenal, Tottenham hay nhà đương kim vô địch
Leicester.
HLV Arsene Wenger trước làn sóng phản đối của các cổ động viên buộc phải chi ra hơn 50 triệu bảng cho bộ đôi Lucas Perez và Shkodran Mustafi.
Tottenham và Leicester cũng chi rất mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng với số tiền bỏ ra để mua cầu thủ là 70 và 63 triệu bảng. Trường hợp Tottenham có thể dễ dàng giải thích bởi Spurs luôn nuôi tham vọng cạnh tranh vào top 4 từ nhiều năm nay.
Còn Leicester, việc họ bạo chi tuy có bất ngờ nhưng thực ra cũng được dự đoán từ trước. Ngay từ khi lên ngôi vô địch Premier League trong bất ngờ vào cuối mùa trước, nhiều người đã dự đoán Leicester buộc phải có thêm những bản hợp đồng mới khi lực lượng của The Foxes bị đánh giá quá mỏng để trải sức tại cả hai đấu trường gồm giải ngoại hạng cũng như Champions League.
Bất ngờ nằm ở chỗ không ai ngờ Leicester dám chi tiêu mạnh tay đến thế khi tiềm lực tài chính của họ không thực sự dồi dào. Hè này, số tiền Leicester bỏ ra để mua cầu thủ chỉ kém những câu lạc bộ hàng đầu nước Anh là Man City, M.U, Chelsea, Arsenal, Tottenham, Liverpool. Hơn nữa, Leicester phá kỷ lục chuyển nhượng của CLB hai lần liên tiếp trong hè này với Ahmed Musa rồi Islam Slimani.
Với việc thu về khoảng 5,1 tỉ bảng từ tiền bán bản quyền truyền hình trong giai đoạn 2016-19, sự điên cuồng trên thị trường chuyển nhượng được giới truyền thông đánh giá rất cao xét về mặt hiệu ứng tạo chú ý của người hâm mộ.
Những thương vụ kỷ lục càng khiến các CĐV chờ mong mùa giải mới của Premier League hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giá trị thương hiệu của giải đấu tăng lên, kéo theo tiền bản quyền truyền hình các giai đoạn sau càng "có giá" hơn nữa.
Số tiền chi ra cho chuyển nhượng sẽ quay vòng rồi trở lại vào túi các câu lạc bộ.
Như Đạt