Vì sao Man Utd thời Mourinho chỉ đá hay khi gặp những ông lớn?
Chủ Nhật 22/04/2018 12:34(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Ai nhận ra đây là những con người từng thua bạc nhược West Brom vài ngày trước? Cứ bước vào trận đánh lớn, Man Utd thời Jose Mourinho lại "sung" đến mức kỳ lạ.
Chỉ hay khi gặp những ông lớn
Trong vòng nửa tháng, Man Utd hạ gục hai đối thủ sừng sỏ cùng theo một kịch bản: Thi đấu không tốt trong hiệp một, đá như lên đồng ở hiệp hai rồi lội ngược dòng. Man City và Tottenham đều gục ngã dưới chân "quỷ đỏ" theo cách như thế ở, đều những trận đấu mang tính chất định đoạt.
|
Man Utd thời Mourinho thường chơi hay khi gặp những đội bóng ngang cơ. |
Thầy trò Mourinho phá hỏng buổi lễ đăng quang sớm của Man City ngay tại Etihad, rồi phá luôn giấc mơ có danh hiệu của Tottenham chính ở Wembley.
Mô tả về Man Utd thời Mourinho chỉ có thể khái quát bằng hai bộ mặt: Đáng sợ khi gặp những ông lớn và tầm thường khi chạm trán kẻ chiếu dưới. Xen lẫn giữa hai chiến thắng ấn tượng trước Man City và Tottenham là
trận thua West Brom - đội bóng bét bảng cố níu vớt hy vọng trụ hạng mong manh.
Thành tích của Man Utd khi gặp những đội bóng thuộc nhóm Big Six mùa này rất khả quan với 6 chiến thắng, 1 trận hòa và 3 thất bại. Nhưng nếu chạm trán các đội bóng chiếu dưới tính riêng phạm vi các giải đấu thuộc nước Anh, "quỷ đỏ" thua đến 4 trận (Huddersfield, Bristol City, Newcastle và West Brom).
Đâu là lý do?
Điểm khiến Jose Mourinho được đánh giá cao là khai thác tiềm năng của các cầu thủ. Tiêu biểu như chiến thắng Man City, Mourinho bước vào phòng thay đồ dõng dạc tuyên bố "đừng để đám Man City toại nguyện ở trận này". Pogba, người bị Mourinho chỉ trích kịch liệt giữa giờ đá như lên đồng trong hiệp hai, giúp "quỷ đỏ" nhấn chìm đối thủ tại Etihad.
|
Pogba thi đấu trận hay trận dở trong màu áo Man Utd thời Mourinho. |
Điều tương tự cũng xảy ra trong
trận thắng Tottenham, Herrera bị Mourinho mắng xơi xơi cuối hiệp một rồi lập tức ghi dấu ấn bằng bàn thắng đầu hiệp hai.
Một yếu tố khác giúp Mourinho được đánh giá cao là sự nhạy bén nắm bắt ý đồ của đối thủ. Nói một cách khác, Mourinho xây dựng lối chơi cho đội dựa theo từng đối thủ. Tiêu biểu là việc ông xoay đội hình từ 4-2-3-1 quen thuộc sang 4-3-3 ở trận gặp Tottenham nhằm giành quyền kiểm soát tuyến giữa. Herrera đóng vai "át chủ bài" thi đấu thành công cho thấy con mắt tinh tế của Mourinho.
Cũng chính cách xây dựng lối chơi bị động đó cũng là điểm yếu của Mourinho. Pep Guardiola và Jurgen Klopp xây dựng nhiều bài tấn công ở tốc độ cao để cuốn đối thủ vào lối chơi của đội. Điều đó hữu dụng cả khi gặp những đội bóng lớn và nhỏ. Còn lối chơi ứng biến của Mourinho thích hợp khi gặp những đội ngang cơ, ít tác dụng khi chạm trán những đội yếu hơn.
Các đội bóng chiếu dưới thường chơi phòng ngự phản công khi chạm trán Man Utd. Trong khi đó, các học trò của Mourinho không có nhiều bài tấn công ở tốc độ cao nhằm khiến đối thủ bối rối lộ ra sai lầm. Thay vào đó, Mourinho chỉ có một bài sử dụng trong hơn thập kỷ nay: Treo bóng bổng cho trung phong cắm có thể hình, sức mạnh cùng khả năng hoạt động độc lập tốt.
|
Màn trình diễn ấn tượng Ander Herrera cho thấy con mắt chiến thuật nhạy bén của Mourinho. |
Đó là lý do gần như ở mọi đội bóng, Mourinho đều trọng dụng một trung phong mạnh mẽ cắm cao nhất trên hàng công như Drogba, Diego Costa (Chelsea), Diego Milito (Inter Milan) hay Lukaku (Man Utd). Những trung phong này vừa có thể làm bàn, vừa có thể làm tường tạo nên tình huống lộn xộn trong vòng cấm tạo cơ hội cho vệ tinh xung quanh, hoặc tạo khoảng trống cho những cú sút xa.
Vấn đề là các chiến lược gia dần nhìn ra ý đồ của Mourinho để lên phương án đối phó. Còn các cầu thủ Man Utd đã chán ngấy sự đơn điệu trong cách xây dựng lối chơi của Mourinho.
Eden Hazard ở Chelsea, hay Paul Pogba ở Man Utd hiện nay đều không hài lòng khi Mourinho dần mài mòn tính sáng tạo trong cách chơi của họ, biến họ thành những cỗ máy nhận lệnh thực thi thay vì nghệ sĩ được phép sáng tạo không giới hạn.
Tổng hợp Man Utd 2-1 Tottenham:
Xem thêm những bài viết khác trên Bongda24h.vn về Man Utd:
Như Đạt (TTVN)